19/02/2022 06:30 GMT+7

Một Bến Bạch Đằng xứng tầm siêu đô thị cần đột phá

TSKH.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN
TSKH.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

TTO - Trên 300 năm trước, TP.HCM vốn đã là một đô thị sông nước với nhiều không gian xanh và kênh rạch. Bước sang thế kỷ 21, những giá trị quý báu này đang dần mai một, cần được khôi phục.

Một Bến Bạch Đằng xứng tầm siêu đô thị cần đột phá - Ảnh 1.

Đồ họa: T.ĐẠT

Để thực hiện được giấc mơ này, chúng ta rất cần một tư duy đột phá không chỉ về quy hoạch mà cả về tầm nhìn quản lý siêu đô thị.

Từ khi thành lập trên 300 năm trước, TP.HCM vốn đã là một đô thị sông nước với nhiều không gian xanh và kênh rạch. Bước sang thế kỷ 21, những giá trị quý báu này đang dần mai một, cần được khôi phục, trong đó không gian Bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn cần được quy hoạch xứng tầm hơn với tầm vóc của một siêu đô thị trên 10 triệu dân.

Với kinh nghiệm đã từng giúp Thượng Hải quy hoạch kết nối lại hai bờ Đông Tây để giúp cho Phố Đông trở thành một trung tâm kinh tế tài chính hiện đại hàng đầu thế giới, trong khi vẫn giữ gìn được giá trị bản sắc lịch sử của Phố Tây, trong đó không gian ven sông hai bờ Đông Tây đóng vai trò trục cảnh quan trung tâm; tôi không khỏi mơ đến một viễn cảnh hoàn toàn khác cho quy hoạch ven sông khu trung tâm TP.HCM, trong đó Bến Bạch Đằng đóng vai trò trung tâm.

Để thực hiện được giấc mơ này, chúng ta rất cần một tư duy đột phá không chỉ về quy hoạch mà cả về tầm nhìn quản lý siêu đô thị.

Thứ nhất, cần làm lại một bản quy hoạch thống nhất hai bờ Đông Tây cho khu trung tâm TP.HCM để hướng đến một chiến lược bảo tồn và phát triển thống nhất trong mối liên kết chặt chẽ giữa hai bờ Đông Tây. 

Quy hoạch Sasaki cho bờ Đông Thủ Thiêm và quy hoạch Nikken Sekkei khu trung tâm hiện hữu 930ha cho bờ Tây, tuy là những quy hoạch tốt nhưng tiếc thay đều kết nối kém về cảnh quan và kinh tế đô thị. 

Không những không gian quảng trường Thủ Thiêm thiếu liên thông về cảnh quan với quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ, mà toàn bộ không gian khu trung tâm thiếu mất liên kết quan trọng nhất, là kết nối giao thông trực tiếp giữa khu trung tâm Phố Đông và Phố Tây.

Thứ hai, cần tạo lập được một không gian xanh cho người đi bộ nối liền trực tiếp khu trung tâm hiện hữu của Phố Tây và Phố Đông, nối liền không gian xanh lịch sử và văn hóa công cộng của thế kỷ 18-19-20-21. Trong đó điểm nhấn chính không phải là quảng trường Thủ Thiêm, mà phải là đoạn Bến Bạch Đằng giao lộ giữa Nguyễn Huệ và Hàm Nghi.

Do đó, điểm đầu của cầu đi bộ trên cao băng qua sông rất cần phải bắt đầu từ điểm cuối ven sông của phố đi bộ Nguyễn Huệ, để nối sang Bến Bạch Đằng băng qua sông Sài Gòn sang công viên Thủ Thiêm bên kia sông, phối hợp với tuyến đường đi bộ cảnh quan ven sông nối đến quảng trường Thủ Thiêm.

Thứ ba, dọc theo Bến Bạch Đằng và toàn bộ khu vực ven sông Sài Gòn, cần nâng tầm giá trị các công trình và khu vực lịch sử 300 năm phát triển của thành phố. Trong đó, cần tạo cơ hội cho việc xây dựng thêm các công trình điểm nhấn của thế kỷ 21. 

Điểm cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ giao với Bến Bạch Đằng rất cần một công trình điểm nhấn cuối trục, có thể là một tháp biểu tượng để ngắm cảnh vì đây là vị trí ngắm cảnh đẹp nhất nhìn thấy được toàn bộ khu ven sông khu trung tâm, nhìn về quá khứ thấy trụ sở UBND TP.HCM, hướng về tương lai với tháp cao nhất châu Á sẽ xây dựng tại Thủ Thiêm, nhìn về Tân Thuận hướng ra biển, cũng như nhìn về không gian xanh của khu đô thị tương lai tại Thanh Đa, An Phú.

Thứ tư, quy hoạch khu vực công trình bên kia đường Tôn Đức Thắng ven sông, rất cần được thiết kế chỉnh trang đô thị, với các khối đế (podium) có sân thượng, kết hợp với các khối tháp cao 30 tầng hoặc hơn với tầm nhìn mở thoáng ra sông. Toàn bộ vỉa hè được tổ chức lại với cây cao bóng mát, mái che cho người đi bộ, kết hợp với các công trình dịch vụ thương mại nhìn ra sông.

Thứ năm, quy hoạch ven sông cho toàn khu trung tâm, chạy suốt từ An Phú và Thanh Đa nối đến Thủ Thiêm và Cảng Sài Gòn, cần đảm bảo kết nối liên tục cho người đi bộ và xe đạp, kết hợp với các điểm dừng cảnh quan, công trình văn hóa công cộng, dịch vụ thương mại và công trình điểm nhấn ven sông, cũng như với các đầu mối giao thông xe buýt, bãi xe và taxi đường sông. 

Những đoạn đường sát sông vướng công trình hiện hữu khó giải tỏa thì có thể chuyển vào tuyến phía trong, tạo nên cảm nhận đa dạng cho người đi bộ ven sông.

Xây dựng không gian ngầm trên toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thật tốt nếu tổ chức thêm một tuyến monorail dài khoảng 3km với Ga 1 - gần ga metro cạnh Thương xá Tax; Ga 2 - Bến Bạch Đằng; Ga 3 - Trung tâm giao thông công cộng cạnh công viên Thủ Thiêm; Ga 4 - Khu trung tâm tài chính và khu trung tâm quảng trường Thủ Thiêm; Ga 5 - Khu trung tâm văn hóa cạnh tuyến kênh nối ra sông Sài Gòn; Ga 6 - giao lộ Nguyễn Cơ Thạch và Trần Bạch Đằng.

Với kết nối bậc thang lớn từ phố đi bộ lên cầu đi bộ trên cao sang Bến Bạch Đằng kết hợp monorail băng qua sông, chúng ta không còn cần phải ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, mà thay vào đó nên xây dựng không gian ngầm trên toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ và xem xét thêm khả năng xây tunnel ngầm cho xe điện công cộng kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với bên kia sông (Thượng Hải có 3 tunnel ngầm kết nối trực tiếp khu trung tâm hai bờ Đông Tây).

Nếu không làm tunnel ngầm từ Nguyễn Huệ thì nên xem xét thêm khả năng kéo dài đường Hàm Nghi sang bên kia bờ sông, với kết cấu cầu mở (cho tàu đi qua), để tạo nên một tuyến xe buýt vòng từ Trung tâm giao thông công cộng Bến Thành nối sang Trung tâm giao thông công cộng Thủ Thiêm, bọc vòng khu trung tâm bờ Đông và bờ Tây, đảm bảo cho toàn bộ khu trung tâm hai bên bờ sông có thể đi lại bằng xe buýt.

Tạo biểu tượng Sài Gòn trên bến Bạch Đằng Tạo biểu tượng Sài Gòn trên bến Bạch Đằng

TTO - Tiếp tục vệt bài 'chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng', Tuổi Trẻ giới thiệu thêm những ý tưởng khả thi từ các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học…

TSKH.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên