01/01/2021 18:59 GMT+7

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Chiều 1-1, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định công nhận bảo vật quốc gia 2 cổ vật, là tượng Ganesha và tượng Gajasimha đang được lưu giữ tại bảo tàng này.

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia mới được công nhận - tượng Ganesha - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 9 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31-12-2020. Đây đều là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại.

Điều thú vị là cả 2 bảo vật quốc gia này đều từng "xuất ngoại", được các bảo tàng danh tiếng trên thế giới mượn về để trưng bày trong các cuộc triển lãm quy mô lớn.

Bảo vật quốc gia tượng Ganesha có chất liệu sa thạch với kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm, được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) khi khảo cổ tại đền - tháp E5 thuộc nhóm E (theo cách phân nhóm của các nhà khảo cổ học người Pháp) tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại bảo tàng từ năm 1918.

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh 2.

Bảo vật quốc gia tượng Ganesha có chất liệu sa thạch với kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm, được phát hiện vào năm 1903 - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp

Chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa, còn được lưu giữ đến ngày nay. 

Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII - VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này. 

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh 3.

Bảo vật tượng Gajasimha được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bảo vật tượng Gajasimha có chất liệu sa thạch, cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm. Bảo vật này được tìm thấy trong cuộc khai quật tại tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933 - 1934 do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về bảo tàng từ năm 1935.

Gajasimha là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Tại các đền - tháp, tượng Gajasimha sẽ được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình. 

So sánh với các nhóm tượng cùng chủ đề đã được phát hiện, tác phẩm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn, thể hiện hầu như đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha. 

Tượng mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật của một trong những giai đoạn muộn nhất - đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật có uy tín xếp vào một phong cách riêng là phong cách Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII - XIII, trong tiến trình phát triển của nền nghệ thuật điêu khắc Champa.

Như vậy tính đến nay, bảo tàng lâu đời nhất nước ta đang lưu giữ 6 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara, đài thờ Đồng Dương, tượng Ganesha, tượng Gajsimha.

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh 4.

Bảo vật tượng Gajasimha lúc được khai quật - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp

Hai cổ vật điêu khắc Chăm được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh 5.

Bảo vật tượng Gajasimha lúc được kéo về đặt tại Cổ Viện Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp

Trăm năm cổ viện Chàm - những chuyện chưa biết - Kỳ 4: Cổ vật đi Trăm năm Cổ Viện Chàm - những chuyện chưa biết - Kỳ 4: Cổ vật đi 'ngoại giao'

TTO - Những cổ vật mang hình tượng nghệ thuật có niên đại hơn 1.000 năm trước tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhiều lần xuất ngoại để quảng bá về một nước Việt với nhiều di sản văn hóa quý giá...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên