Bộ tác phẩm Mẫu Vòng Lặp, Mẫu Bất Tận, Mẫu Giống Nòi của nghệ sĩ Lê Hiền Minh - Ảnh: M.THỤY
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ quên yếu tố thời gian trong một tác phẩm điêu khắc. Nhìn ngắm những tảng đá đọng nước mưa ở khu vườn tượng Hội An, thưởng lãm mảng sét gỉ trên những tác phẩm được trưng bày ở công viên Bách Thảo (Hà Nội), người xem có thể mường tượng được vệt thời gian đang trở thành một phần tác phẩm.
Triển lãm "Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên" đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TP.HCM) đã kết hợp các yếu tố không gian - thời gian - chất liệu trong thực hành điêu khắc của ba nghệ sĩ. Triển lãm kéo dài đến ngày 6-6.
Richard Streitmatter - Trần chú ý đến những chất liệu mang tính phù du, nghĩa là chúng mong manh và không bất biến. Anh làm một mái nhà bằng bánh tráng đặt tên là Cổng trời, ba tượng đài bằng đất sét mang tên là Thăng thiên và một ngôi đền Chăm bằng xốp cách nhiệt. Đều hướng tới những hình tượng mang ẩn ý trường đoạn lịch sử, văn hóa nhưng các tác phẩm vốn chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.
Sự lai tạp này được tác giả ví von rất thú vị: Giả như trong tương lai có một nhà khảo cổ đào sâu vào lớp đất, họ sẽ thấy di tích đền đài của muôn ngàn năm trước xen lẫn rác thải của con người hôm nay. Ngày nào đó, vi nhựa cũng trở thành tầng hiện vật khảo cổ oái oăm như vậy.
Lê Hiền Minh có đến 20 năm làm việc với giấy dó. Bộ tượng điêu khắc giấy dó trưng bày tại triển lãm dường như là sự kết hợp, nâng cấp từ hai tác phẩm đã được cô trưng bày năm 2019, 2020 ở Nhật và Đức. Ba bức tượng nửa cổ nửa hiện đại Mẫu Vòng Lặp, Mẫu Bất Tận, Mẫu Giống Nòi được đặt lần lượt trên máy giặt, bàn rửa chén và giường biểu thị sự phản kháng sâu sắc của tác giả với cái gọi là lao động nội trợ - vốn gắn với hình ảnh phụ nữ. Lời tuyên chiến này được đưa ra cùng năm câu hỏi: Phụ nữ là ai?/ Phụ nữ là gì?/ Phụ nữ ở đâu?/ Tại sao là phụ nữ?/ Khi nào là phụ nữ? Người xem được trao mảnh giấy để viết câu trả lời.
Tác phẩm Em bé của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đặt trên điêu khắc dấu mũ của nghệ sĩ Thảo Nguyên Phan - Ảnh: M.THỤY
Năm 2016, cũng với những câu hỏi này, tác giả nhận được một phản hồi từ người xem: "Nhiệm vụ lớn nhất của phụ nữ là sinh một đứa con trai". Dòng chữ khiêu khích trên đã vấp phải phản ứng từ những người xem khác. Không bàn về tính đúng sai của luận điểm, các câu hỏi trên đã trở thành không gian đối thoại, tạo nên tính "sống" cho tác phẩm nghệ thuật.
Thảo Nguyên Phan, tác giả còn lại trong triển lãm, đã tạo nên một sự kết hợp mê hoặc với tác phẩm của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị (1920 - 2002). Với nền móng "7 mô-đun" tối giản, nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã tạo ra hàng loạt tác phẩm đa dạng. Được truyền cảm hứng từ ý tưởng này, Thảo Nguyên Phan tái diễn giải văn học dân gian Việt Nam qua hệ thống thanh điệu, dấu phụ (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, dấu mũ, dấu móc). Sự biến thiên của chữ cái, thanh sắc đặt nền tảng cho vô số các văn bản qua thời gian.
Bảy tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị được đặt trên bảy điêu khắc của Thảo Nguyên Phan tạo thành thể kết nối, sự tri âm giữa hai thế hệ.
"Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên" mời gọi công chúng tham gia vào câu đố thời gian được ba nghệ sĩ lắp ghép với những tác phẩm lai tạo. Đồng thời, triển lãm thách thức người xem khám phá các chiều âm - dương, trong - giữa - dưới - trên của điêu khắc hòng đặt chân vào thế giới suy tư của nghệ sĩ, tạo nên sự chuyển động liên tục từ tác phẩm đến đời sống đương đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận