Phóng to |
Ông Nguyễn Tuấn An (phải) cho biết mình là kế toán trưởng của Tập đoàn VTI Group - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Đáng chú ý là trước đó vào năm 2009, ông Vi đã thành lập hai DN nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh doanh thu.
Lộ diện ”đại bản doanh”
6.606 tỉ đồng Đó là tổng số vốn điều lệ đăng ký của 39 công ty do ông Vi làm đại diện pháp luật, theo số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM. Trong đó Công ty cổ phần Thành Phố Trên Đồi có vốn lên đến 1.450 tỉ đồng. Nhiều công ty có vốn 500 tỉ đồng như Công ty cổ phần đấu giá VTI, Công ty cổ phần Thành Phố Công Nghệ Cao... |
Ngày 9-11, tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Tuấn An, tự giới thiệu là kế toán trưởng của VTI Group. Ông An cho biết công ty mới dời đến đây từ tháng 9-2011. Điều hành các công việc hiện nay chỉ có bốn nhân sự là tổng giám đốc Võ Văn Vi (31 tuổi - đang đi công tác bên ngoài), một kế toán trưởng, một chuyên gia công nghệ thông tin và một luật sư.
Thực tế này cũng khác hẳn với nhân sự hùng hậu gồm nhiều chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, hội đồng quản trị và điều hành, hội đồng tư vấn quốc tế, ban tư vấn cao cấp... như những thông tin được giới thiệu trên trang web của tập đoàn.
Đoán biết nghi vấn của chúng tôi, ông An giải thích công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu. “Các anh chị yên tâm, sang năm sau VTI Group sẽ có bộ mặt khác. Tháng 3 năm sau công ty sẽ thuê lại hết cả tầng 31 này để hoạt động” - ông An khẳng định. Theo ông An, VTI Group là công ty cổ phần đang tập trung kinh doanh các dự án bất động sản, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê ở Đà Nẵng.
Từ chối tiết lộ năng lực tài chính của tập đoàn, ông An cho biết công ty đang làm các thủ tục chuyển trụ sở vào TP.HCM “để tìm hướng đi riêng”. Với các DN mới thành lập sau này thuộc nhiều lĩnh vực “sừng sỏ” khác như điện lực, hàng hải, thép, sữa, khoáng sản..., ông An cho biết “đây vẫn là dự án, chưa triển khai vì chưa phải thời điểm thích hợp”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày gần đây VTI Group liên tục đăng bố cáo thành lập các công ty con trên các phương tiện thông tin đại chúng với số vốn điều lệ rất “khủng”. Cụ thể Công ty cổ phần CP Thành Phố Trên Đồi, số ĐKKD: 0311205899 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp ngày 3-10-2011, ngành nghề kinh doanh: công viên theo chủ đề, thể thao, xây dựng, lưu trú... có vốn điều lệ lên đến 1.450 tỉ đồng.
Trước đó ngày 20-10, VTI bố cáo thành lập Công ty nước giải khát VTI, số ĐKKD: 0311158712, do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp ngày 21-9-2011, ngành nghề kinh doanh: sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát... vốn điều lệ 80 tỉ đồng.
Thông tin bố cáo đều cho biết các công ty này đã đi vào hoạt động trong thời gian cuối tháng 9 đến đầu tháng 11.
Hai năm chưa có doanh thu
Ông An cũng cho biết công ty đang triển khai nhiều dự án mà “sếp nói là bí mật”. Sau đó ông An “bật mí” một trong số những dự án đang triển khai là thương lượng để mua lại dự án bất động sản lớn nhất ở Đà Nẵng là Indochina Riverview Towers. “Chủ dự án hét giá cao quá, công ty đang thương lượng để mua lại block nhà cao tầng hiện là văn phòng cho thuê với giá 19,2 triệu USD”.
Khi chúng tôi hỏi dự án này nằm vị trí nào ở Đà Nẵng, ông An bảo chưa ra Đà Nẵng bao giờ nên không biết. Khi xin danh thiếp, ông An cho biết chưa có vì công ty chưa ổn định, hiện lãnh đạo công ty đang tập trung cho các dự án, chưa tiếp xúc khách hàng.
Trước đó sáng 9-11, chúng tôi vào địa chỉ website của Công ty TNHH Đường Bay Việt. Đây là một trong số hai công ty thuộc VTI Group đã được thành lập từ năm 2009. Website giới thiệu chùm 13 tour nội địa và năm tour đi nước ngoài, liên lạc theo số điện thoại 09252016... để đặt tour thì được tổng đài báo “số thuê bao quý khách vừa gọi hiện chưa đăng ký”.
Gọi vào điện thoại bàn mã số TP Đà Nẵng, chúng tôi được cô nhân viên tên T. trả lời. Sau khi nghe yêu cầu đặt tour đi Nha Trang 4 ngày 3 đêm di chuyển đường bộ vào cuối tháng 11-2011, cô T. cho biết trong vòng 2-3 ngày nữa nhân viên chi nhánh tại TP.HCM sẽ báo giá. Sau đó, liên lạc lại thì cô T. từ chối vì đã có quá đông khách hàng!
Một điểm đáng ngờ khác là theo thông tin cơ quan thuế cung cấp, địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty TNHH Đường Bay Việt là lầu 31 Saigon Trade Center nhưng trên website lại ghi trụ sở là tầng 6 khu B tòa nhà Indochina Park Tower (4 Nguyễn Đình Chiểu. P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM). Liên lạc với ban quản lý tòa nhà Indochina Park Tower thì được biết công ty không còn ở đây.
Phòng lữ hành Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP.HCM khẳng định chưa từng cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa hay quốc tế (phải ký quỹ 250 triệu đồng) cho Công ty du lịch Đường Bay Việt.
Ngoài ra, có nhiều điểm mâu thuẫn như trên website của Công ty cổ phần truyền thông VTI - một thành viên của VTI Group - giới thiệu hàng loạt tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng... là khách hàng của công ty này. Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty liên doanh Honda VN và đại diện các ngân hàng có tên trong danh sách khách hàng của VTI đều khẳng định không biết Công ty cổ phần truyền thông VTI là công ty nào và chưa bao giờ làm việc với đại diện của công ty này.
Ngoài ra, thông tin mà đại diện Công ty TNHH Đường Bay Việt trả lời là đã có quá nhiều khách hàng nên không nhận đặt tour cũng không khớp với thông tin từ Cục Thuế TP.HCM đưa ra là qua hai năm hoạt động đến nay công ty này vẫn chưa phát sinh doanh thu.
Làm giám đốc của 12 công ty cổ phần
Ông Dương Thế Quang, giám đốc trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM, cho biết 37/39 DN do ông Võ Văn Vi làm đại diện pháp luật được thành lập từ ngày 15-9 đến 3-11-2011, trong đó ông Vi đứng tên làm giám đốc 12 công ty cổ phần. Sự việc này được phát hiện tại bộ phận đăng ký thuế của Cục Thuế đầu tháng 11.
Đáng chú ý, tại thời điểm cơ quan thuế phát hiện và báo động cho Sở Kế hoạch - đầu tư và cơ quan công an vào ngày 1-11, số DN do ông Võ Văn Vi làm đại diện pháp luật mới dừng ở con số 37. Sau đó ngày 3-11, ông Vi tiếp tục được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thêm hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần dầu khí VTI và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý VTI.
Ông Trần Ngọc Tâm, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết đã chỉ đạo Chi cục Thuế quận 1 - nơi ông Vi đặt trụ sở kinh doanh - kiểm tra. Ông Tâm cho biết từ trước đến nay Cục Thuế TP.HCM chưa từng phát hiện trường hợp một người đứng làm đại diện pháp luật và tổng giám đốc nhiều DN đến như vậy.
“Chưa biết mục đích chính xác của chủ những DN trên nhưng có thể thấy rõ sự việc này là bất thường. Việc ông Vi làm giám đốc 12 công ty cổ phần cũng trái quy định của Luật DN. Theo quy định của Luật DN, giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần không được làm giám đốc hoặc tổng giám đốc của DN khác” - ông Tâm nói.
Lỗ hổng từ đâu? Trả lời câu hỏi vì sao DN vi phạm Luật DN nhưng các cơ quan chức năng vẫn cấp mã số thuế, ông Dương Thế Quang cho biết từ tháng 10-2010 đến nay, quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Theo đó, người lập doanh nghiệp tại TP.HCM chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký con dấu và mã số thuế cùng một lần cho phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư. Nơi này sẽ tự chuyển hồ sơ cho Cục Thuế và PC13 để xin giấy phép khắc dấu lẫn giấy chứng nhận đăng ký thuế cho DN. Mã số thuế cũng được cấp tự động, theo đó một khi DN được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì lập tức sẽ có một mã số thuế phát sinh. Cơ quan thuế chỉ tiếp quản về sau khi DN đến đăng ký, kê khai thuế, đăng ký hóa đơn. Trước đây khi Luật quản lý thuế chưa có hiệu lực, bức xúc trước tình trạng nhiều DN lập ra rồi ôm hóa đơn bỏ trốn, Cục Thuế TP.HCM và Sở Kế hoạch - đầu tư đã lập riêng phần mềm theo dõi DN. Theo đó với những trường hợp đăng ký thành lập mới, dựa trên số CMND cơ quan thuế sẽ dò tìm thông tin, xem cá nhân đăng ký trước đó đã từng lập DN, tình trạng hoạt động ra sao, sau đó liên hệ các chi cục thuế hỏi thông tin. Nếu không có vướng mắc gì mới cho phép đăng ký thuế. Trường hợp trước đó cá nhân này từng góp vốn thành lập DN sau đó nợ thuế, bỏ trốn..., cơ quan thuế sẽ yêu cầu DN phải khắc phục hậu quả xong mới được cấp mã số thuế mới. Hiện nay Luật quản lý thuế không quy định cơ quan thuế phải làm việc này. Hơn nữa, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ còn năm ngày, trong đó cơ quan thuế chỉ có một buổi để kiểm tra xem có đầy đủ thông tin chưa nên rất khó để kiểm soát. Hơn nữa, những dữ liệu cơ quan thuế nhận được từ Sở Kế hoạch - đầu tư không có thông tin về thành viên góp vốn, cơ quan thuế chỉ thực hiện việc kiểm tra khi có nghi ngờ. Ngày 1-11, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - đầu tư đề nghị xem xét và phản hồi hướng xử lý đối với trường hợp ông Võ Văn Vi là người đại diện pháp luật của 37 DN, đồng thời làm giám đốc của 12 công ty cổ phần nhưng đến chiều 9-11, cơ quan thuế vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. PV Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi với Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM liên quan đến quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý đến nay sau một tuần vẫn chưa nhận được phản hồi. “Phù phép” lên 75 tỉ đồng để vay ngân hàng
Ngày 10-11, ông Trần Văn Miên, cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, cho biết thanh tra thuế đang thanh tra tại Công ty cổ phần tập đoàn VTI (tầng 5 cao ốc Indochina Riverside Towers, 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu). Hiện việc thanh tra cơ bản đã xong và đang chốt lại một số vấn đề liên quan để đưa ra kết luận. Theo ông Miên, đợt thanh tra để làm rõ một số vấn đề về việc chấp hành pháp luật của việc kê khai thuế, nộp thuế... của đơn vị này. Liên quan đến vụ mua bán 80ha đất lâm nghiệp có nhiều dấu hiệu khuất tất ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) của Công ty cổ phần tập đoàn truyền thông VTI, hiện Thanh tra TP Đà Nẵng chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng để tiếp tục làm rõ. Theo thông tin ban đầu, năm 2010 Công ty cổ phần tập đoàn VTI mua lại 80ha đất trên để lập dự án “Thành phố trên đồi”. Dù chưa được UBND TP Đà Nẵng cấp phép đầu tư nhưng tháng 11-2010, công ty vẫn tiến hành xây dựng nhiều hạng mục đường sá, nhà cửa. Việc mua bán, lập dự án và xây dựng có nhiều dấu hiệu bất thường nên UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc. Thực tế hợp đồng chuyển nhượng 80ha đất lâm nghiệp này của các cá nhân cho Công ty cổ phần tập đoàn VTI chỉ gần 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó để vay vốn ngân hàng, nội bộ Công ty cổ phần tập đoàn truyền thông VTI đã chuyển nhượng cho nhau và nâng mức mua bán lên đến 75 tỉ đồng. Sau khi có được hợp đồng chuyển nhượng với trị giá 75 tỉ đồng này, Công ty cổ phần tập đoàn VTI đem thế chấp một ngân hàng để vay gần 30 tỉ đồng. Chiều 10-11, PV Tuổi Trẻ đã tìm đến trụ sở của công ty này để tìm hiểu vụ việc. “Toàn công ty có bảy người nhưng đi hết chỉ còn hai người ở văn phòng, vả lại chúng tôi không có chức năng phát ngôn” - một nam nhân viên của công ty này cho biết. Tại khu tầng 5 tòa nhà này, phía Công ty cổ phần tập đoàn VTI đã thuê lại, sau đó phân ra thành 11 căn phòng nhỏ rồi cho các đơn vị khác thuê lại làm “văn phòng thông minh”. Hiện website của công ty này đã khóa, nếu muốn vào phải có mật khẩu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận