Thông tin được nêu từ buổi giám sát giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM với UBND quận 10 về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí khác trên địa bàn, sáng 17-11.
Giấy phép kinh doanh: cấp thì dễ, thu hồi trăm bề khó
Tại buổi làm việc, đại diện UBND quận 10 nêu những điểm khó trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí trên địa bàn. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh là quán ăn nhưng hoạt động như quán bar, vũ trường…
Hay có một cơ sở massage khi bị xử phạt xong lại đổi giấy phép kinh doanh trong khi còn nợ 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của TP và 1 quyết định xử lý vi phạm hành chính của quận.
“Trước đây nếu không có giấy phép đăng ký kinh doanh, lần 1 phát hiện sẽ xử lý vi phạm hành chính, lần 2 phát hiện sẽ xử lý hình sự theo điều 159 Bộ luật Hình sự nhưng hiện bộ luật mới đã bỏ, cho nên các cơ sở kinh doanh đăng ký rất nhiều giấy phép cùng một địa chỉ.
Dù vậy, việc thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở này rất khó bởi kể cả những vi phạm bị khởi tố cũng không rơi vào trường hợp thu hồi giấy phép. Đây là một thực tiễn trên địa bàn TP”, vị này nói.
UBND quận 10 kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét không cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở karaoke, massage… thường xuyên vi phạm pháp luật.
Hoặc nghiên cứu nghị quyết 98 để hình thành một cơ chế khi cấp giấy phép kinh doanh mới cần xin ý kiến địa phương.
Đề xuất cơ chế tạo nguồn dự phòng cho công tác xử lý tiếng ồn
Một khó khăn khác được địa phương đưa ra là công tác xử lý tiếng ồn.
Hiện nay việc phản ảnh tiếng ồn qua tổng đài 1022 sẽ chuyển về các đơn vị để kiểm tra xử lý.
Nhưng khi địa phương mời đơn vị đo tiếng ồn đến để xử lý vi phạm thì nhiều trường hợp lại không đóng tiền phạt mà quận lại không có nguồn để chi trả phí thuê cho đơn vị đo với số tiền khoảng 2 triệu đồng/lần. Vì vậy, quận đề xuất cần có dự trù kinh phí với khoản này.
“Nhiều đơn vị đề xuất mua máy đo nhưng lực lượng của đơn vị lại không có chuyên môn để đo tiếng ồn. Và theo quy định pháp luật, đơn vị được phép đo tiếng ồn phải có tư cách pháp nhân.
Phải có hướng dẫn cho các cơ sở được dự toán thực hiện việc mời doanh nghiệp kiểm tra độ ồn. Nếu không có dự toán mà đưa lên phê duyệt thì không đúng”, vị này chia sẻ.
Theo ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, trưởng đoàn giám sát về vấn đề tiếng ồn, đoàn sẽ trao đổi với Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu pháp luật không cho phép thì phải tính toán các cơ chế chính sách đặc thù, ví như nghiên cứu sử dụng ngân sách từ nguồn thu được qua việc xử phạt vi phạm tiếng ồn.
“Nếu không cho phép các quận, huyện linh hoạt thì rất khó trong khi nguồn dự phòng 2 - 4% theo nghị quyết 98 phải làm hàng khối công việc khác. Do đó những gì dự toán ngay từ đầu năm được thì cần đưa vào để thực hiện các nhiệm vụ khác”, ông Bình nói.
Ở quận 10 có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí khác.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội của quận đã kiểm tra 518 cơ sở và xử phạt hành chính 146 cơ sở với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Về vi phạm an ninh trật tự, Công an quận 10 đã kiểm tra 132 cơ sở, lập 49 biên bản vi phạm và đề xuất xử phạt hành chính 48 cơ sở với số tiền 325 triệu đồng.
Về trường hợp vi phạm về ma túy, mại dâm, năm 2023 công an quận đã kiểm tra 7 lượt ở 4 khách sạn, 1 beer club, 1 cà phê DJ, 1 cà phê. Khởi tố 3 vụ, 7 hành vi “mua bán, tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy”, khám phá 4 vụ với 9 đối tượng về tội mại dâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận