Một ngày làm giáo viên

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sáng 1-3, phòng giáo viên của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đông đúc và chộn rộn lạ thường. Lẫn trong số những thầy cô lớn tuổi là những người còn rất trẻ, ăn mặc chỉnh tề, đó là học sinh của Trường Nguyễn Du đang hồi hộp sắm vai “Một ngày làm giáo viên”.

Học sinh Vũ Anh Minh lớp 12A6 say sưa giảng bài môn lịch sử cho các bạn cùng lớp. Minh cho biết năm nay sẽ dự thi vào Trường ĐH Sư phạm - Ảnh: H.HG
Học sinh Vũ Anh Minh lớp 12A6 say sưa giảng bài môn lịch sử cho các bạn cùng lớp. Minh cho biết năm nay sẽ dự thi vào Trường ĐH Sư phạm - Ảnh: H.HG

Tại lớp 12A4, tiết văn học trôi qua một cách nhẹ nhàng với “cô giáo” Hoàng Nguyễn Gia Linh. Tuy đôi chỗ vẫn còn va vấp nhưng tác phong, lời nói của Gia Linh khiến các bạn cùng lớp “có cảm giác như cô giáo thực sự”.

Khi “cô” Linh yêu cầu cả lớp chia thành 2 nhóm để thảo luận, thấy các bạn chưa nhúc nhích, Linh nhắc ngay: “Các em nhanh chóng di chuyển chỗ ngồi để thảo luận nhóm đi, chỉ có 5 phút thôi đấy!”.

Khi “cô” hỏi: “Em nào cho cô biết ý nghĩa nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu?”. Thấy cả lớp lặng im, “cô giáo” đã động viên: “Các em cứ mạnh dạn phát biểu...”. Mặc dù tiết học có giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tham dự nhưng “cô giáo” đứng lớp rất đặc biệt nên học sinh cũng thoải mái thể hiện cảm xúc thật của mình.

Với câu hỏi: “Nếu em là nhân vật Phùng, em sẽ làm gì khi thấy người đàn ông đánh đập vợ mình một cách không thương tiếc?”, một nam sinh đã phát biểu hùng hồn: “Nếu em là Phùng, em sẽ đập cho ông chồng một trận vì ông ta đánh vợ quá dã man” khiến cả lớp cười ồ.

Trong khi đó, ở lớp 12A6, “thầy giáo” Vũ Anh Minh lên tiết môn sử một cách xuất sắc khiến các bạn cùng lớp tròn xoe mắt ngạc nhiên. Giảng bài “Quan hệ quốc tế trong và sau thời kỳ Chiến tranh lạnh”, “thầy” Minh không cần nhìn sách mà nói không sai một chữ, “thầy” soạn giáo án bằng Powerpoint và chiếu lên cho các bạn xem với nhiều hình ảnh, tư liệu thú vị.

Không những thế, cuối bài thầy còn đặt hàng loạt câu hỏi, bắt học trò phải tư duy để trả lời như: “Theo quan điểm của các em, hiện chúng ta đang sống trong thời kỳ thực sự là hòa bình chưa?”.

Sau khi cho một số bạn trả lời, thầy đúc kết: “Đúng rồi, mặc dù bây giờ đang là thời kỳ hòa bình nhưng chúng ta chưa thực sự được sống trong hòa bình”.

Rồi “thầy” nói về Tổ chức khủng bố IS, về cuộc khủng bố đẫm máu xảy ra ở Pháp hồi năm 2016, về sự xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, về sự tranh chấp quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Rồi “thầy” lại đặt câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để bảo vệ đất nước?”, sau khi để các bạn mình khẳng định“phải học, học thật giỏi”, “thầy” Minh nói: “Đúng rồi, chúng ta học để cống hiến thành quả của mình cho đất nước”.

“Thầy” còn nói về những trang web phản động, về sự tuyên truyền phản động trên mạng xã hội rồi khuyên các bạn mình: “Khi xem các bài viết trên mạng xã hội, chúng ta cần tỉnh táo nhận biết mình đang xem cái gì, họ nói có đúng không..., tức là phải có chính kiến của bản thân chứ đừng hùa theo phong trào”.

Kết thúc tiết học, không ai bảo ai, cả lớp 12A6 hú lên “xuất sắc, xuất sắc!” khiến “thầy” Minh cười tươi rói.

Hỏi Minh: “Em không cần nhìn sách mà giảng bài ro ro, hay quá vậy?”. Minh lại cười: “Nhóm của em có 6 học sinh cùng bàn bạc để lên tiết dạy môn sử hôm nay, em có nhiệm vụ soạn giáo án và trình bày, 5 bạn còn lại có nhiệm vụ cung cấp cho em những hình ảnh, tư liệu để em làm Powerpoint.

Em soạn trong 3 ngày rồi đưa cho cô Trần Thị Nụ dạy sử tư vấn rồi sửa lại. Trong quá trình đó em thuộc bài này luôn. Cô Nụ cũng dạy em rằng học sử không chỉ là học về quá khứ mà phải liên hệ với cuộc sống thực tại”.

Được biết, năm nay Vũ Anh Minh sẽ đăng ký thi vào Trường ĐH Sư phạm, khoa toán. Minh cho biết: “Một ngày làm giáo viên mới biết nghề này không đơn giản chút nào. Trong mấy ngày soạn giáo án, ngày nào em cũng thức tới 1h-2h sáng, tuy nhiên khi giảng bài thấy các bạn chăm chú em thấy rất có hứng thú. Tiết dạy hôm nay như củng cố thêm cho em ý định trở thành thầy giáo dạy toán”.

Có lẽ vì thế mà trong buổi lễ khai mạc chương trình “Một ngày làm giáo viên”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đã phát biểu: “Nếu 194 học sinh tham gia đứng lớp dạy hôm nay có chí hướng giống tôi của 43 năm về trước thì tôi sẽ rất vui mừng được tiếp đón các bạn trong trường sư phạm. Các bạn sẽ cùng chúng tôi xây dựng trường sư phạm, xây dựng đội ngũ giáo viên mới với nhiều xúc cảm...”.

Ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du):

194 học sinh sẽ làm “giáo viên”

Chương trình “Một ngày làm giáo viên” được thực hiện ở tất cả các lớp khối 10, 11, 12 nhằm tạo điều kiện cho học sinh thấu hiểu và chia sẻ những khó nhọc của thầy cô giáo. Đồng thời, qua đó nhà trường cũng mong muốn khơi nguồn đam mê nghề dạy học cho học sinh, nhất là những học sinh khá, giỏi. Vì vậy, các em sẽ tham gia trên tinh thần tự nguyện.

Mỗi lớp sẽ chia ra thành 5 nhóm, mỗi nhóm sẽ chọn một môn để lên tiết. Bài dạy phải được giáo viên bộ môn hướng dẫn và xem qua trước khi truyền đạt chính thức.

Mặc dù mỗi nhóm chỉ cử 1 học sinh đứng lớp nhưng bài dạy là sản phẩm do cả nhóm xây dựng nên kết quả bài soạn và giảng dạy sẽ được tính vào điểm kiểm tra 15 phút cho học sinh cả nhóm.

Chương trình lần này có 194 tiết dạy với 194 học sinh được trực tiếp trải nghiệm làm giáo viên.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên