Tranh minh họa chuyện cổ tích Việt Nam: Lạc Long Quân - Âu Cơ. Ảnh: Đông A. |
Bạn Nguyễn Thiên Đăng kể: “Hồi nhỏ đọc truyện cổ tích, tôi muốn mình ăn ở hiền lành để được ông Bụt, bà Tiên khen thưởng. Lớn lên mới hiểu ra rằng ăn hiền ở lành là một nhân cách tốt. Bây giờ bước qua tuổi trung niên thấy thêm rằng ăn hiền ở lành để lòng mình thanh thản.
Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng chuyện cổ tích có nhiều điều dường như vô lý, phi thực tế. Nhưng chuyện cổ tích lại cho con người nhiều bài học ở đời sâu sắc, không chỉ trẻ con phải học mà người lớn cũng cần”.
Bạn Năm Anh Nhứt hoài niệm: “Lúc đầu tiên đi học năm 1956 tôi còn đọc tập đọc cuốn Quốc văn giáo khoa thư với nhiều bài rất hay và nó tạo cho tôi nhân cách sống trong suốt cuộc đời! Chẳng hạn bài: "Cái mủng dừa" dạy về "nhân quả" với nội dung: anh nông dân buồn vì cha mẹ già yếu, mỗi khi ăn cơm hay đánh vỡ chén bát. Anh bèn nảy ý lấy cái mủng dừa, gọt sạch thay chén tô để dọn cơm cho cha mẹ mình vì có rơi cũng chẳng bể!
Một hôm đi ruộng về, anh thấy đứa con trai 3-4 tuổi của mình đang ngồi trước cửa gọt mủng dừa. Anh hỏi nó làm thế để làm gì thì đứa bé ngây ngô trả lời:" Con làm sẵn để khi nào cha mẹ già yếu, con dùng nó để đựng cơm canh cho cha mẹ ăn!".
Mỗi khi đọc bài này khi thầy cô kiểm tra, tôi vừa đọc vừa khóc! Thầy cô ngạc nhiên hỏi thì tôi dù còn bé thơ vẫn trả lời:" Chén, tô bể thì con có thể mua được nhưng cha mẹ mất rồi thì con tìm ở đâu?". Thầy cô đều rơi nước mắt...!”
Tranh minh họa chuyện cổ tích Việt Nam Sự tích con muỗi. Ảnh: Đông A. |
Bạn Duy Trân kể lại một câu chuyện dài với nhiều tâm sự như sau:
"Món quà cha của tôi tặng tôi là tập truyện Kho tàng cổ tích VN của tác giả Nguyễn Đổng Chi. Ngoài truyện, tôi còn được xem thêm phần khảo dị. Khi đó, tôi như đi trong các dòng cổ tích tây đông, biết thêm nhiều dị bản…
Dĩ nhiên, có những cổ tích chứa những điển tích sắc máu, như tôi hài lòng với cái kết Tấm trả thù mẹ con Cám. Cũng như rất khó chịu trong việc Lọ Lem sau khi thành hoàng hậu đã giúp dì ghẻ tái hôn, các cô em lấy được chồng tốt.
Rồi có những cổ tích khiến tôi bực vì cái kết không có hậu: Anh hùng Dambri chết biến thành dòng thác. Cuội bay lên trời sống cô đơn, còn những kẻ hại Cuội thì không bị trừng phạt. Những câu chuyện cổ tích không có hậu ấy, tôi chỉ đọc qua một lần.
Còn những cổ tích theo kiểu "ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão", tôi đọc mãi không thấy chán. Cũng may trong cái thời thơ ấu ấy có ba tôi song hàng cùng tôi, ông giải thích rất nhiều với tôi. Vì tại sao lại có những câu chuyện không có hậu. Vì tại sao có khi chú lùn lại ác, chú lùn lại nhân hậu.
Và tôi hiểu rằng: cổ tích do rất nhiều người xưa sáng tác, mà người thì nhân vô thập toàn, nên mọi câu chuyện đều có thể khác nhau.
Rồi lớn lên, tôi bắt đầu viết những câu chuyện cổ tích cho mình. Để tưởng tưởng bên ngoài kia vẫn có bà tiên, ông bụt, hoàng tử.. và không hề lạ lẫm với cách "viết lại truyện cổ tích" của Hollywood: công chúa xinh đẹp hóa thành chằn tinh xanh, và xem ra cô vẫn rất hạnh phúc với ngoại hình " thấy ghê" đó.
Cũng như không phải cứ là hoàng tử thì phải đẹp trai, dũng tướng thì phải dũng cảm. Có khi quái vật xấu xí, ngoại hình ghê sợ lại có trái tim nhân hậu hơn cả các anh chàng tốt mã!
Tôi e rằng bây giờ ít trẻ con chịu ngồi đọc trọn bộ Kho tàng chuyện cổ tích VN, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim… vì đã có phim ảnh, có Youtube, có gameonline thu hút chúng. Trẻ nhỏ bây giờ thích xem phim cổ tích Hollywood hơn là đọc truyện cổ tích Nga, Tiệp Khắc (cũ), Đức... ngày xưa.
Dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng mọi đứa trẻ sẽ sống nhân hậu và nhớ thật lâu về những câu chuyện cổ tích nếu như có người lớn định hướng, khuyến khích chúng đọc, tìm hiểu.
Tôi từng có một tuổi thơ. Trước khi vào giường ngủ, ba tôi sẽ yêu cầu tôi đọc một truyện tranh mà ông mua từ nhà sách Khai Trí. Những truyện trang mỏng, in màu ngoài bìa, bên trong hình vẽ đẹp tuyệt bằng mực đen trắng, Đó là Vị Vương Tử Sung Sướng, Trong Gia Đình, Vô Gia Đình, Cây Đèn Thần, Đàn Ngỗng Bay, Chú Vịt Con xấu xí (Nhà xuất bản Tản Đà)...
Những câu chuyện bằng tranh vẽ đẹp tuyệt đó đã theo tôi vào giấc ngủ, mộng mơ với những giấc mộng đầy cổ tích. Rồi hình thành rõ nét trong việc tôi có năng khiếu về hội họa (dù mọi trẻ con ở một tuổi nào đó đều mê vẽ).
Cổ tích sẽ hướng trẻ em đến điều thiện. Có thể bây giờ trẻ em không mê đọc sách vì đã có phim ảnh. Như tôi bây giờ khó thể cầm một cuốn sách giữa bộn bề lo toan, giữa áo cơm gạo tiền, và cả vì mắt kém nữa.
Nhưng với những đứa trẻ mắt trong veo, háo hức và ham tìm hiểu, nếu các bạn nhỏ được gia đình, nhà trường, cộng đồng định hướng đúng thì đọc truyện cổ tích bằng sách in, hay trên Intenet cũng đều là sự tìm tòi, đam mê và khám phá cần thiết.
Để rồi, lớn hơn một tí, các bé sẽ như tôi, đi và viết những “câu chuyện cổ tích của riêng mình”. Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể đi tìm cái hậu phía sau những vị đắng, và không quên phía sau ông bụt, bà tiên là chính các đấng sinh thành của mình. Để chúng ta luôn sống mãi với niềm tin: người tốt trong chuyện cổ tích luôn kết thúc viên mãn, “nhân vật sống hạnh phúc mãi về sau” và ở ngoài đời thật cũng thế.
Cũng như để cho cuộc đời này nhiều hoa thơm và trái ngọt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận