Để ngăn chặn doanh nghiệp ma, cơ quan cấp phép cần kiểm soát kỹ nhân thân của đại diện pháp luật bằng mã định danh, sinh trắc học... Ngoài ra, thông tin căn cước định danh, tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người này cũng phải gắn với mã số thuế.
Các chuyên gia đã đề nghị như vậy khi đề xuất các giải pháp nhằm xử lý tận gốc chuyện các đối tượng thành lập hàng chục công ty "ma", đứng tên căn cước công dân thu nhặt được của người khác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm giám đốc doanh nghiệp... để mua bán hóa đơn.
Hiến kế triệt doanh nghiệp ma
Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Cục Thuế TP.HCM vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng Phòng thanh tra - kiểm tra số 9, cho biết qua rà soát Cục Thuế TP.HCM phát hiện cùng địa chỉ mail đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho 80 doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Hồng, hộp mail mr.thien7979@gmail.com đứng tên địa chỉ mail của 80 doanh nghiệp do Cục Thuế TP.HCM quản lý, trong đó riêng Phòng thanh tra - kiểm tra số 9 quản lý 51 doanh nghiệp trong số này. Vụ việc bị phát hiện khi Phòng thanh tra - kiểm tra số 9 rà soát các doanh nghiệp không kê khai hoặc không liên lạc được, thư cơ quan thuế gửi đi bị trả về.
Cơ quan thuế đã tổ chức xác minh và thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh đối với 33 doanh nghiệp do địa chỉ mail này đăng ký. Sau khi bị cơ quan thuế phát hiện, nhóm này nộp hồ sơ giải thể 11 doanh nghiệp, còn 7 doanh nghiệp cơ quan thuế đã khóa xuất HĐĐT và xác minh địa chỉ kinh doanh.
Đáng chú ý, thời gian qua, những người thành lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn có rất nhiều chiêu để đối phó. Vừa qua cơ quan thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhưng xuất hóa đơn có giá trị lớn song lại sử dụng "chiêu" kê khai đầu vào và đầu ra không có chênh lệch để tránh hệ thống phát hiện rủi ro.
Nhưng khi kiểm tra HĐĐT của các doanh nghiệp này, mặt hàng xuất bán ghi rất chung chung: "theo giá trị hợp đồng kinh tế số... ngày..." mà không ghi rõ mặt hàng gì nhằm qua mặt cơ quan quản lý thuế do không xác định được hàng hóa nhập xuất tồn...
"Để xử lý các trường hợp này, ngoài việc xác minh địa điểm để ra thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế, cán bộ quản lý thuế còn phải gửi công văn cảnh báo đến cơ quan thuế quản lý các doanh nghiệp nhận và xuất hóa đơn cho các doanh nghiệp "ma" này, đồng thời chuyển tin báo đến cơ quan công an đối với doanh nghiệp xuất hóa đơn số lượng và giá trị lớn", ông Hồng cho biết.
Ngoài ra cơ quan thuế cũng xây dựng công cụ để truy xuất dữ liệu các doanh nghiệp có những bất thường như: doanh thu tăng đột biến, số lượng hóa đơn tăng đột biến, số lượng hóa đơn hủy chiếm tỉ trọng lớn..., đang chạy thử. Cục Thuế TP.HCM cũng đã báo cáo tình hình hủy hóa đơn số lượng lớn với các đoàn công tác Tổng cục Thuế làm việc tại Cục Thuế TP.HCM.
Đủ chiêu "vô hiệu hóa" biện pháp quản lý rủi ro
Vừa qua cơ quan thuế áp dụng nhiều biện pháp nhằm giám sát người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có hệ số K. Theo đó, từ ngày 1-4 đến 30-11, cơ quan thuế đã phát hiện 66 doanh nghiệp có hệ số K vượt mức cảnh báo và yêu cầu đến làm việc nhưng nhiều doanh nghiệp không đến.
"Thời gian đầu, hệ số K là công cụ hữu hiệu để giám sát người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp. Tuy nhiên, người nộp thuế đối phó thông qua việc thành lập nhiều doanh nghiệp, mua bán hóa đơn lòng vòng (trị giá đầu ra và đầu vào gần bằng nhau hoặc chênh lệch rất thấp) nên hệ số K vẫn trong ngưỡng mặc định. Vì vậy, hệ thống không gửi cảnh báo đến công chức quản lý thuế để giám sát", một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết.
Đáng chú ý, một số không nhỏ các đối tượng đã thành lập hàng chục công ty "ma", đứng tên căn cước công dân thu nhặt được của người khác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm giám đốc doanh nghiệp.
Cơ quan thuế cũng tiếp nhận thông tin tố giác của một số cá nhân bị các doanh nghiệp sử dụng căn cước công dân của mình để thành lập doanh nghiệp. Khi tiếp nhận thông tin này, cơ quan thuế phải lập tức chặn xuất hóa đơn, sau đó tiến hành khóa mã số thuế, thông tin đến Công an TP.HCM để xử lý theo quy định.
Nhưng việc chuyển tin báo đến cơ quan công an có trường hợp bị trả lại và cơ quan công an đề nghị làm rõ thêm về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Chẳng hạn số lượng bao nhiêu tờ, thu lợi bất chính bao nhiêu, hành vi cố ý sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ mua bán trái phép có khai thuế hay không, trốn thuế bao nhiêu, thời gian nào, có tái phạm không...
Trong khi đó, doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh nên cơ quan thuế không thể làm việc được với doanh nghiệp để làm rõ các thông tin theo yêu cầu của cơ quan công an.
"Xảy ra tình trạng này do khâu thành lập doanh nghiệp quá thoáng, không kiểm soát người đại diện pháp luật là thật hay ảo. Do vậy cơ quan thuế cần phối hợp với Sở KH&ĐT liên thông trên hệ thống để kiểm tra đối chiếu căn cước công dân theo VNeID của Bộ Công an để xác định cá nhân này có tồn tại hay không", vị này nói.
Khó xác minh địa điểm kinh doanh
Theo Cục Thuế TP.HCM, việc xác minh địa điểm đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp thuộc Cục Thuế quản lý nằm rải rác khắp các quận huyện, tốn rất nhiều thời gian vì cần phải có xác nhận của UBND xã phường nơi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, mà các đơn vị này cũng bề bộn công việc, thiếu nhân sự...
Trong khi đó thời gian doanh nghiệp gửi thông báo đăng ký sử dụng HĐĐT và được chấp nhận là trong vòng một ngày. Khi cơ quan thuế rà soát xác minh thông tin người nộp thuế và ban hành thông báo doanh nghiệp bỏ địa chỉ, các doanh nghiệp loại này đã kịp xuất rất nhiều hóa đơn.
Phải xác thực định danh người đại diện theo pháp luật
Để hạn chế rủi ro doanh nghiệp mới thành lập sử dụng hóa đơn không hợp pháp, các chuyên gia đề xuất phải hoàn thiện quy định về đăng ký và chấp thuận sử dụng HĐĐT theo hướng trước khi cấp quyền sử dụng HĐĐT cho doanh nghiệp mới thành lập, cơ quan thuế cần có đủ thời gian để làm rõ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin người đại diện pháp luật.
Chẳng hạn, người này có đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, đại diện pháp luật cho doanh nghiệp đã thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế nhưng chưa hoàn thành thủ tục; địa chỉ thư điện tử dùng đăng ký cho nhiều doanh nghiệp... hay không. Bên cạnh đó cần ràng buộc trách nhiệm của người nộp thuế trong việc theo dõi, phản hồi thông tin từ cơ quan thuế.
Như nghiên cứu bổ sung quy định thông báo yêu cầu giải trình của cơ quan thuế bị bưu điện trả về hai lần. Hoặc liên hệ qua email không được thì cơ quan thuế thực hiện khóa mã số thuế mà không cần phải xác minh địa chỉ với UBND xã phường hoặc được quyền khóa xuất hóa đơn sau đó làm thủ tục thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh.
"Ngoài ra, cơ quan cấp phép cần kiểm soát kỹ lưỡng nhân thân của đại diện pháp luật (mã định danh, sinh trắc học...), đảm bảo không xảy ra trường hợp sử dụng bất hợp pháp căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra thông tin căn cước định danh, tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người đại diện theo pháp luật cũng phải gắn với mã số thuế", một chuyên gia đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận