04/01/2017 08:50 GMT+7

Mỗi người phải ý thức vai trò của mình

NGUYỄN TUẤN QUỲNH
NGUYỄN TUẤN QUỲNH

TTO - Tham gia chia sẻ cảm xúc từ bài viết “Hãy trỗi dậy, Việt Nam!”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, tổng giám đốc Saigon Books - cho rằng đầu tư cho con người là đầu tư hiệu quả nhất.

Không gian khởi nghiệp của các bạn trẻ có dự án khởi nghiệp tại Sở KH&CN TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Không gian khởi nghiệp của các bạn trẻ có dự án khởi nghiệp tại Sở KH&CN TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhân đọc bài của TS Vũ Minh Khương, tôi có nhiều trăn trở. Tôi rất đồng ý với TS Khương là muốn phát triển đi lên, Việt Nam rất cần “Đổi mới 2”, theo ý nghĩa nền kinh tế phải phát triển một cách bền vững với tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tiến bộ và tất cả mọi người, mọi thành phần đều được bình đẳng trong cơ hội tham gia cũng như thụ hưởng thành quả từ việc phát triển kinh tế - xã hội.

Bài toán công nghệ - môi trường và phát triển

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phát triển thiếu bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần đều từ 7,5%/năm giai đoạn 2001-2005 xuống còn khoảng 6% trong các năm gần đây. Hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) của nền kinh tế ngày càng cao, từ mức 4,7-5,2 giai đoạn trước năm 2005 thì hiện nay đã xấp xỉ 8. Mức này cao gấp đôi các nước trong khu vực.

Việt Nam đang đối diện với vấn đề kém hiệu quả trong đầu tư, trong năng suất lao động. Năng lực cạnh tranh tổng hợp (Global Competitiveness Index) của Việt Nam liên tục giảm, không chỉ chậm cải thiện so với các quốc gia khác trên thế giới, mà còn kém tiến bộ so với chính bản thân mình.

Trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp còn lạc hậu, vẫn còn nhiều ngành tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.

Môi trường đang là vấn đề “nóng” trong định hướng phát triển bền vững của Việt Nam. Việc Công ty Formosa xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng biển miền Trung và phải cúi đầu nhận lỗi, đền bù chỉ là một mảng tối rất nhỏ trong bức tranh tổng thể về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là cái giá rất đắt mà đất nước phải trả cho việc phát triển kinh tế bằng mọi giá. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nhanh chóng dưới áp lực tăng trưởng kinh tế.

30 năm đổi mới nhưng người dân còn nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tôi vừa tham gia đoàn cứu trợ đến ba tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân, không chỉ vì lũ mà bao đời nay đều nhọc nhằn, tôi cảm thấy xót xa. Nhìn những ngôi trường dột nát, dụng cụ học tập sơ sài, thấy thương cho các em học sinh và có chút lo lắng cho tương lai những vùng đất này.

Rõ ràng, sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm nhưng cũng chưa thay đổi được gì nhiều cuộc sống của người dân, đặc biệt là những tỉnh miền Trung, cao nguyên nghèo khó.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Ảnh: HỮU THUẬN
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Ảnh: HỮU THUẬN

Tập trung đầu tư cho con người

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, để thực hiện thành công “Đổi mới 2”, tức nền kinh tế phát triển bền vững, thì đội ngũ công chức, viên chức giữ vai trò quyết định. Nếu phải lượng hóa, tôi cho rằng đóng góp của công chức, viên chức sẽ chiếm 70% và doanh nhân là 30%. Không thể có một nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững nếu như đội ngũ công chức của quốc gia đó yếu kém và thiếu liêm chính.

Chính bộ máy cồng kềnh nhưng thu nhập công chức, viên chức thấp đã dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn: Lương thấp không tuyển được người tài -> Năng suất làm việc thấp -> Tuyển dụng thêm nhân sự -> Tốn thêm ngân sách cho bộ máy ngày càng phình to -> Lương thấp.

Và khi thu nhập không đủ sống cùng với sự tha hóa, biến chất của một bộ phận công chức đã làm cho tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu diễn ra, tác động xấu đến sự phát triển của đất nước.

Cần xác định rõ nguyên tắc: đầu tư cho con người là đầu tư hiệu quả nhất. Chúng ta có thể vay vốn ODA, huy động vốn từ trong dân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng theo tôi, chúng ta cũng có thể sử dụng những nguồn lực đó để đầu tư cho công chức, viên chức.

Tôi tin kết quả đạt được sẽ tốt hơn. Chỉ có đột phá trong chính sách tiền lương để công chức có thể sống bằng lương dựa trên sự đổi mới trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá công chức mới giải quyết được những bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách trên mọi lĩnh vực và tạo được chuyển biến về chất trong cải cách hành chính ở nước ta.

Điều thứ 2, theo tôi, là ý thức công dân của mỗi người. Nhiều bạn trẻ có cơ hội ra nước ngoài, trầm trồ trước sự hiện đại, văn minh nơi xứ người. Nhưng ít ai tự hỏi mình cần làm gì để Việt Nam đẹp hơn, giàu hơn, văn minh hơn? Tôi nghĩ không cần làm điều gì lớn lao, chỉ cần mỗi người ý thức được vai trò của mình và nỗ lực trong học tập, làm việc để đạt được kết quả cao nhất.

Ở tầm vĩ mô, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo. Hệ thống giáo dục phải đào tạo ra những người lao động có khả năng thích ứng tốt với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cần phát triển theo chiều sâu

Để phát triển bền vững, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển nền kinh tế phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Tập trung vào phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Chính phủ cần quy hoạch sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Việc đổi mới chính sách kinh tế, bảo vệ môi trường và chính sách xã hội phải được tiến hành gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Chính phủ cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lấy thị trường làm căn cứ để phân bổ nguồn lực, hạn chế tới mức thấp nhất sự can thiệp hành chính. Cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư nhằm khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

NGUYỄN TUẤN QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên