Sau ngày miền Nam giải phóng, là kỹ sư ở miền Bắc, tôi được tổ chức điều về làm trưởng phòng kỹ thuật một nhà máy cơ khí ở Đà Nẵng. Đầu năm 1979, tôi lên làm phó giám đốc nhà máy.
Nhưng quyết định chưa đến thì tôi dính vào một vụ tham gia tổ chức vượt biên nên bị bắt để điều tra. Tôi bị kết án 10 năm tù giam, đưa lên trại cải tạo.
Ở trại, tôi thức trắng nhiều đêm nghĩ suy những việc làm của mình, nghĩ về một giây phút nông nổi, nghĩ về cuộc đời không biết rồi sẽ ra sao.
Ban ngày, tôi đi trồng lúa, chặt cây làm nhà, chăn nuôi - những công việc mới làm đầu tiên trong đời, hết sức nặng nhọc khiến tôi bị kiệt sức, nhiều lần được đưa vào bệnh xá của trại.
Không nghĩ mình có thể sống nổi, ý định tự tử xuất hiện, tôi dồn thuốc ngủ do bác sĩ cấp để uống một lần, nhưng khi thực hiện thì bị quản giáo phát hiện, sau đó bị biệt giam 10 ngày.
Cứ hai tháng mẹ tôi lên trại thăm nuôi. Những lần gặp đó, hai mẹ con chẳng nói được gì, chỉ nhìn nhau mà khóc.
Năm 1982, trại xây dựng một xưởng sản xuất giấy nên giám thị giao cho tôi và một số phạm nhân thực hiện việc chế tạo các thiết bị phục vụ dây chuyền sản xuất.
Sau 6 tháng mày mò và tìm hiểu, dây chuyền sản xuất giấy đã hoàn thành, tôi được phân công phụ trách kỹ thuật nhà máy giấy, sản phẩm giấy do trại sản xuất ngày càng nâng cao chất lượng nên mức tiêu thụ rất lớn.
Với những thành tích đạt được trong cải tạo, dịp Quốc khánh 2-9-1985 tôi được tha trước hạn tù.
Trở về, mẹ và các em bảo ở nhà cho khỏe, nhưng vì không muốn làm phiền mọi người nên tôi đi tìm việc làm.
Chuyện đi tìm việc thật khó khăn, vất vả, nhiều ngày đi bốn, năm nơi, nghe nói về trình độ của tôi thì có người nhận, nhưng đưa lý lịch có ghi án tù thì đều lắc đầu.
Đi xin việc mãi không được, tôi sửa chiếc xe Honda 67 đi thồ, ngày kiếm được vài chục ngàn đủ sống.
Một buổi chiều, đang đứng ở bến xe Đà Nẵng chờ khách, tôi gặp một ông xách chiếc cặp từ trên chiếc xe ca ở Hà Nội về bước xuống, dân xe thồ xúm lại mời, nhưng ông lắc đầu vì bảo có xe ra đón.
Khi mọi người dãn ra, tôi vẫn bước lại mời:
- Nếu bác không có xe thì cháu thồ, lấy rẻ thôi.
Ông nhìn tôi rất lâu, rồi bảo:
- Thôi cậu chở tôi vậy!
Trên đường đi ổng hỏi tôi đủ thứ, nào là có nghề nghiệp gì không, trước đây làm gì. Thấy ông khách vui vẻ và thân thiện, tôi bày tỏ về quá khứ của mình. Đột nhiên ông hỏi:
- Trước đây cậu có tham gia sản xuất giấy ở trại không? Cậu tên là gì?
- Thanh, trước đây em phụ trách kỹ thuật ở nhà máy giấy.
- Thế là tìm được cậu rồi, may quá.
- May là sao hả ông?
- Thôi ngày mai cậu đến chỗ mình nói gặp giám đốc, rồi anh em mình sẽ bàn chuyện.
Ông tên là Hùng, giám đốc một nhà xuất bản. Ông đã tiếp tôi như một vị khách quý. Ông nói hiện nhà xuất bản in sách nhưng giá giấy đắt, lại phải duyệt chỉ tiêu nên có ý định xây dựng xưởng giấy.
Ông đã nhiều lần lên trại xem xưởng giấy và được giám thị giới thiệu tôi làm kỹ thuật nhưng chưa hết hạn tù.
Lần tìm tôi sau cùng, nghe giám thị báo tin tôi đã được tha nhưng ông chỉ biết tên tôi, nhà ở phường Tam Thuận. Ông đang cử người đi tìm thì lại gặp tôi.
- Ông định nhận tôi làm việc à?
- Tất nhiên! - ông trả lời - Cậu ngạc nhiên lắm phải không? Với bản lý lịch trích ngang có án tù sẽ không ai dám nhận, nhưng đối với tôi thì khác, cậu có tài, lại xuất thân trong gia đình cách mạng, mong làm lại cuộc đời thì chuyện nhận vào làm việc có gì lạ đâu.
Nghe ông nói, tôi thấy mình sống lại, bật dậy chạy đến ôm ông:
- Cảm ơn giám đốc, ông đã cứu đời tôi.
- Không cần cảm ơn đâu, cậu hãy làm việc cho tốt là được rồi.
Dưới sự quan tâm của giám đốc, trong thời gian ngắn, tôi cùng một số anh em hoàn thành xưởng giấy và đi vào sản xuất, giúp nhà xuất bản tự chủ về nguyên liệu, tiết kiệm rất lớn kinh phí sản xuất.
Năm 1990, ông Hùng gọi tôi lên và nói:
- Giờ đây xưởng giấy đã hoạt động tốt, mình đã không đặt nhầm niềm tin vào cậu, nhưng với năng lực của cậu thì ở lại đây quá lãng phí, mình sẽ giới thiệu cậu qua sở giao thông làm việc.
Với nhận xét và giới thiệu của ông, tôi được nhận vào làm tại một công ty cơ khí của tỉnh. Ở công ty mới, tôi lần lượt được đề bạt lên phó, trưởng phòng và trợ lý tổng giám đốc. Mọi người đều đánh giá cao sự đóng góp vào sự phát triển công ty của tôi.
Năm 2006 tôi về hưu, nhưng công ty tiếp tục hợp đồng lao động đến năm tôi 67 tuổi.
Giờ đây tôi đã hơn 70 tuổi, cái tuổi mà người ta hay nghĩ về quá khứ, về những sai lầm trong đời mà hình như ai cũng có, về con đường hoàn lương của tôi - điều có thể là bài học cho những ai đã phạm tội.
Nhưng nỗ lực của bản thân không đủ, luôn rất cần có sự quan tâm của xã hội và những con người như ông Hùng.
Chính ông đã tạo điều kiện cho tôi làm lại cuộc đời, nếu không, tôi không biết liệu giờ đây mình có phải chạy xe thồ ở tuổi thất thập cổ lai hi hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận