30/09/2010 18:02 GMT+7

Một bài học bị bỏ quên trong sách giáo khoa lịch sử

NGUYỄN ĐỖ DŨNG
NGUYỄN ĐỖ DŨNG

TTO - Thiên tai đã gắn kết tổ tiên chúng ta thành một dân tộc và khiến chúng ta trở nên bền bỉ. Đến lượt thế hệ chúng ta đối đầu với một thế kỷ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, chúng ta sẽ thực sự học bài học của quá khứ và ứng xử với thiên tai như thế nào?

Kỳ 1: Dời đô và đắp đê Kỳ 2: Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử Kỳ 3: Vụ án đê Yên Phụ Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng

7XhZD47y.jpgPhóng to
Đê Yên Phụ trong trận lũ lịch sử năm 1971 - Ảnh: TTXVN

Loạt bài “Kỳ tích đê sông Hông” cho thấy nước ta có một lịch sử sâu sắc và đáng tự hào trong cuộc chiến đấu chống chọi với lũ lụt. Tiếc thay phần quá khứ này dường như bị quên lãng trong sách giáo khoa lịch sử.

Bản thân tôi thấy hổ thẹn khi phải nhờ đọc cuốn sách “Hà Nội: Chu kỳ của những đổi thay” do các giáo sư Pháp viết mới hiểu được rằng dân tộc Việt nhờ biết đắp đê trị thủy mà di chuyển từ vùng rừng núi phía Bắc xuống sinh sống, cải tạo và canh tác trên đồng bằng sông Hồng hơn 2000 năm trước.

Toàn bộ cảnh quan thiên nhiên vùng châu thổ sông Hồng và thành phố Hà Nội như chúng ta thấy ngày hôm nay là sản phẩm của hàng nghìn năm lao động của hàng triệu con người để biến một vùng đầm lầy trũng thành một đồng bằng trù phú.

Nhưng không chỉ có đồng bằng sông Hồng nắm giữ trong nó những kỹ thuật và triết lý mà tổ tiên chúng ta đã chiêm nghiệm trong công cuộc cải tạo thiên nhiên.

Suốt chiều dài đất nước, mỗi vùng đất từ Bắc chí Nam là một cách ứng xử khác nhau đối với dòng nước lũ.

Đồng bằng Bắc Bộ có đê sông ngăn lũ vì bản thân nền đất của đồng bằng này thấp hơn mực nước biển.

Các dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung không có đê sông vì những cơn lũ đổ về theo sườn Đông dãy Trường Sơn thường dữ dội tới mức không có con đê nào chịu nổi. Trong khi đó để giữ diện tích trồng trọt vốn đã nhỏ và kém màu mỡ không bị xâm mặn, nhiều con đê biển được xây dựng khiến cho việc thoát lũ sông càng trở nên khó khăn. Đó là nỗi cực nhọc mà người dân miền Trung vẫn phải cam chịu.

Đồng bằng Nam Bộ may mắn hơn khi dòng Cửu Long êm đềm và mang theo phù sa bồi đắp thêm sự màu mỡ của những cánh đồng. Người dân Nam Bộ do đó thích ứng với một quan điểm thủy lợi hiện đại “sống chung với lũ”.

Lịch sử đê điều và chống lũ lụt của dân tộc Việt Nam là một bản thiên anh hùng ca bị lãng quên trong các bài học lịch sử trong nhà trường và trong xã hội. Chúng ta thậm chí không thể hình dung những con đê và dòng nước lũ đã định hình tính cách và tư cách người Việt Nam sâu sắc như thế nào bên cạnh việc gọi tên mảnh đất lớn mình sinh sống là đất nước.

Một trong những sự kiện thiên tai lớn nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20 mà tôi học được từ trang web của Cơ quan Hải dương và Khí quyển học Hoa Kỳ, cũng như trang web của kênh truyền hình History (Lịch sử) vẫn nhắc đến vào ngày mồng 8 tháng 1 hằng năm (*) chính là trận lụt 1971 tại miền Bắc.

Một trăm ngàn người chết trong trận lụt thế kỷ năm ấy đến nay vẫn chưa có một đài tưởng niệm. Quan trọng hơn, bài học để lại đã bị lãng quên. Gần 40 năm sau, năm 2008, trận lụt do mưa cục bộ làm ngập một phần lớn diện tích Hà Nội và cô lập nhiều gia đình trong cảnh không điện, không nước và không thực phẩm vẫn được một số người cho rằng bởi lượng mưa chưa từng có trong lịch sử (?).

Không chỉ Hà Nội, gần như mỗi thành phố Việt Nam là một câu chuyện riêng với sông nước.

Huế và Hội An, những di sản thế giới, được xây dựng qua năm tháng dưạ trên một mối quan hệ vật chất và tinh thần sâu sắc với sông Hương và sông Thu Bồn, nay gần như chấp nhận dòng nước lũ hằng năm phá hoại dần những công trình lịch sử.

Thành phố Hồ Chí Minh còn đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn khi trong nội thành có diện tích thường xuyên ngập lên tới 30 km2, tác động đến đời sống của 1,8 triệu con người. Trong viễn cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao đồng thời nền đất thành phố đang lún dần, hơn 70% diện tích toàn thành phố sẽ có nguy cơ ngập lụt.

Trước khi đọc loạt bài “Kỳ tích đê sông Hồng” trên Tuổi Trẻ, tôi vẫn nghĩ rằng tổ tiên mình đã luôn đứng trước thiên nhiên trong thế đối phó.

Tôi đã hoàn toàn sai. Tất cả các triều đại phong kiến, dầu hưng thịnh hay suy vong, đã có những thảo luận vô cùng sâu sắc, đã đưa ra những sáng kiến vô cùng dũng cảm và đã đối đầu với thiên nhiên không chỉ bằng những đôi tay trần mà cả khối óc và tinh thần của một dân tộc không thể bị khuất phục.

Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm tuổi là một dịp tuyệt vời để chúng ta nhớ lại rằng tổ tiên của mình đã từng vô cùng dũng cảm và sáng tạo trong cuộc đối đầu với thiên nhiên để kiến tạo thành phố.

Người Việt Nam luôn tự hào về lịch sử dân tộc mình và đây cũng là một phần lịch sử đáng tự hào và quan trọng hơn, đáng học hỏi hơn bao giờ hết.

NGUYỄN ĐỖ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên