02/07/2006 06:28 GMT+7

Một đám cưới năm 1950

GS NGUYỄN KHẮC PHI
GS NGUYỄN KHẮC PHI

TT - Nhà báo Thái Duy có kể lại việc “Bác Hồ đã kiên quyết xử lý vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu” và “ra lệnh phải tường thuật trên báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Việt Nam đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này”. Báo Cứu Quốc đã nghiêm chỉnh thực hiện lệnh của Bác, liên tục có bài trong sáu kỳ, “trong đó có bốn kỳ đăng trang nhất kèm xã luận”.

Thật ra, báo Cứu Quốc đã vào cuộc sớm hơn nhiều - so với thời điểm nhà báo Thái Duy nhắc tới - với bài báo ngắn gọn Ăn cắp hay buôn lậu ở mục “Thi phát biểu ý kiến” trên số báo 1.548 ra ngày 15-5-1950 của Hữu Danh, bút danh của cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Đình Tốn.

Nhân ngày giỗ đầu của cụ Nguyễn Đình Tốn (2-7-2005 - 2-7-2006), chúng tôi xin được giới thiệu lại nguyên vẹn bài báo có tính lịch sử đó và một đoạn trích trong hồi ký Một đám cưới năm 1950 cũng do cụ viết để tặng ông Lưu Quang Hà, tác giả vở kịch Đêm trắng đã được công diễn nhiều lần ở Hà Nội, một vở kịch dựng phỏng theo câu chuyện của đám cưới mà cụ đã phê phán trên báo Cứu Quốc và tường thuật, miêu tả trong hồi ký.

jxRLWSXa.jpgPhóng to

Đây là bài báo “Ăn cắp hay buôn lậu” đăng trên báo Cứu Quốc số 1.548 ra ngày 15-5-1950

Ăn cắp hay buôn lậu

Đám cưới ông ấy sang quá !

Đó là lời thiên hạ bàn tán ở miền Úc Sơn ít lâu nay. Chim gà mổ ở máng nước làm xao cả một khúc sông. Bữa tiệc lại khéo tổ chức có ý nghĩa chính trị là vào đúng ngày lễ lớn. Đủ mặt quan khách dự tiệc.

Tiệc ăn kéo dài theo lối “tàu” từ chập tối đến gần sáng. Ngoài các món ăn Tây, Tàu, tiệc còn có những thứ phụ mà quan khách lâu ngày thèm muốn: nào sâm banh, rom xanh - dam, đuy bon - nê, thuốc lá thì hộp sắt ănglê 50 điếu, kẹo bánh thì bích quy Hoa Thịnh Đốn, hoa quả thì táo tây và cam Bố Hạ trái mùa v.v...

Đặc biệt và quý phái nhất là bàn tiệc lại được soi sáng bằng ngót trăm cây nến “nhà thờ” thắp liên tiếp hơn thủ đô thời bình. Người ta đồn là tiệc cưới đời sống mới này đã tiêu tốn mươi vạn bạc và lợi dụng địa vị cao cấp của chú rể, chúng đã có phép com-măng được toàn đồ xa xỉ ở tận thủ đô ra trong lúc đang bao vây ngặt nghèo này.

Người ta tự hỏi chúng ăn cắp hay buôn lậu mà lắm tiền thế. Chúng tôi đề nghị chính quyền điều tra vụ này.

Ngày ấy thuộc năm thứ tư của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Gia đình tôi cũng như hàng nghìn các gia đình khác đã bỏ làng bồng bế con cái lên Việt Bắc nguyện chỉ trở về khi giặc rút hết.

Ngót bốn năm thiếu thốn mọi bề, từ cái ăn, cái mặc hết sức đơn giản hóa. Cơm thường độn sắn, có khi là sắn ba mùa đã hoe vàng, quần áo nhuộm nâu vừa cho bền hơn, vừa để phòng không vì người ta rất sợ màu trắng của quần áo phơi ngoài sân nhỡ tàu bay địch trông thấy.

Trẻ con học trong các túp nhà lụp xụp tối om hay học ban đêm với những ngọn đèn hoa kỳ lập lòe như đom đóm.

... Tôi có hai bạn học cũ đồng hương cũng tản cư lên Việt Bắc: anh Nguyễn Đức Mưu làm báo và anh Phạm Mạnh Tân làm thơ lại ở huyện Mỹ Hào, nay là cán bộ Tòa án Thái Nguyên sau chuyển sang trưởng ban tư pháp công an Ty Công an tỉnh.

Tôi thì không xin được vào cơ quan nên mở quán giải khát ở phố Mỏ Chè gần thị xã Thái Nguyên. Một hôm anh Mưu đi qua vào uống nước, nhận được bạn cũ mừng quá!

Anh mời tôi đến ngày 4-4-1950 dự lễ cưới một người bạn thân, anh còn dặn tôi là nên ăn mặc kha khá, càng sang càng hay. Tôi đã phải đi mượn cái quần kaki để khỏi làm xấu đám cưới của người ta.

Chiều ngày 4-4-1950 tôi đến đầu làng Lang Tạ gần phố Cò hỏi thăm vào làng thì người ta chỉ ngay là “đồng chí cứ đi đến chỗ nào thấy một cái nhà to mới cất, cạnh đấy có nhiều người đang mổ gà, mổ lợn ở bờ sông”.

Một cái nhà bảy gian kiểu hội trường mới toanh tách rời xóm làng là phòng cưới dã chiến. Giữa nhà kê một bàn dài rộng trải khăn bàn bằng vải trúc bâu trắng, phía đầu bên phải là dãy bàn ngang tạo thành chữ T. Bàn này dành cho dàn nhạc kèn đồng giúp vui cho bữa tiệc. Phía bên trái nối liền với một nhà năm gian để cho khách ngủ lại đêm và là nơi sửa soạn cỗ bàn.

Bắt đầu vào tiệc, tôi hoa cả mắt vì các bát đĩa sứ, cốc pha lê mới khuân ở Hà Nội ra qua cửa khẩu Chợ Me.

Nhìn quanh phòng không thấy có đèn măngsông mà toàn là nến to ta quen gọi là nến nhà thờ gắn tứ phía sát vách, tôi đã đếm được ngót trăm cây. Một ông trong ban tổ chức trả lời thắc mắc của tôi: “Tại các tiệc lớn trên thế giới người ta đều thắp nến thay đèn điện vì nến tạo ra ánh sáng lung linh, ngoạn mục”. Thì ra đây là một đại tiệc văn minh quí tộc lần đầu tiên xuất hiện ở VN.

Đúng bảy giờ tối, ban tổ chức khai mạc lễ cưới, chủ yếu là giới thiệu ông chủ hôn, cô dâu, chú rể và một số quan khách cao cấp.

Cô dâu ăn mặc lộng lẫy, áo gấm Thượng Hải màu nhạt, tay đeo hai ba nhẫn kim cương, dây chuyền ngọc thạch trước ngực, chân đi hài công chúa. Chú rể mặc bộ comlê títso xoa, tay đeo đồng hồ Lông-din. Bề ngoài cặp này rất đẹp đôi!

Vào tiệc là những tiếng bốp bốp của rượu sâm banh và cốt-nhát (cô nhắc) khiến cho nhiều quan khách giật mình. Về phần tôi thì xin thú thật là lần đầu tiên được uống. Cũng có vài thứ rượu nhẹ hơn như canh-ki-na, vang. Các món ăn nhậu thì có chim, gà, vây bóng, tôm, cua bể và ít món nữa tôi không nhớ hết.

Để có được bữa tiệc rượu sơn hào hải vị này, ban tổ chức đã phải thuê một tốp đầu bếp giỏi ở Hà Nội ra phục vụ với giá công rất cao. Có người hỏi tiệc nhiều món thế thì ăn sao hết? Xin giải thích luôn là họ đã khéo bố trí ăn theo kiểu vừa Âu vừa Á và kéo dài đến nửa đêm.

Cứ độ một giờ họ lại thay đổi món, xen kẽ hoa quả quí như lê, táo Trung Quốc và bánh ngọt Bôđêga. Trong bữa tiệc, có tiếng thì thầm của khách là bốn năm nay mình mới lại được thưởng thức các đồ này.

Thuốc lá thì toàn là ba con 5. Quan khách vừa ăn uống vừa nghe nhạc sống của tốp nhạc gánh xiếc Long Tiên ở khu Ba vừa lên do ông L.X.T. làm nhóm trưởng. Ông T. đã được trả một số tiền khá lớn về công phục vụ đêm liên hoan này.

Ban tổ chức lại rất tâm lý, đã cho bê cà phê sữa lên lúc nửa đêm do đó khách lại tỉnh như sáo và trò chuyện hát hò, ngâm thơ, nghe nhạc đến gần 2 giờ sáng mới giải tán. Trong tiệc do quá chén thách đố và khích bác nhau có xảy ra xô xát giữa nhà văn Đ.P.T. với một đại biểu bạn thân của ông chủ hôn.

Sáng hôm sau tôi được ban tổ chức nhờ tiêm pênixilin cho vài người, có cả nữ giới. Trong khi chờ cơm sáng, tôi cứ thấy họ xì xào mời mảnh người này người khác sang nhà hàng xóm làm gì không biết.

PJ5jgXp7.jpgPhóng to
Cụ Nguyễn Đình Tốn quê ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, tham gia cách mạng từ năm 1941. Gia đình cụ từng là cơ sở của các đồng chí Nguyễn Khai, Lê Liêm, Trần Sâm, Hoàng Quốc Việt...

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ được cử làm chánh văn phòng Ủy ban lâm thời tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1955 đến lúc nghỉ hưu cụ công tác tại Bộ Văn hóa. Đã viết hàng chục bài báo được dư luận chú ý trên các báo Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải Phóng...

Tự nghĩ tại sao mình cũng là khách mà không được mời, họ phân biệt đối xử bất lịch sự ! Để dò la, tôi giả vờ đi tiểu để nhìn qua khe cửa thì té ra bọn này kéo nhau luân phiên sang hút thuốc phiện. Biết tôi không hút nên họ đã không mời, còn mấy người vừa được tôi tiêm hộ thì sau đó anh Mưu cho biết đó là mấy chàng và nàng trong băng buôn lậu dan díu với nhau mắc bệnh kín.

Từ giã đám cưới ra về, tôi cảm thấy nhức nhối vì thấy đấy là một ổ sa đọa, trụy lạc, tham ô, hủ hóa móc ngoặc được ô dù cao cấp che chở.

... Do chướng tai gai mắt, mấy hôm sau tôi viết bài gửi báo Cứu Quốc để phê phán. Tôi viết dưới dạng châm biếm nhẹ nhàng nhưng báo đã sửa chữa, thêm bớt thành một nhát búa lớn bổ vào đầu kẻ làm bậy. Tít bài báo cũng đổi thành Ăn cắp hay buôn lậu. Dư luận ở Việt Bắc ầm lên, bàn tán suy luận về các nhân vật trong đám cưới.

Độ một tuần sau bỗng nhiên anh Phạm Mạnh Tân đến chơi thăm tôi và gợi ý hỏi tôi về việc đi dự đám cưới này. Anh Tân đã đến tòa báo để khai thác tên thật và địa chỉ của tôi.

Kể rõ về đám cưới cho anh Tân nghe vì anh cũng là bạn đồng hương nên tôi cho đây chỉ là chuyện bình thường, không ngờ một tuần sau, một công văn do ông trưởng Ty Công an tỉnh ký mời tôi lên ty để khai nhân chứng về đám cưới hôm nọ. Vì không phải là bị cáo nên tôi đã được đón tiếp lịch sự, ngủ lại một đêm sau khi đã viết hai trang tường thuật mọi sự mắt thấy tai nghe trong đám cưới lịch sử này...

...Cuối năm ấy, tôi nhận được giấy mời sang Thái Nguyên dự phiên tòa xử bộ ba:

1. Trần Dụ Châu, cục trưởng Cục Quân nhu; 2. Lê Sỹ Cửu, trợ lý của Trần Dụ Châu; 3. Bùi Minh Chân, bí thư của Trần Dụ Châu - can tội tham ô làm thất thoát những số tiền lớn của công quĩ.

Tôi không sang dự được vì đường sá quá xa, giao thông không thuận tiện.

Đến đây tôi xin nói rõ về ba nhân vật chính trong đám cưới ngày 4-4-1950 tại làng Lang Tạ:

- Chú rể là Bùi Minh Chân.

- Chủ hôn là Trần Dụ Châu.

- Trưởng ban lễ cưới là Lê Sỹ Cửu.

Sau khi luận tội là hết sức nghiêm trọng, tòa đã tuyên án tử hình Trần Dụ Châu về tội tham nhũng. Lê Sỹ Cửu và Bùi Minh Chân mỗi người 10 năm tù giam.

Ngày ấy có người bình luận là bản án quá nặng! Nếu không trùng vào đợt điển hình thi hành chủ trương chống tham ô lãng phí thì có lẽ Trần Dụ Châu không chết! Nhưng đa số cán bộ, kể cả nhân dân, thì lại rất hoan nghênh.

Sau vụ án này một thời gian khá dài không xảy ra một vụ tham ô lớn nào trong các cơ quan nhà nước. Mãi đến giai đoạn gần đây, có thể nói là từ sau năm 1975 mới lại xuất hiện các vụ tham ô thuộc mọi cỡ tập trung vào giới cán bộ quyền cao chức trọng.

GS NGUYỄN KHẮC PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên