15/08/2013 14:18 GMT+7

Mỗi sản phẩm nông nghiệp sẽ được cho vay riêng

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Đó là thông tin được đại diện Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức sáng 15-8.

AfNjxP43.jpgPhóng to
Thu hoạch tiêu ở xã IaHru', huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - Ảnh : N.C.T.
TvedYLv8.jpgPhóng to
Thu hoạch cà phê ở rẫy 3ha của chị Vũ Thị Duyệt, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Theo chủ rẫy, năng suất cà phê năm nay đạt bình quân 18 tấn/ha, giá cà phê tươi hiện tại là 8.000 đồng/kg, có lãi sau khi trừ các chi phí - Ảnh : Nguyễn Công Thành

Mức vay không tài sản đảm bảo được nâng lên từ 10 lên 50 triệu đồng; đối với trang trại là 50 lên 200 triệu đồng, hợp tác xã là từ 100 lên 500 triệu đồng, giải quyết lượng vốn lớn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Nông dân chật vật vay vốn ngân hàng

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn, Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định tín dụng đến với người nông dân vẫn hết sức hạn chế và khó khăn. Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng lý do ngân hàng ngại cho nông dân vay vì món vay nhỏ lẻ, chi phí hoạt động cao. Mặt khác, đối tượng vay nông nghiệp nông thôn bị tác động nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng không chỉ các hộ nông dân mà thậm chí doanh nghiệp nông thôn cũng khó tiếp cận vốn tín dụng. Một thời gian dài chúng ta tổ chức theo các khâu sản xuất, trong đó dịch vụ chỉ là khâu đầu vào, hoặc đầu ra. Cho nên ít doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức toàn bộ quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Bây giờ chúng ta đã nhận thức và vấn đề này sẽ được đưa vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Phải tiếp tục cơ cấu nợ và tìm chuỗi liên kết

Về giải pháp để khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được tín dụng, theo ông Mạnh là cung và cầu phải cân bằng và chuỗi liên kết.

Ông Tám cho rằng ngoài khó khăn về thị trường thì nợ xấu cũng đang khiến người sản xuất nông nghiệp lao đao. Do vậy, đồng tình với việc hệ thống ngân hàng gia hạn, cơ cấu lại khoản nợ cũ cho ngành sản xuất nông nghiệp, ông Tám đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách này.

Riêng về các khoản vay cũ, ông Mạnh cho hay từ nay cho đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu… Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con.

Còn về dài hạn, mọi chính sách cho nông nghiệp nông thôn phải gắn với đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Vì trong Quyết định phê duyệt Đề án, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tái cơ cấu theo hướng lựa chọn những sản phẩm chủ lực có thế mạnh của Việt Nam, có thị trường tiêu thụ và chúng ta tổ chức theo chuỗi giá trị. Đây là định hướng rất quan trọng.

“Tôi rất muốn là trong chính sách tín dụng tới đây, ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực. Ví dụ như, cá tra, lúa gạo, cà phê, với mỗi đối tượng như vậy có cách khác nhau trong quá trình sản xuất cũng như thị trường thì chúng ta phải có chính sách riêng về tín dụng cho phù hợp” ông Tám đề nghị.

Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Cần có chương trình vay vốn ưu đãi đặc biệt cho ngư dân

Chúng ta chưa đề cập tới mảng rất quan trọng là tín dụng cho ngư dân khai thác trên biển. Đây là 1 lĩnh vực ngoài sản xuất đời sống bình thường còn liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng hiện nay, ngư dân rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Do vậy, tôi mong muốn có một chương trình vay vốn đặc biệt ưu đãi dành riêng cho ngư dân với thủ tục rất đơn giản. Để làm được điều này thì Ngân hàng nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ ngành cùng nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn nói chung, đặc biệt cho ngư dân nói riêng.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên