Xin được mấy trái mít mang về, má lại lụi hụi cả ngày nào gọt vỏ, bào, ngâm... Má nói hồi xưa tết nhà ai cũng có món dưa mít là chuyện bình thường, nhưng giờ thì hiếm. Mà món dưa mít của má làm hấp dẫn thiệt. Gắp ra một đĩa trộn lẫn nào dưa mít, rễ kiệu, giá đỗ mùi hăng hăng, chua chua nghe mà thèm. Bánh tráng deo dẻo cuộn dưa mít chua chua với vài lát thịt luộc chấm nước mắm, cắn một phát là nghe đậm đà... mùa xuân! Dưa mít chấm với nước thịt kho, lùa thêm một đũa cơm gạo dẻo thơm lựng trong bữa cơm ngày tết thì tuyệt không gì bằng!
Chiều cuối năm về nhà, cứ mở cái nắp khạp nho nhỏ ở góc bếp là nghe thơm nồng mùi tết. Món dưa mít tuy dân dã nhưng thời này có vẻ là món hiếm, bởi mít non vừa khó kiếm mà làm cũng rất cực công nên món dưa mít đã dần bị lãng quên. Miệt quê tìm mít non đã khó, nên ở thành phố món dưa mít hầu như chẳng thấy. Má nói siêu thị đầy ắp dưa cải, dưa kiệu, dưa hành nhưng đố mà tìm được món dưa mít. Bởi vậy nên món dưa mít của má đã thành “thương hiệu” với mấy người bạn thành thị của má.
Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương)
Chè lam Kinh Bắc
Đã nhiều năm sinh sống tại TP.HCM, nhưng trên bàn thờ tết nhà tôi năm nào cũng có món bánh đặc sản truyền thống của quê hương vùng Kinh Bắc: chè lam.
Thương nhớ con gái ở xa quê, năm nào mẹ tôi cũng lụi hụi làm chè lam rất sớm để kịp gửi cho tôi đón tết. Nâng niu phong chè lam do chính tay mẹ làm, cảm xúc về quê hương, về thời thơ ấu những dịp tết đến xuân về lại dâng tràn. Làm chè lam không khó nhưng có nhiều công đoạn. Nguyên liệu chính là bột nếp. Bột được làm từ gạo nếp rang giã thật mịn. Nếp phải là nếp cái hoa vàng thì bột mới dẻo, thơm. Lạc, vừng rang vừa chín tới, đủ thơm nhưng không khét. Ngũ vị cũng được làm từ bột nếp hấp chín, nhuộm màu đỏ của gấc...
Trước khi làm chè lam, ngũ vị được chiên giòn, cắt nhỏ rồi trộn chung với bột nếp, lạc, vừng. Khâu khó nhất và cũng là khâu quyết định chất lượng của chè lam là khâu nấu mật mía. Mật được cho vào nồi nước lạnh, thêm nước gừng, nước quất cho thơm, hòa tan rồi đun nhỏ lửa đến khi độ keo của mật vừa đủ thì cho tất cả nguyên liệu vào trộn đều. Chè lam chín được đổ ra mâm đã lót sẵn một lớp bột làm áo. Mẹ tôi thường dùng chai thủy tinh nhỏ cán đi cán lại cho chè lam thật dẻo rồi mới ép vào khuôn gỗ và cắt ra thành từng bánh.
Đã ăn chè lam nhiều lần nhưng với tôi, những lần ăn chè lam ngon nhất có lẽ là lúc được ăn những phần đầu thừa, đuôi thẹo mẹ chia cho khi ấy. Bánh còn ấm, dẻo, thơm nồng mùi nếp, gừng... xua tan cái lạnh giá của mùa đông, mọi người đều cảm nhận rất rõ mùa xuân, không khí tết đang đến thật gần...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận