31/01/2022 17:44 GMT+7

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Nỗi đau đôi khi không chỉ mang hình giọt nước mắt. Có những nỗi đau mang hình nụ cười, mang hình giọt mồ hôi, mang cả hình một bông hoa nữa...

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 1.

Tập sách Phía Tây thành phố của bác sĩ Khôi được viết tại UCICC “là lời tri ân của tôi với đồng đội mình” - Ảnh: TỰ TRUNG

Trải qua một năm đầy biến cố và đau thương như năm 2021, không ai thấm thía nỗi đau ấy bằng các y bác sĩ, và câu chuyện của họ giúp mỗi chúng ta mạnh mẽ hơn.

Bác sĩ Lê Minh Khôi: "Rồi mình sẽ đi qua mùa bão dông"

Đã đến tháng thứ 6 bác sĩ Lê Minh Khôi bám trụ tại Trung tâm hồi sức COVID-19 thuộc bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (UCICC). Phòng làm việc dã chiến kê chiếc giường cá nhân một góc, máy tính, laptop luôn sáng đèn, giấy tờ bệnh viện, bệnh án bệnh nhân, luận án của sinh viên, nghiên cứu sinh chất cao.

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Minh Khôi

Gương mặt bác sĩ Khôi chẳng lúc nào thôi đăm chiêu, ưu tư trước những báo cáo tình hình nhập viện xuất viện, bệnh án cập nhật từng phút, những tin nhắn, điện thoại xin ý kiến liên tục đến "cháy" máy. 

Vậy nhưng cũng như những bông hoa luôn hiện diện trong phòng, giữa những y lệnh, bác sĩ Khôi còn thiết kế bài giảng, còn tổ chức hội thảo trực tuyến, còn cùng các học trò ấp ủ và thực hiện những đề tài, báo cáo khoa học, còn viết văn và còn làm thơ...

Rồi mình sẽ đi qua mùa bão dông

Rồi mình sẽ đi qua những con đường, những dãy nhà khép mắt

Những hàng cây khát gió, những bãi xe im lìm nằm ngủ, những mặt người thao thức

Rồi mình sẽ đi qua những đêm sâu, những lưng áo ướt đầm, những đớn đau, mất mát

Rồi mình sẽ đi qua những hoang mang, những nụ cười buồn và tiếng khóc thật...

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 3.

Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng Những môi cười sẽ biếc xanh như nụ mới...

Bác sĩ Lê Minh Khôi

Niềm tự hào trong "chảo lửa"

Bác sĩ Lê Minh Khôi tâm sự: "Những ngày này chắc chắn không thể nào quên trong cuộc đời chúng tôi. Mỗi ca bệnh là mỗi thử thách với kiến thức, bản lĩnh nghề nghiệp và cả sự kiên nhẫn, tỉ mỉ trong chăm sóc, tấm lòng với bệnh nhân. 

Các bác sĩ đã xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền hình với những ca cấp cứu, những câu chuyện sinh tử nhưng phía sau đó còn nhiều lắm là mồ hôi, nước mắt, cả máu nữa của những điều dưỡng, tình nguyện viên với những công việc lặng thầm mà nếu không có họ thì không có cách nào nỗ lực cứu bệnh nhân có thể thành công: thay tã, ga giường bẩn, bón cơm đút cháo, lau mình, gội đầu, cắt móng tay móng chân, trò chuyện, an ủi... 

Y học có phát triển, bệnh viện có hiện đại thì vẫn không thể chăm sóc bệnh nhân qua camera. Những công việc họ chưa bao giờ đụng tay, tưởng như chỉ người thân ruột thịt mới có thể làm cho nhau thì các đồng đội, học trò rất trẻ của tôi đã lặng lẽ làm với tất cả tình yêu thương. 

Mấy tháng trải nghiệm như cả một đời. Các bạn đều đã trưởng thành vượt bậc cả về nghề nghiệp lẫn y đức trong cuộc thử lửa này. Tôi gọi đó là những chiến binh và hết sức tự hào về họ".

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 5.

Cô điều dưỡng trẻ Trúc Ly mà chúng tôi gặp trong một lần vào khu ICU của UCICC đã kể về những nước mắt, mồ hôi ấy: "Trung tâm mở ngay lúc dịch đang đi dần lên đỉnh, chỉ vài ngày là đầy ắp bệnh nhân, ai cũng rất nặng, ai cũng cần chăm sóc từng giây từng phút. 

Mọi việc vượt quá mức lường trước, không xoay trở kịp, tôi cũng như nhiều bạn chỉ có khóc mà thôi. Nhưng rồi nhớ đến những lời thầy Khôi nói, chúng tôi đã lấy lại được tinh thần để bắt tay vào làm tất cả những gì có thể...".

Thầy Khôi đã nói gì? "Chúng ta đến đây và sẽ bắt đầu cuộc chiến khốc liệt nhất, UCICC sẽ là chảo lửa, nhưng là chảo lửa để tôi luyện nên những ngày ý nghĩa nhất của cuộc đời. Bệnh nhân COVID đang phải chống chọi với căn bệnh khốc liệt mà hoàn toàn cô độc, chỉ có chúng ta là hiện thân của cuộc sống, của mối giao tiếp con người để níu giữ họ...". 

Không chỉ có những bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đại học Y dược ngưỡng mộ thầy Khôi mà tình nguyện "thầy đi đâu em đi đó", còn những bác sĩ trẻ từ Quảng Nam, Đắk Lắk, Cần Thơ đã viết thư thiết tha, đã xin nghỉ không lương nơi mình đang công tác, đã quá giang xe chở heo để đến với UCICC trong những ngày phong tỏa, giãn cách... 

Mỗi một bệnh nhân xuất viện đều mang theo trong bệnh án mấy mươi đêm trắng, mấy mươi lít mồ hôi và tình cảm không đong đếm được của họ, cũng chẳng ít lần chính những nhân viên y tế phải nằm trên giường cấp cứu.

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 6.

"Những ngày cao điểm tháng 8, tháng 9, tôi không ngủ một giấc nào quá 30 phút. Đồng đội của tôi được phép gọi điện nếu quá 2 phút mà tin nhắn trong nhóm chưa được trả lời. Không chỉ là các trao đổi chuyên môn mà còn hàng ngàn việc liên quan đến tổ chức, vận hành. 

Tuy vậy, tôi vẫn tìm được cách thỏa mãn cho mình những nhu cầu nho nhỏ về tinh thần, giữ lại chút niềm vui và bình an để có thể điềm tĩnh đi qua khốc liệt".

Bác sĩ Lê Minh Khôi đã nổi tiếng là một "nhà văn, nhà thơ" từ lâu. Nhu cầu tinh thần của nhà văn ấy đã thể hiện ngay ở những tấm bảng phân khu điều trị: Hồng Hà, Cửu Long, Bạch Đằng, Hương Giang, Thu Bồn..., những dòng thông báo đầy hình tượng hàm chứa cả hoàn cảnh khốc liệt lẫn quyết tâm khắc chế: "Hồng Hà cuộn sóng, Cửu Long tràn bờ...". 

Để được ngắm nhìn thành phố những ngày thinh lặng, những ngày hồi sinh, bác sĩ Khôi tự mặc bộ bảo hộ lên xe cấp cứu đi đón bệnh nhân, tự chạy xuống các bệnh viện vệ tinh hỗ trợ đồng nghiệp. 

Sau những phút căng thẳng với những cục máu đông trong động mạch bệnh nhân, bác sĩ Khôi lại trải lòng lên những trang viết, để rồi "những câu chuyện dịu dàng trong mắt bão COVID" đã ra mắt độc giả trong tập tản văn thứ hai của anh: Phía Tây thành phố...

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 7.

Nhất định ngày ấy sẽ tới

"Nhất định ngày ấy sẽ tới", bác sĩ Khôi luôn nhắc với chính mình và đồng đội. Thành phố đã trở lại nhịp sôi động thường nhật, các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức lại càng phải căng mình. 

Báo cáo về những chủng virus mới, dự báo dịch bệnh thường xuyên hơn, ác liệt hơn trong những năm tới, những "ngày thưa bóng nhân gian" vừa trải qua càng đặt lên vai người áo trắng những sứ mệnh với con người. Trong phòng làm việc dã chiến, bác sĩ Khôi lại đang vạch ra cho mình một hướng đi mới.

"Ngành hồi sức của chúng tôi rất vất vả, nhiều thiệt thòi và đòi hỏi nhiều hy sinh. Bệnh nhân đến giai đoạn hồi sức gần như cận tử, cả sức khỏe, tinh thần, kinh tế đều đã kiệt quệ, bác sĩ hồi sức lúc nào cũng phải chạy đua với sinh tử, lại phải tinh thông các ngành khác trước những đòi hỏi của sinh mạng bệnh nhân. 

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 8.

Do vậy mà không nhiều bác sĩ theo đuổi ngành hồi sức. Ngay cả tôi, đã là bác sĩ hồi sức và vẫn đang là giảng viên khoa hồi sức nhưng cũng đã rẽ sang tim mạch để có thêm cơ hội nghề nghiệp cho mình. 

Đến đợt dịch này, ngành y mới giật mình nhận ra mình đang thiếu những người của hồi sức đến thế nào. Tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình với ngành hồi sức nặng nề hơn. Tôi đang ấp ủ một đề xuất và rất mong mỏi các đồng nghiệp ủng hộ...".

Xuân đã về, Tết đã tới, và cơn dịch vẫn đang vần vũ. Bác sĩ Lê Minh Khôi lắc đầu nhún vai khi nghe nhắc về Tết: "Mong được về nhà, được trở lại giảng đường trường y, phòng khám trung tâm tim mạch lắm chứ. 

Mong được ăn một cái Tết trọn vẹn với vợ con lắm chứ. Nhưng nếu nhiệm vụ đòi hỏi thì tôi và các đồng đội của mình cũng sẵn lòng đón Tết tại trung tâm dã chiến này...".

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 9.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn

Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Tôi trở lại thành phố

Tôi trở lại TP.HCM sau hơn 4 năm rời xa, thành phố đã từng nuôi dưỡng những năm tháng tuổi trẻ của tôi từ khi mới ra trường. Thành phố vẫn không ngủ, nhưng không còn những dòng người miết mải về đêm, không còn những con đường quán hàng nhộn nhịp, thành phố của tôi lần này không ngủ vì thao thức với tiếng xe cấp cứu hú gọi không ngừng.

Không có nhiều thời gian để tận hưởng cảm giác trở về. Quay lại trong tâm thế là một bác sĩ tình nguyện hỗ trợ chống dịch, tôi hiểu thành phố của tôi đang mệt mỏi và đau thương đến nhường nào. chỉ kịp đặt balô và nằm suy nghĩ một đêm, sáng hôm sau tôi đã nhận nhiệm vụ nơi phòng cấp cứu của khu điều trị thu dung bệnh nhân COVID-19 quận 10.

Xe cấp cứu vào ra liên tục, số lượng bệnh nhân đông đến nghẹt thở. Nhiều lúc ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ mới nhận ra lại đã hết một ngày. Lắm lúc nhiều bệnh nhân cùng rơi vào tình trạng cấp cứu, nhân lực không đủ, tôi chỉ biết nuốt vội những ngỡ ngàng, hụt hẫng, choáng váng vào trong để còn tiếp tục. 

Mất mát liên tục. Bệnh nhân tử vong quá nhiều, như một người thầy của tôi nói: "Nhiều hơn tất cả bệnh nhân tử vong trong suốt quãng đời hành nghề của thầy đến giờ". Đâu phải chỉ là bệnh nhân của chúng tôi, họ là ông bà, là cha mẹ, là vợ chồng, là anh chị em, là con cái... Nước mắt chúng tôi giấu sau mặt nạ bảo hộ, chảy dài trong khẩu trang, đón bệnh nhân mới lại phải cười vui, tếu táo.

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 10.

Dù lời tạm biệt có ý nghĩa với họ nhiều như thế nào, thì tôi vẫn tiếp tục giữ niềm tin như ngày hôm qua, rằng các bệnh nhân của mình đều đã đang ở một nơi bình yên. "Tạm biệt" chỉ đơn giản mang ý nghĩa là "Hẹn gặp lại vào ngày mai.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn

Tôi vốn được mọi người nhận xét là một cậu trai hài hước, giàu năng lượng, cũng vì vậy mà tôi thấy mình rất hợp với TP.HCM. Vậy mà những ngày ở TP.HCM có lúc tôi buồn đến rơi nước mắt. Đôi khi đêm về nghỉ, tôi tự hỏi sao mình lại chọn cái nghề mang vác hết thảy những đau thương của con người này để rồi phải buồn đến vậy.

 Lắm lúc tôi cũng sợ hãi, nghĩ về cái chết, nghĩ đến cảnh khi trở về bên mẹ chỉ còn trong hình hài một hũ tro. Dù là bác sĩ, tôi cũng mệt mỏi, cũng sợ chứ. Mỗi lần như vậy tôi lại gọi điện cho mẹ, còn được nghe tiếng mẹ, biết mẹ vẫn bình an là tôi thở phào nhẹ nhõm, và cách mẹ động viên, giải tỏa cho những lắng lo tôi đang vướng trong lòng cũng khiến tôi dễ chịu làm sao. 

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 12.

Tôi không thể cứu chữa được tất cả bệnh nhân, nhưng tôi vẫn giúp được nhiều người có thể bình an trở về bên gia đình đấy thôi. Nghĩ vậy nên tôi lại hít một hơi thật sâu để xốc dậy tinh thần hứng khởi, đứng lên mặc bộ bảo hộ, và tiếp tục công việc ngày mới của mình.

Hai tháng tăng cường trôi qua thật nhanh, rồi cũng đến ngày tôi được thấy thành phố thở lại nhịp thở mạnh mẽ nguyên bản của mình. Tôi tạm biệt và trở về với công việc của mình tận núi rừng Minh Hóa, Quảng Bình. Hai tháng cùng TP.HCM chống dịch khiến bản thân tôi thay đổi thế giới quan của mình rất nhiều. 

Tôi hôm nay yêu thương và trân trọng hiện tại, trân trọng những gì mình đang có nhiều hơn, yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh mình nhiều hơn, tha thứ nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn, buông bỏ nhiều hơn. 

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 chắc sẽ còn dài lắm, còn gì mong mỏi hơn hai chữ "bình an" cho tất cả mọi người? Tôi nghĩ vậy, tôi mong vậy, và tôi tin sẽ là vậy. Chúng ta rồi sẽ bình an.

Mỗi người đều đã mạnh mẽ hơn - Ảnh 13.

Chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt

Bác sĩ Lê Minh Khôi dự định đề xuất một chương trình đào tạo khả năng đối mặt với thảm họa: bác sĩ trẻ ở các chuyên ngành sẽ thay phiên nhau đi thực tập đào tạo ngành hồi sức mỗi hai năm một lần, mỗi lần ba tháng.

"Được như vậy, chúng ta sẽ có thêm nhân lực cho hồi sức, sẵn sàng cho các nhu cầu bệnh nhân. Các bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở cũng cần được luân chuyển đến các bệnh viện lớn để đào tạo, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp.

Đợt dịch vừa qua đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng và cả sự yếu kém của y tế cơ sở. Tất cả phải được khắc phục với một quyết tâm thật sự. Virus sẽ còn xuất hiện, dịch sẽ còn trở lại, và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt...".

'Phía tây thành phố': Nghe bác sĩ Lê Minh Khôi kể chuyện từ tuyến đầu chống dịch

TTO - Tập tản văn 'Phía tây thành phố' của bác sĩ Lê Minh Khôi vừa ra mắt. Phía NXB Trẻ cho biết toàn bộ lợi nhuận của tập sách đều được ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên