22/10/2015 12:47 GMT+7

Mỗi nhà một hồ chứa nước: Tốn kém, vận hành phức tạp

D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi
D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi

TT - Câu chuyện “Chống ngập bằng hồ chứa tại gia” được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Đa số ý kiến cho rằng ý tưởng chống ngập cho TP.HCM này không khả thi.

Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp
Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp

Câu chuyện “Chống ngập bằng hồ chứa tại gia” (Tuổi Trẻ 21-10) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Đa số ý kiến cho rằng ý tưởng chống ngập cho TP.HCM này không khả thi. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến dưới đây.

Ông Phó Doanh Khoa (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức):

Khó khả thi

Hiện tại, khuôn viên quanh nhà tôi gần như để trống đất, không lát gạch hay bêtông hóa nên nước mưa trong nhà gần như được giữ lại trong đất, không chảy ra cống hay ra đường. Nhiều nhà khác tuy cũng có đất rộng nhưng bêtông hóa toàn bộ nền đất nên tất cả nước mưa chảy ra cống chung. Tôi nghĩ việc có giữ nước hay không là do ý thức của mỗi gia đình.

Tuy nhiên, phần lớn nhà người dân trong TP hiện nay là nhà ống, nhà liên kế và diện tích đất nhỏ, không còn chỗ để làm hồ thì việc dành một chỗ để chứa nước mưa là không dễ dàng. Nếu làm bồn chứa nước chôn dưới nền nhà sẽ khó dẫn nước ra hệ thống nước, hoặc phải dùng bơm để bơm nước ra thì rất phức tạp.

Còn nếu xây bồn nước trên mặt đất hoặc trên cao, người dân phải thường xuyên nhớ việc xả nước ra sau mỗi cơn mưa. Như vậy rất tốn tiền bạc, thời gian, tốn chỗ... tôi nghĩ người dân rất khó chấp nhận.

Nhất là trước mắt người dân thấy vỉa hè, lề đường bị các cơ quan chức năng bêtông hóa, hoặc nhiều công trình lớn xây dựng công trình để kinh doanh mà chưa có ý thức chống ngập thì việc yêu cầu người dân xây hồ chứa nước để chống ngập là khó chấp nhận.

Ông Nguyễn Hoàng Thái (phó chủ tịch UBND Q.11):

Thí điểm trước ở các công trình công cộng

Ý tưởng chứa nước trong nhiều hồ nhỏ để giảm ngập, giảm tải cho hệ thống chung là tốt. Tuy nhiên, theo tôi, rất khó áp dụng trong thực tế. Nếu áp dụng thì phải tùy thuộc vào khu vực, trình độ, điều kiện kinh tế và ý thức của người dân chứ không áp dụng đại trà ngay được. Ở nhiều quận nội thành, nhà dân đa số có diện tích nhỏ, nhiều nhà còn khó khăn thì lấy đâu ra chi phí lắp đặt hệ thống hồ chứa?

Tuy nhiên, tôi nghĩ nên áp dụng ý tưởng này tại các khu đô thị mới, có quy hoạch đàng hoàng. Trong các khu dân cư hiện hữu có thể thí điểm xây dựng ở các cơ sở công cộng như công sở, trường học, bệnh viện, chợ, các công trình lớn như khu thương mại, chung cư...

Hoặc Nhà nước lựa chọn và áp dụng thí điểm cho một khu dân cư nhất định và sau đó đánh giá hiệu quả, phân tích thuận lợi, khó khăn rõ ràng. Nếu có hiệu quả cụ thể, rõ rệt sẽ khuyến khích người dân áp dụng cho nhà riêng lẻ và có quy định, chính sách hỗ trợ để việc này lan tỏa dần.

* Ông Đặng Quốc Toản (giám đốc Công ty cổ phần năng lượng dầu khí Châu Á, Q.Thủ Đức):

Cần giải pháp đơn giản và tiết kiệm hơn

Theo tôi, làm hồ chứa nước tại nhà dân khá phức tạp và tốn kém cho dân. Nếu làm hồ lộ thiên thì cần phải có đất trống, làm hồ dưới nền nhà thì chi phí cao, làm hồ trên sân thượng thì chi phí chống thấm cũng không ít. Cần nghiên cứu cách làm khác đơn giản và nhất là phải rẻ, tiện sử dụng, không phức tạp.

Ngoài ra, nếu sau khi thu nước mưa rồi lại thải ra cống chung thì quá phí trong điều kiện TP rất thiếu nước. Vì vậy cần phải tính đến việc xử lý nguồn nước mưa thu được này để dùng vào những công việc phù hợp, giúp giảm tiền sử dụng nước máy.

* Ông Nguyễn Thành Phương (người dân P.3, Q.Tân Bình):

Cơ quan nhà nước, nhà cao tầng làm trước

Tôi ủng hộ chủ trương người dân cùng tham gia chống ngập bằng việc xây dựng hồ chứa nước mưa nhỏ trên mái nhà hoặc âm dưới đất. Tham khảo trên mạng Internet, tôi thấy một số nước còn tận dụng nguồn nước này phục vụ việc tưới cây và rửa xe.

Tất nhiên quá trình thiết kế hồ chứa nước kiểu này sẽ phát sinh chi phí, Nhà nước phải hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Và để thuyết phục hơn nữa nên yêu cầu nhà cao tầng, chung cư, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước... thực hiện trước, sau đó mới áp dụng đối với nhà người dân.

Xây hồ điều tiết chống ngập:

Nơi muốn chưa được, nơi được chưa muốn

Ngày 21-10, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hồ điều tiết Khánh Hội (Q.4) và hồ điều tiết Bàu Cát (Q.Tân Bình).

Theo UBND Q.4, hồ Khánh Hội nằm trong khuôn viên công viên Khánh Hội đã được phê duyệt từ năm 2008. Ban đầu hồ Khánh Hội chỉ là hồ cảnh quan, nhưng từ năm 2013 được bổ sung công năng điều tiết chống ngập với quy mô 4,8ha/tổng diện tích 17,6ha.

Dự án phải giải tỏa 1.864 hộ dân (chia làm bốn giai đoạn), đến nay còn 928 hộ chưa được giải tỏa nên chưa thể triển khai xây hồ điều tiết. Ngoài ra, thiết kế chi tiết hệ thống thu nước mưa về hồ cũng như khả năng điều tiết nước từ hồ ra ngoài chưa có thiết kế cụ thể.

Trong khi đó, đại diện UBNQ Q.Tân Bình tiếp tục không đồng tình việc xây dựng hồ điều tiết quy mô 10.000m3 ngầm dưới công viên Bàu Cát, tổng vốn dự kiến 50 tỉ đồng. UBND Q.Tân Bình cho rằng sau khi công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đưa vào sử dụng (trong năm nay), khu vực này không bị ngập nữa nên việc đầu tư xây hồ điều tiết là không phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế và ngân sách, cho rằng việc giải tỏa triển khai dự án hồ điều tiết Khánh Hội quá chậm, cần đẩy tốc độ hơn.

Bên cạnh đó các đơn vị cần khẩn trương tính toán hệ thống thu gom nước mưa kết nối các hồ điều tiết, chứ không để biến hồ điều tiết thành hồ chứa nước thải. Riêng dự án hồ điều tiết Bàu Cát cần nghiên cứu lại một cách khoa học và toàn diện hơn để báo cáo cụ thể UBND TP.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, trên địa bàn TP có tới 103 vị trí làm hồ điều tiết. Dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 ưu tiên triển khai trước ba hồ điều tiết: Khánh Hội, Bàu Cát và Gò Dưa (Q.Thủ Đức).

QUANG KHẢI

D.N.HÀ - Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên