28/05/2017 08:56 GMT+7

Một cháu bé có đến 2 giấy khai sinh

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Hai người sống chung với nhau như vợ chồng và sinh con. Khi không còn sống chung với nhau, hai người đã đi đăng ký giấy khai sinh cho con với hai cái tên khác nhau.

Hai giấy khai sinh của cháu bé do cha và bà ngoại đăng ký với hai tên khác nhau - Ảnh: Uyên Trinh
Hai giấy khai sinh của cháu bé do cha và bà ngoại đăng ký với hai tên khác nhau - Ảnh: Uyên Trinh

Năm 2010, chị T. (con gái bà M.) sống chung với anh Đ. và sinh được một bé gái. Năm 2015, vì những mâu thuẫn nên đường ai nấy đi. Năm 2016, chị đi nước ngoài, anh có gia đình mới. Từ đó bé được bà ngoại nuôi dưỡng.

Hai giấy khai sinh

Ngày 13-2-2017, bà M. (bà ngoại cháu bé) đi làm giấy xác nhận việc sinh bé ở Bệnh viện Từ Dũ và làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé với tên P.T.T. và để trống tên cha. Giấy khai sinh được làm ngày 17-2-2017 tại UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Ngày 21-2-2017, bà M. bị Công an tỉnh Bến Tre mời đến làm việc vì liên quan đến trình báo của anh Đ. cho rằng có ai đó đã đem giấu con anh. Qua xác minh, cơ quan công an xác định cháu bé đang được bà M. nuôi dưỡng.

Tại buổi làm việc, bà M. có trình ra giấy khai sinh của cháu và các giấy tờ khác chứng minh bà là bà ngoại ruột. Cùng lúc đó, bà M. mới biết trước đó anh Đ. đã làm giấy khai sinh cho con ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM vào ngày 5-1-2017 với tên H.G.M. và để trống tên mẹ.

Từ căn cứ này, ông Đ. được giải quyết đưa cháu bé về TP.HCM sống. Ngay sau đó, giấy khai sinh do bà M. đăng ký bị thu hồi. Bà M. được cấp lại hộ khẩu mới không có tên bé P.T.T..

Đều có giá trị?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Hiếu - phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa - cho biết khi ông Đ. đăng ký làm thủ tục giấy khai sinh cho bé thì có nộp tờ trình cam đoan về việc quen biết và sinh con với chị T., giấy chứng sinh trích lục, kết quả giám định ADN.

Đồng thời, anh Đ. cũng nộp cam kết tạm thời chưa liên lạc được với người mẹ nên không ghi tên mẹ trong giấy khai sinh, khi nào liên hệ được sẽ bổ sung sau. Vì đứa bé lại sắp vào thời điểm nhập học nên cần gấp giấy khai sinh.

“Phường đã áp dụng khoản 3, khoản 4 điều 15 nghị định 123/2015/NĐ-CP trong trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ và vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận cha cho con nên cùng trong ngày làm giấy khai sinh cho bé (phần khai về mẹ trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh để trống) phường cũng làm luôn thủ tục nhận cha cho con” - ông Hiếu cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Trần Minh Đức - chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa - cũng cho rằng về thủ tục cấp giấy khai sinh thì UBND xã làm đúng quy trình.

“Một người không thể có đến hai giấy khai sinh, hai tên khác nhau nên hiện tại chưa biết bên nào đúng bên nào sai” - ông Đức nói.

Theo một cán bộ UBND xã Vĩnh Hòa, hiện tại UBND xã chưa có quyết định nào thu hồi giấy khai sinh nhưng vì đang có tranh chấp đứa bé nên khi nào có quyết định của cơ quan cấp trên bên nào làm sai thì bên đó sẽ hủy giấy khai sinh đó.

Vì UBND xã không có quyết định hủy nên giấy khai sinh do bà ngoại làm vẫn còn có giá trị”.

Thủ tục cha nhận con

Theo luật sư Đặng Đức Trí - Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp không đăng ký kết hôn mà người được cho là cha của đứa trẻ muốn được pháp luật công nhận là cha và được ghi tên ở mục “người cha” trên giấy khai sinh của con thì người đó phải làm thủ tục nhận con.

Theo điều 34 của nghị định 158/2005 quy định “trong trường hợp cha nhận con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ, trừ khi người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự”.

Trường hợp thứ nhất, khi cả hai tự nguyện, không có tranh chấp gì thì theo quy định tại điều 19 nghị định 123/2015, cả hai có mặt tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cha hoặc mẹ cư trú và lập bản cam kết trước công chứng tư pháp, thừa nhận trước UBND xã đây là cha đứa bé kèm giấy tờ tùy thân.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha cho con là đúng sự thật và không có tranh chấp, UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha cho con.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 12 ngày. Theo đó, giấy khai sinh sẽ ghi đầy đủ họ tên cha mẹ trong khai sinh của con.

Trường hợp thứ hai, nếu cả hai tranh chấp về việc nhận cha cho con thì người cha phải làm đơn yêu cầu xác nhận cha cho con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự quy định thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp trên.

Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết.

Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Thủ tục gồm đơn xin xác nhận cha cho con và chứng cứ kèm theo là thư từ trao đổi giữa cha mẹ có tình cảm yêu đương, thời điểm quan hệ giữa hai người, thông báo việc có thai, trao đổi về trách nhiệm nuôi con... hoặc kết quả giám định ADN. Từ đó, tòa xem xét và ra quyết định.

“Trong trường hợp khi chưa có sự đồng ý của mẹ, không có bản án của tòa công nhận đó là cha đứa bé mà vẫn làm giấy khai sinh khi chỉ có bản giám định ADN thì chưa đúng quy trình thủ tục. Vì vậy pháp luật chưa thừa nhận đó là cha đứa bé.

Mẹ có đưa bé về ngoại, sau đó đi nước ngoài trong thời gian nhất định thì địa chỉ liên lạc được xác định là địa chỉ nhà ngoại. Người cha vẫn qua lại với nhà ngoại thì không thể nói là không liên lạc được với mẹ” - luật sư Trí giải thích thêm.

Ai được quyền nuôi con?

Theo luật sư Trí, vì chưa có thủ tục nhận cha cho con theo đúng quy trình nên hiện tại, người mẹ có quyền nuôi con. Trong trường hợp người cha đã làm thủ tục nhận cha cho con theo đúng quy định của pháp luật thì quyền ưu tiên nuôi con trước nhất là cha và mẹ quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

“Nếu người mẹ đi xa, quyền cao nhất và ưu tiên nhất vẫn là người cha. Muốn tranh giành quyền nuôi con thì người mẹ về phát đơn, tòa sẽ xem xét và phán quyết. Khi nào người cha không có khả năng nuôi hoặc không đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không đủ tư cách có thể làm tổn thương, đứa bé không phát triển bình thường thì mới tính tiếp đến ông bà” - luật sư Trí nói.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên