BTC trao giải, vinh danh các gương mặt start-up tiêu biểu trong sự kiện năm 2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dưới đây là những chia sẻ của ông Phạm Phú Ngọc Trai:
* Một trong những điều mà start-up thường hướng đến là gọi quỹ đầu tư để start-up thêm nguồn lực, tăng tốc. Nhưng song song đó là "điểm trừ" của việc các quỹ có thể thay đổi sứ mệnh, tầm nhìn của start-up. Góc nhìn của ông với câu chuyện trên là gì?
- Tôi xin được chia sẻ một chút về mặt thống kê. Tỉ lệ start-up còn tồn tại được sau 2 năm ở VN rất ít, chỉ có 5%, và tổng số start-up ở VN vào khoảng 3.000.
Trong khi các con số này ở Nhật là từ 10.000 - 15.000/năm, ở Mỹ lớn hơn vào khoảng 35.000 - 40.000/năm, và tỉ lệ số start-up tồn tại được sau 2 năm của họ đều trên 5%. So sánh như vậy để thấy số start-up bền vững ở VN còn ít như thế nào.
Từ bối cảnh này, theo nhìn nhận của tôi, phần đông các start-up của chúng ta chưa có một tầm nhìn rõ ràng và đồng bộ. Khi phát triển một doanh nghiệp hoặc một start-up, chúng ta cần đặt ra một tầm nhìn rõ ràng, mang tính chiến lược.
Và từ đó lại đòi hỏi năng lực về quản trị, về liên kết để xây dựng được mô hình kinh doanh mà chúng ta có thể chủ động được mọi nguồn lực.
Vì vậy, khi nói về việc start-up phải thay đổi tầm nhìn của mình khi có quỹ đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thiên thần, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.
Cần nhìn nhận rằng đây là bởi các start-up này đã không đủ mạnh về góc độ tầm nhìn, hay nói cách là tầm nhìn không rõ ràng. Các quỹ đầu tư khi bỏ tiền cho start-up họ sẽ đặt ra mong muốn về tài chính, và nếu có phải thay đổi tầm nhìn thì đây cũng là chuyện bình thường và khá phổ biến.
Vì vậy, nếu một start-up không muốn bị thay đổi tầm nhìn khi kêu gọi nguồn lực tài chính thì họ cần phải có tầm nhìn rõ ràng, phải nắm được chiến lược phát triển, có năng lực quản trị để làm các nhà đầu tư yên tâm rằng họ chỉ cần đóng góp về mặt tài chính để giúp start-up thêm vững mạnh thôi.
* Nếu có lời khuyên cho các bạn start-up ở thời điểm hiện tại, ông sẽ khuyên gì?
- Đây là vấn đề mà mọi doanh nghiệp đều đặt ra, khi có sự tác động từ bên ngoài hoặc thay đổi về bên trong, các doanh nghiệp đều phải tự có thay đổi.
Họ phải xác định được những điểm cần thay đổi, nói nôm na là năng lực chịu đựng hoặc khả năng quản trị được những thay đổi đó. Doanh nghiệp nào không có khả năng quản trị này, họ sẽ đi sau, đánh mất cơ hội, thậm chí là đối mặt với khủng hoảng.
Tôi lấy ví dụ về khoảng thời gian dịch bệnh vừa qua, đã có nhiều start-up điều chỉnh được kênh phân phối và sự tiếp cận của người tiêu dùng thông qua công nghệ.
Một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Họ không có công nghệ, không biết đổi mới sáng tạo để đảm bảo sự thích ứng. Tôi mong rằng các start-up ở VN sẽ có được năng lực lõi cơ bản để hiểu rằng họ phải thích ứng với sự thay đổi.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Ảnh: NVCC
* Xin ông chia sẻ một chút về quan điểm của mình trong việc vượt qua những giai đoạn mà xã hội phải đối mặt nhiều khó khăn như thế này?
- Trong những thập niên gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi khi nhìn nhận ở góc độ cao hơn, nếu chúng ta không kết hợp được lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế thì chúng ta sẽ không tạo được sự bền vững.
Một doanh nghiệp có lợi nhuận, có kế hoạch phát triển tốt, họ luôn phải quan tâm đến vấn đề xã hội. Từ khái niệm về Philanthropy (thiện nguyện) tới CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội), gần đây chúng ta có một khái niệm mới là CSV (Creating Shared Value - hợp tác tạo giá trị chung).
Nghĩa là nếu việc kinh doanh có lợi nhuận kinh tế tốt mà mang đến lợi ích cho xã hội và môi trường thì sự phát triển sẽ bền vững hơn.
Chẳng hạn, khi chúng ta sản xuất bao bì nhựa, nếu chúng ta có nghiên cứu về việc thu hồi, tái chế thì chúng ta sẽ vừa tiết kiệm được chi phí, vừa không tạo ra rủi ro về môi trường. Đây là CSV giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm được nhiên liệu và năng lượng, vừa giảm thiểu được chi phí vận hành.
Từ những kinh nghiệm này, nếu doanh nghiệp kết hợp được lợi ích kinh doanh của mình dựa trên 3 yếu tố trụ cột là kinh tế tài chính - môi trường - xã hội thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển bền vững, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề xã hội.
* Là một trong những doanh nhân sẽ tham gia vào hội đồng tuyển chọn start-up cho Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022, ông kỳ vọng những gì?
- Sau khi đã trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, đầu tiên tôi hy vọng các start-up sẽ giữ được tinh thần. Trong một nền kinh tế, start-up có thể chỉ chiếm tỉ trọng khiêm tốn nhưng lại là yếu tố mang tính định hướng sự thay đổi và đột phá để phát triển. Vì vậy, với tinh thần start-up, tôi mong đợi luôn phải có sự sáng tạo và đổi mới.
Vẫn có nhiều đơn vị, bao gồm cả cơ quan nhà nước, tạo ra sân chơi cho các start-up. Với riêng chương trình của báo Tuổi Trẻ, tôi mong đợi một hiệu quả tích cực về mặt tạo ra động lực. Những tiêu chí mà chương trình đặt ra cũng nhằm để kích phát các yếu tố sáng tạo, sẵn sàng thay đổi.
Sau khi xem sơ qua những gương mặt start-up tiêu biểu thời gian qua, tôi nhận thấy đã có nhiều bạn đi sâu vào xã hội, vào môi trường... Mong rằng các bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thực tế để xây dựng start-up của mình bền vững hơn.
Những start-up nào sẽ thuyết phục hội đồng thẩm định năm nay?
Sau hai mùa giải với nhiều câu chuyện start-up nổi bật và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, năm nay Ban tổ chức (BTC) tiếp tục nhận được khá nhiều đề cử và ứng cử của các start-up qua nhiều kênh (gửi trực tiếp đến báo, thông qua Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC...).
Lĩnh vực hoạt động của các start-up năm nay cũng đa dạng hơn, đặc biệt là các mô hình có tính sáng tạo qua bốn làn sóng COVID-19 vừa rồi.
Trong đó có những mô hình khá ấn tượng, như start-up theo chân y bác sĩ "trên từng cây số" trong COVID-19 của anh Giang Thiên Phú (CEO Công ty Gadget, đồng sáng lập Callio), hay anh Hồ Xuân Vinh với sáng kiến dùng chính bụi đá do các công ty khai thác đá thải ra để sản xuất gạch không nung, sử dụng vật liệu phổ biến, giá rẻ, tái chế được, không gây ô nhiễm môi trường.
Hoặc cô học sinh lớp 12 Phạm Thị Thùy Trang đã sáng chế ra thiết bị học bảng chữ cái và toán giúp trẻ khiếm thị học tập tốt hơn. Còn Nguyễn Thị Anh Thư thành lập thương hiệu thời trang LMcation, với sứ mệnh truyền cảm hứng cho cộng đồng phụ nữ Việt Nam và một phần nhỏ người khuyết tật và người yếu thế, giúp họ trở nên tự lập và tự tin...
Ở vòng thẩm định, BTC thực hiện những công tác nghiệp vụ xác minh chặt chẽ, khách quan để chọn lọc hồ sơ start-up uy tín bước tiếp vào vòng trong. Dự kiến hôm nay 22 -3, Hội đồng thẩm định cùng với BSSC, báo Tuổi Trẻ sẽ xét chọn ra 30 start-up xuất sắc nhất (trong đó có 1 start-up được giải đặc biệt của PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông) để vinh danh.
Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up là hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức với mục đích gây quỹ start-up.
Hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chuỗi hoạt động năm nay nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần thể thao, tạo sự lan tỏa và kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân, vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Được tổ chức từ năm 2019, chuỗi hoạt động đã thu hút hàng trăm dự án khởi nghiệp thành công tại TP.HCM và nhiều nơi trên cả nước gửi về tham dự. Qua tuyển chọn, BTC đã vinh danh và hỗ trợ trên 50 dự án tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, BTC sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để trao hỗ trợ với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận