26/01/2014 03:51 GMT+7

Mong chờ tết Việt

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH

TT - Những người nước ngoài sống tại TP.HCM đã có một trải nghiệm tuyệt vời về văn hóa Việt. Một chuyến đi trước tết để thêm yêu tết Việt.

o7TjkEJq.jpg
Người dân địa phương hướng dẫn bé Yuri gói bánh tét

Một ngày cận tết, khi chiếc xe buýt đang bon bon trên đường cao tốc Trung Lương hướng về thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cô Phạm Thị Ngọc Phúc, giáo viên Trường dạy tiếng Việt VLS, dùng micro bất ngờ hỏi: “Đố các em tại sao hôm nay chúng ta đi thăm làng hoa Sa Đéc?”.

Phía dưới những học viên nước ngoài nhiều quốc tịch suy ngẫm tìm câu trả lời. Rồi nhiều cánh tay đưa lên. Người bảo vì thành phố Sa Đéc là thủ phủ của hoa tết, người nói vì hoa tết ở Sa Đéc rất đẹp...

Xem hoa, gói bánh tét

Cô Renata Pio, người Brazil, không giấu được sự hồ hởi khi được đặt chân đến những cánh đồng hoa bạt ngàn đang khoe sắc dưới nắng xuân rực rỡ ở thành phố Sa Đéc. Tay cầm chiếc nón lá VN, Renata len qua những luống hoa, ngắm nghía từng loại rồi hào hứng rủ mọi người chụp hình cùng mình. Thi thoảng cô lại bập bẹ hỏi bằng tiếng Việt: “Cái này gọi là hoa gì? Có màu gì?”.

Tương tự, anh Philip Anderson (người Mỹ), giáo viên dạy văn tại Trường Bắc Mỹ (TP.HCM), cẩn thận quan sát từng loại hoa, chốc chốc lại đưa máy ảnh lên chụp để lưu giữ những hình ảnh sống động và đầy màu sắc ấy. Philip có thể nói tiếng Việt khá thành thạo và chọn cho mình tên tiếng Việt là “Bão”. Mỗi khi được hỏi tên, anh hay trả lời: “Tôi tên Philip Bão Anderson” - một cái tên rất lạ và ấn tượng với nhiều người.

Chia tay làng hoa Sa Đéc, các thành viên tiếp tục trải nghiệm làm bánh tét, bánh xèo và tạo dáng cây bonsai tại nhà một người dân địa phương gần đó. Bé Yuri, 6 tuổi, người Hàn Quốc, khi trông thấy một phụ nữ địa phương thoăn thoắt gói bánh tét liền xin mẹ làm theo. Dưới sự chỉ dẫn tận tình của “cô chuyên gia”, bé Yuri đã gói được chiếc bánh tét đầu tiên trong sự cổ vũ của nhiều người xung quanh. Chiếc bánh tét gói đẹp đến nỗi ngay cả cô chuyên gia cũng phải tấm tắc khen ngợi.

Theo lời cô giáo Lê Thị Thu Trang, khi trở về nhà bé Yuri thích gói bánh tét đến nỗi đòi mẹ mua các nguyên liệu làm bánh tét để bé có thể gói vào dịp tết.

Trong khi đó, dù bận bịu cùng chồng chăm sóc hai con nhỏ đi theo đoàn, cô Heather Stur, giáo viên người Mỹ dạy khoa quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hầu như không bỏ sót hoạt động nào của chương trình.

“Lúc đầu tôi không biết nhiều về tết VN, vì vậy tôi hi vọng mình sẽ mở mang thêm kiến thức thông qua chuyến đi này - Heather bày tỏ - Thật sự chuyến đi này giúp tôi hiểu ra hoa và bánh tét là những biểu tượng của tết Việt. Tôi còn nhận ra tết là khoảng thời gian hạnh phúc khi bạn dành thời gian cho bạn bè và gia đình cũng như tặng hoa và bánh tét cho nhau. Chúng tôi đang rất mong chờ ngày tết”.

27AXnxK9.jpg
Ca sĩ Lee Kirby chơi guitar và hát trên đường đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Ảnh: B.Minh

Học tiếng trong văn hóa thực

Buổi sáng ngày thứ hai của cuộc hành trình, trong khi cả đoàn đang ngồi ăn hủ tiếu Sa Đéc trước nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, anh Lee Kirby, ca sĩ người Anh thích hát các bài hát tiếng Việt, tranh thủ hướng dẫn anh Philippe Bardy (người Pháp) học thêm một số từ vựng tiếng Việt cơ bản.

Anh thường pha trò góp vui cho cả đoàn, nhưng biệt tài hát tiếng Việt của Lee khiến mọi người ngưỡng mộ và tò mò nhất. Khi cả đoàn đang ăn tối và thưởng thức tiết mục đờn ca tài tử ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Lee xung phong hát tặng mọi người hai bài hát tiếng Việt. Theo Lee, đa số người nước ngoài rất ngại giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng chuyến đi lần này giúp họ cảm thấy tự tin hơn và nói nhiều hơn. “Tôi nghĩ chương trình này rất tốt vì người nước ngoài có cơ hội rèn luyện tiếng Việt và chia sẻ cảm xúc của mình” - chàng ca sĩ bộc bạch.

Cũng trong buổi ăn tối hôm đó, anh Philip Bão bất ngờ dành tặng cho khán giả bài hát Nhỏ ơi bằng chất giọng ấm áp miền Nam khiến cả khán phòng thích thú. Đồng tình với Lee, anh Bão nói: “Tôi có cơ hội được đắm chìm trong ngôn ngữ và văn hóa Việt thông qua chuyến đi này. Chuyến đi này không những giúp tôi rèn thêm ngôn ngữ mà còn cho tôi cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với những người Việt bên ngoài lớp học”.

Và đó cũng chính là mục đích chính của những người tổ chức chương trình. “Sa Đéc là một nơi rất tuyệt vời để các học viên trải nghiệm về tết. Chuyến đi này nhằm giúp họ sẵn sàng tham gia đón tết cùng người Việt một cách hiểu biết hơn” - cô Võ Thanh Bình, giám đốc VLS, chia sẻ.

“Tôi nhớ nhất sự thông hiểu và đồng cảm”

Tôi đến VN vào tháng 11-2010 cùng ba đứa con lần lượt 9, 7 và 1 tuổi để bắt đầu cuộc phiêu lưu gắn liền với ước mơ của người vợ Việt muốn trở về quê hương trên cương vị nhà báo. Trong tâm trí của đứa con út, nước Mỹ chỉ đơn thuần là nơi cháu về thăm vài tuần trong năm hoặc như thỉnh thoảng cháu vẫn hay nói: “Con muốn về thăm bà nội”, như thể cứ đón taxi là về thăm được. Những cháu lớn hơn giờ đã bắt đầu tự hỏi: “Có phải Hà Nội đã trở thành “nhà” rồi?”.

Trong năm qua, ấn tượng nhất với tôi vẫn là chuyến trở về thăm VN của cha mẹ vợ vào dịp Tết Nguyên đán. Đó là chuyến về thăm quê thứ hai kể từ khi họ sang Mỹ vào năm 1978. Họ về thăm con cháu là chính nhưng đồng thời chuyến hồi hương ấy đã tạo cơ hội cho họ thăm Hà Nội và Huế lần đầu tiên, cũng như tận mắt chứng kiến những thay đổi nhanh chóng của Đà Nẵng và TP.HCM.

Điều tôi nhớ nhất suốt chuyến lưu trú của bố mẹ vợ ở VN là sự thông hiểu và đồng cảm giữa người Việt trong nước ngày nay và Việt kiều. Khi ngày càng nhiều Việt kiều về thăm quê cha đất tổ và người Việt trong nước đi ra nước ngoài thì VN càng có nhiều hi vọng về việc hòa hợp, hòa giải để xóa dần hiềm khích và làm lành những vết thương cũ.

Tôi vẫn muốn nhìn con cái lớn lên trên mảnh đất này hoặc một nơi nào khác nhưng về phần mình, tôi vẫn muốn viết báo nhiều hơn nữa để có thêm nhiều hiểu biết về VN. Chúng tôi đã sống ở đây được ba năm rồi. Ai đó có thể hỏi kế hoạch sắp tới của chúng tôi là gì? Tôi nghĩ ngay đến lời một bài hát của ca sĩ quá cố John Lennon: “Cuộc sống là những gì xảy ra với bạn trong khi bạn còn đang bận lên những kế hoạch khác”.

Scott Duke Harris(người Mỹ, cựu phóng viên báo Los Angeles Times và San Jose Mercury News, hiện sống ở Hà Nội)

Tận hưởng những điều dung dị

Nhìn lại năm qua, tôi thấy mình đã có được nhiều trải nghiệm thú vị ở VN và gặp được nhiều người bạn tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình vẫn chưa dành nhiều thời gian đi thăm thú VN như mong muốn vì phải làm việc gần như không kịp thở. Tôi nhận ra rằng làm việc chăm chỉ rất quan trọng, nhưng nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém sau thời gian dài chỉ biết làm việc mà không cho bản thân thời giờ thư giãn.

Vì vậy tôi dự định dành nhiều thời gian hơn cho bản thân trong năm mới, ở bên gia đình Việt của mình nhiều hơn và tận hưởng những điều dung dị nhất trong cuộc sống quanh mình. Nhân dịp này, tôi chúc độc giả Tuổi Trẻ một năm mới tràn đầy hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

Derek Milroy(người Scotland, đã sống ở VN hơn ba năm, có vợ là người Việt và hiện làm công tác biên tập cho một tờ báo tiếng Anh tại TP.HCM)

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên