04/03/2021 14:15 GMT+7

Món quà từ kinh nghiệm dạy trẻ

ANH QUÂN
ANH QUÂN

TTO - Một đứa trẻ mới 4-5 tuổi mà đã chơi game thành thạo, tiền chơi game là tiền ăn cắp từ những người tàn tật đi ăn xin và từ thù lao"làm công" cho ngoại...; còn khi xin tiền mà ngoại không cho, trẻ "giận dỗi trả thù bằng cách cắt dây võng".

Món quà từ kinh nghiệm dạy trẻ - Ảnh 1.

Ảnh: ANH QUÂN

Không chỉ một mà cả ba chị em ruột đều như vậy!

Khi mẹ chúng không nuôi nổi bầy con, đem cả ba cho cô Sáu và được ông Sáu - một người bị bệnh tim, không con cái - nhận dạy dỗ, chúng lại trở nên ngoan ngoãn, chăm học và hay làm việc tốt... 

"Nhiều người nhìn chúng tôi tự động nhìn thấy việc mà làm, tự động nhìn đồng hồ mà ngủ, mà học thì ai cũng nghĩ do bản chất chúng tôi ngoan dễ dạy. Không ai biết có những năm tháng chúng tôi cũng giống y như con cái của họ, mải miết chơi, mua đồ chơi tới khi cạn tiền, đói khát gục trên đống đồ chơi...".

Đã có phép mầu nhiệm nào cho ba đứa trẻ dưới bàn tay của ông Sáu?

Thể hiện câu chuyện dưới góc nhìn tự sự, nhà văn Võ Diệu Thanh hóa thân thành đứa bé tên Chùa - một nhân vật có thật ở Trường tiểu học C Chợ Vàm, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. 

Câu chuyện của Chùa - từ một cậu bé hư hỏng đến một đứa trẻ "biết sống", nổi tiếng với ngón đàn sến qua chương trình "Biệt tài tí hon" trên truyền hình năm 2019 - được Võ Diệu Thanh chuyển tải một cách tài tình qua cuốn sách Quà tặng của ngày mai.

Ông Sáu "không bằng cấp gì hết" đã dạy dỗ tụi nhỏ bằng cách nào? "Ông nói rằng cuộc đời một con người chọn sống theo hướng tốt chớ không cần phải chọn nghề tốt. Nghề nào cũng không phải là vô loại. Chỉ cần bản thân mình không vô loại là được". 

"Ông Sáu nói người ta không khổ vì thiếu thốn mà người ta khổ vì bận bịu phân bì". "Ông Sáu nói nếu bạn không dạy tốt, một đứa trẻ sẽ đốt tất cả tiền bạc bạn kiếm được, đốt luôn thời gian, đốt luôn niềm vui của bạn...".

Vậy ông Sáu chỉ biết nói hay biết rèn cho những đứa trẻ qua hành động, cách sống của mình? Đây là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh đau đầu hiện nay, nhất là trong việc dạy dỗ những đứa trẻ chưa ngoan, những em sống theo bản năng và vùi đầu vào trò chơi trên máy tính, điện thoại... 

Những câu chuyện nhỏ trong Quà tặng của ngày mai hóa giải những vướng mắc này. Đó không chỉ là chuyện dạy trẻ, mà còn là chuyện người lớn cũng phải tự luyện cho mình cách biết "sống" cùng trẻ ra sao.

Quà tặng của ngày mai, với tác giả - vốn là một giáo viên mỹ thuật - là "món quà cho những ai đang vật lộn với bi kịch giáo dục và tự giáo dục".

Nhà văn Võ Diệu Thanh trò chuyện về 'thói tật đám đông' Nhà văn Võ Diệu Thanh trò chuyện về "thói tật đám đông"

TTO - Buổi tọa đàm mang chủ đề “Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông” sẽ diễn ra vào 9g ngày 6-3 tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhân dịp nhà văn Võ Diệu Thanh ra mắt tập truyện dài Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm.

ANH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên