Đức tại PC64 để chờ cán bộ giải thích, hướng dẫn thủ tục làm thẻ căn cước - Ảnh: ÁI NHÂN |
18 năm qua sống ở Sài Gòn nhưng “tôi chưa bao giờ bước vào cơ quan nhà nước nào...” - Nguyễn Tấn Đức nói.
Ngồi ở hàng ghế chờ làm thủ tục, Đức kể cha Đức mất từ năm mình lên 3 tuổi, rồi mẹ Đức vướng vòng lao lý. Sau này lớn lên Đức có nghe nói mẹ bị đột quỵ trong tù. Đứa bé 3 tuổi được ông bà ngoại đem về chăm sóc. Năm 12 tuổi, ông bà ngoại Đức cũng lần lượt qua đời.
Thương Đức một mình bơ vơ giữa dòng đời, dì ruột đem Đức về ở cùng, cho phụ làm nghề sơn. Bị dị ứng mùi sơn nên Đức bệnh hoài. Không phụ được công việc nhà dì, Đức theo một người bạn về quận 9 làm thuê, mỗi tháng phụ bạn 200.000 đồng tiền nhà, tiền điện nước.
Đức tâm sự nhiều lần đi xin việc nhưng không nơi nào nhận vì không có chứng minh nhân dân. Đến tuổi công dân, Đức đi làm thẻ căn cước mới biết mình không có hộ khẩu nên không làm được. Đức đã từng nhờ phường, quận hướng dẫn nhưng loay hoay mãi vẫn không làm được thẻ căn cước.
Trích lục lại địa chỉ ngày xưa cha mẹ em ở theo giấy khai sinh thì căn nhà đã được chủ nhà bán đi. Quay lại tìm địa chỉ nhà dì thì người dì cũng chuyển đi và không liên lạc được với dì từ đó đến nay. Đức đang ở nhà trọ của bạn, chủ nhà thì không biết mặt nên không xin tạm trú được.
Thương hoàn cảnh của Đức, người bạn ở cùng đã gọi điện cho Tuổi Trẻ với mong muốn được hướng dẫn thủ tục làm thẻ căn cước cho Đức. Đức cho biết ngoài giấy khai sinh ghi ngày 23-2-1998 tại phường 9, quận 4, trong người không còn bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào khác.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Duy, đội phó đội 2 PC64 Công an TP.HCM, giải thích theo quy định để làm được thẻ căn cước thì phải căn cứ vào hộ khẩu. Căn cứ Luật cư trú, để có hộ khẩu tại TP.HCM thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Nếu Đức có người thân đồng ý cho nhập hộ khẩu thì sẽ được giải quyết ngay. Hiện Đức đang ở thuê thì phải thỏa mãn các điều kiện nhập hộ khẩu theo quy định là phải tạm trú đủ hai năm (nếu nhập hộ khẩu vào quận) và một năm (nếu nhập hộ khẩu vào huyện).
Người cho thuê nhà, mượn, cho ở nhờ phải có văn bản đồng ý cho nhập hộ khẩu. Đồng thời nơi cho thuê, mượn, ở nhờ phải bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu theo quy định của TP...
Thiếu tá Duy cho biết trường hợp của Đức chưa có thẻ căn cước công dân thì công an địa phương vẫn giải quyết cho tạm trú và làm sổ tạm trú được. Điều kiện quan trọng là phải có chủ nhà trọ, người cho ở nhờ đồng ý cho tạm trú.
“Nếu có cá nhân, tổ chức hảo tâm nào đó giúp đỡ cho Đức tạm trú, rồi bảo lãnh cho nhập hộ khẩu thì sẽ làm thẻ căn cước cho Đức...” - thiếu tá Duy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận