17/02/2022 10:08 GMT+7

Bến Bạch Đằng - Hồn đô thị Sài Gòn

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

TTO - Tôi thực sự tâm đắc khi đọc bài "Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử" của tác giả Phúc Tiến trên báo Tuổi Trẻ ngày 16-2. Một bài viết cần thiết để giữ lại cái hồn của thành phố Sài Gòn hơn 300 năm tuổi.

Bến Bạch Đằng - Hồn đô thị Sài Gòn - Ảnh 1.

Toàn cảnh công viên Bến Bạch Đằng kết nối với khu tượng đài Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bến Bạch Đằng là địa danh và vùng đất quan trọng đầu tiên khi hình thành Sài Gòn - kẻ chợ hay TP.HCM hiện nay.

Nhìn lại Sài Gòn kẻ chợ

Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần chọn Bến Nghé lập đồn dinh vì giao thông thủy thuận lợi. Từ đó, các trụ sở hành chính của Gia Định như dinh Điều Khiển (1732), thành Bát Quái (tức thành Quy 1790), thành Phụng (1835), Phủ toàn quyền Đông Dương (1869)... được xây dựng ở vùng Bến Nghé (tức Sài Gòn).

Địa hình từ rạch Bến Nghé xuống phía nam chỉ cao từ 0,5m - 3m so với mực nước biển, thường bị triều cường bao phủ gần hết, chính vì vậy Sài Gòn thật sự được xây dựng trên vùng kênh rạch chằng chịt.

Chiếc tàu chở quân chúa Nguyễn cập bến đầu tiên tại Nông nại đại phố (cù lao Phố - Biên Hòa hiện nay) xác lập chủ quyền mở rộng bờ cõi - cũng chính là cột mốc hình thành nên Sài Gòn hơn 300 năm xây dựng và phát triển.

Sông Sài Gòn chảy vào giữa lòng thành phố Sài Gòn, kết hợp với hàng loạt kênh rạch nội thủy tạo ra hệ thống giao thông thủy liên hoàn, hình thành nên "Sài Gòn kẻ chợ", trên bến dưới thuyền.

Những kênh rạch giữa lòng thành phố Sài Gòn là nhánh của sông Sài Gòn còn lại đến nay là kênh đôi Tàu Hủ, kênh Thầy Cai, Làng The, Bàn Nông, kênh Tẻ, Lò Gốm, Bến Nghé, Nhiêu Lộc Thị Nghè, Rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Thanh Đa... Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch của thành phố Sài Gòn phong phú, giao thông thủy thuận tiện đã giúp khí hậu thành phố mát mẻ quanh năm.

Hơn 100 năm trước, người dân thành phố Sài Gòn đi lại chủ yếu bằng tàu thuyền. Lịch sử hình thành và đặc trưng địa hình, địa vật của Sài Gòn - Việt Nam đã tạo ra một hồn đô thị có bản sắc riêng như Venice của Ý hay Amsterdam của Hà Lan.

Mà trong đó, Bến Bạch Đằng - một địa danh, một vùng đất hiện diện từ thuở Sài Gòn sơ khai - như một định hình không thể khác trong ký ức người Sài Gòn nói riêng, người Việt Nam nói chung. Bạch Đằng còn là cái tên gợi nhớ chiến công ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược gắn liền với tên tuổi anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Ấn tượng mở mang bờ cõi của người Việt

Trong kế hoạch chỉnh trang TP.HCM hiện nay, Bến Bạch Đằng vừa được chỉnh trang bước đầu và tiếp tục hoàn thiện các công trình liên quan.

Tôi thấy rằng, khi thành phố chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, không chỉ quan tâm đến tầm nhìn cảnh quan mà nên quan tâm đến những điều liên quan khác. Bến Bạch Đằng chính là hồn đô thị để người dân cả nước đến tham quan, thưởng lãm hầu hiểu và nhớ công lao tổ tiên - những người mở cõi đất phương Nam.

Để Bến Bạch Đằng là địa điểm gây ấn tượng việc mở mang bờ cõi của người Việt, tôi xin gợi ý tái tạo lại mô hình con tàu mà chúa Nguyễn gửi vào đầu tiên cập bờ Bến Nghé. Ở vị trí Cột Cờ Thủ Ngữ và không gian vườn tượng dành cho giới điêu khắc, cần tạo lại các chi tiết điêu khắc và phù điêu từ thời mở nước.

Ở các thành phố lớn trên thế giới, những vườn tượng, những phù điêu... luôn là những gì rất đặc trưng tạo nên ký ức trong lòng người ở, người đi và người đến.

Đó là những bức tượng gợi nhớ tiền nhân, phù điêu những trận chiến đi vào lịch sử, tượng danh nhân văn hóa dân tộc và những vườn tượng hiện đại ở New York (Mỹ). Hoặc ở Tokyo có tượng 3 người ngồi trên ghế đá lướt iPhone quên trời quên đất... rất dễ để lại một Tokyo trong lòng những người lần đầu đến Nhật.

Về mảng cây xanh cho Bến Bạch Đằng, tôi nghĩ cũng cực kỳ quan trọng. Khu vực Bến Bạch Đằng thuở xưa cây xanh đậm đặc. Đường Cường Để xưa (Tôn Đức Thắng nay) với 3 làn đường, hàng cây cổ thụ trăm năm đã bị đốn hạ, con đường "vành đai" của Bến Bạch Đằng hiện nay trơ trọi và nóng bức.

Hàng cây sọ khỉ trồng ở đường Tôn Đức Thắng được đánh số lưu trữ - đây là giống cây nhập về từ châu Phi; cây sọ khỉ gỗ lớn, hạt nảy mầm khỏe, bộ rễ lớn, trồng bài bản, phân bổ hợp lý từ đầu đường Tôn Đức Thắng đến xưởng Ba Son cũng bị chặt bỏ toàn bộ.

Đường Cường Để (Tôn Đức Thắng nay) là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn, lộ giới lớn từ 25 - 34m, có 3 làn đường; lề đường rộng dành cho khách bộ hành, xe ngựa, xe lôi và xe cơ giới. Tạo cảnh quan cây xanh mượt mà trở lại cho đường Tôn Đức Thắng - con đường chính chạy qua Bến Bạch Đằng - là điều cần thiết.

Các nước trên thế giới không có được đặc trưng địa hình, địa vật thuận lợi như Sài Gòn với dòng sông Sài Gòn tuyệt đẹp uốn lượn chảy qua. Họ phải đào sông giả, đào hồ nhân tạo để tạo cảnh quan. Trong khi đó, Sài Gòn sông nước kênh rạch mênh mông, nên thật tiếc nếu vẫn loanh quanh với việc tạo nên một phối cảnh hợp lý cho Bến Bạch Đằng mà chưa vừa lòng vừa ý...

Có hai sông lớn đi qua Sài Gòn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Sông Đồng Nai là sông lớn thứ nhì Nam Bộ, về lưu vực chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai dài 586km, chảy qua Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Sông Sài Gòn là phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Lộc Ninh - Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM. Sông Sài Gòn hợp với sông Đồng Nai chảy ra biển. Vì qua nhiều địa phương nên sông Sài Gòn có nhiều tên gọi khác nhau.

Từ Tây Ninh đến Thủ Dầu Một (Bình Dương) là sông Ngã Cái, đoạn từ Bình Dương đến Thanh Đa là sông Thủ Khúc, từ Thanh Đa đổ về sông Đồng Nai có tên gọi là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé.

Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử

TTO - Công viên Bến Bạch Đằng vừa được chỉnh trang xong, đem lại một cảnh quan tươi mới, trật tự hơn trước. Chúng tôi rất hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã và đang lấy ý kiến góp ý thêm cho việc hoàn thiện không gian của công viên.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên