Luật phòng chống tác hại của thuốc lá với các quy định cấm hút thuốc tại những nơi công cộng như cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà hàng đã được ban hành từ năm 2003. Tuy nhiên cho đến nay việc thực hiện chưa hoàn toàn triệt để. Nhiều người không chỉ hút thuốc tại nơi làm việc mà còn mang khói thuốc về nhà gây nguy hại cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em.
Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê, trong khói thuốc có khoảng 7000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Người không hút thuốc nếu hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng tương tự như với người hút thuốc lá trực tiếp. Đối với người lớn, hút thuốc lá thụ động có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như: viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch, ung thư phổi…
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh; cân nặng khi sinh thấp; các vấn đề về hô hấp như: viêm đường hô hấp cấp tính, các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính; bệnh tai giữa và các triệu chứng hen ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động và tỷ lệ này cao hơn ở trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em.
Hiện tại không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Khói thuốc thụ động là mối nguy cơ sức khoẻ cho tất cả những người tiếp xúc, dù chỉ trong một thời gian ngắn và thậm chí cho cả những người bước vào phòng mà trước đó vừa có người hút thuốc.
Vì vậy, để phòng tránh tác hại của khói thuốc lá thụ động, chúng ta tuyệt đối không hút thuốc và tránh không để bản thân hít phải khói thuốc. Cần giữ cho môi trường trong nhà không có khói thuốc lá, tích cực tham gia phong trào "công sở không khói thuốc" để bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân và đồng nghiệp.
Để hạn chế những tác hại do phơi nhiễm khói thuốc lá cần xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe toàn thân, điều trị những bệnh mắc phải và đặc biệt là phấn đấu xây dựng môi trường sống trong lành không khói thuốc cho hiện tại và tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận