Giải phong trào nở rộ khiến các trọng tài có thêm thu nhập và muốn làm phong trào hơn là theo con đường chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt - Ảnh: VIÊN LÊ
Trưởng ban trọng tài LĐBĐ TP.HCM (HFF) Hoàng Ngọc Tuấn cho biết dù lượng học viên đăng ký theo học các lớp trọng tài sơ cấp rất đông nhưng họ rơi rụng dần khi bước vào con đường trọng tài chuyên nghiệp.
Lý do là nhiều học viên chỉ muốn theo học để cầm còi ở sân chơi phong trào cho... khỏe. Nhưng một nguyên nhân quan trọng khác mà các cựu trọng tài thừa nhận là các trọng tài hiện tại ít đam mê với nghề và do thu nhập không cao.
Lò đào tạo trọng tài khó tìm người
Trước đây, khi tuyển chọn trong đào tạo, ban trọng tài HFF không quan trọng có hộ khẩu TP.HCM hay không. Nhưng việc các trọng tài có hộ khẩu ở tỉnh sau khi được đào tạo ra lại về quê làm việc khiến ban trọng tài HFF phải siết lại điều kiện hộ khẩu thành phố hoặc viết cam kết làm việc khi tham dự các lớp đào tạo trọng tài sơ cấp kể từ năm 2017.
Dù vậy, TP.HCM vẫn cứ bị "chảy máu" trọng tài. Theo đó, năm 2018 có 2 trọng tài xin nghỉ về quê làm việc. Năm 2019 là 3 trọng tài. Khi ra đi, họ chỉ đền bù tượng trưng 2 triệu đồng/người cho một năm đào tạo.
Lý giải về việc khó tìm người, ông Hoàng Ngọc Tuấn nói: "Chúng tôi đi đến các trường đại học TDTT tại TP.HCM để tuyển người cho các lớp trọng tài rất nhiều nhưng hầu như không chọn được ai vì người có tố chất thì không có hộ khẩu thành phố, còn người có hộ khẩu thành phố lại không thích nghề trọng tài.
Đến các đội tuyển U19 và U21 TP.HCM để tuyển người đi học lớp trọng tài nhưng cũng không ai chịu tham gia dù tôi giới thiệu rằng công việc trọng tài cũng được đi đây đi đó, ra nước ngoài như các cầu thủ. Mặt khác, việc chuyển sang làm trọng tài chỉ trong trường hợp không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Dù vậy, các cầu thủ trẻ nói làm trọng tài nghe "mắng" nhiều nên thôi".
Cựu trọng tài FIFA Trương Thế Toàn, từng là quyền trưởng ban trọng tài LĐBĐ Hà Nội (HNFF), cho biết nhiều năm qua, Hà Nội cố gắng duy trì các lớp trọng tài kế cận nhưng cũng chỉ tìm được khoảng 10 người cho lực lượng kế cận.
Ông chia sẻ: "Đào tạo trọng tài cần phải có quỹ thời gian, ít nhất cũng vài năm. Do các trọng tài trẻ đang học đại học, nên chúng tôi vừa động viên vừa khuyến khích họ khi có thời gian rảnh thì đến sinh hoạt chung với ban trọng tài để có thể tìm nguồn bổ sung".
Ít người muốn làm trọng tài
Bình Dương là địa phương có lực lượng trọng tài rất đông do có rất nhiều giải đấu phong trào. Dù vậy, trưởng ban trọng tài LĐBĐ Bình Dương Phạm Anh Dũng vẫn than vãn gặp khó khăn trong tìm nguồn trọng tài để đào tạo chuyên nghiệp.
Ông nói: "Hiện tại chúng tôi không tìm ra nguồn nhân lực để đào tạo. Đội ngũ trọng tài ở Bình Dương đa phần là các giáo viên thể dục, nhưng chúng tôi có ít giáo viên trẻ, trong khi muốn tuyển chọn để gửi đến lớp đào tạo trọng tài sơ cấp quốc gia của VFF thì bị giới hạn độ tuổi 18 đến 25.
Hơn nữa, điều kiện kinh tế ở Bình Dương ngày một tốt lên cũng khiến người trẻ không thích làm trọng tài mà làm việc khác có thu nhập tốt hơn. Mấy năm qua, đội ngũ trọng tài điều hành Hội khỏe Phù Đổng của Bình Dương cũng chỉ quanh quẩn 45 người mà không tìm ra người mới để đào tạo trọng tài chuyên nghiệp".
Tương tự như Bình Dương, hầu hết các trọng tài trẻ tại TP.HCM hiện tại đều thường là giáo viên, công chức hoặc làm việc ở các trung tâm. Muốn đi làm ở các giải trẻ quốc gia cũng mất 2 tuần cho một lượt đi. Xin cơ quan đi dài ngày như vậy đã là rất khó nhưng thu nhập có khi lại còn... ít hơn so với ở nhà.
"Đi giải trẻ quốc gia cao lắm làm được 5 trận, thu nhập được 6-7 triệu đồng. Trong khi ở nhà vẫn có số tiền đó, thậm chí còn nhiều hơn do họ phối hợp mở các trung tâm bóng đá cộng đồng, vừa thu nhập tốt lại không bị... mắng, ai chịu làm trọng tài?", một cựu trọng tài của TP.HCM chia sẻ.
Giải bài toán đào tạo trọng tài
Ông Phạm Anh Dũng (Bình Dương) cho rằng muốn có trọng tài để đào tạo, VFF cần giao chỉ tiêu mỗi địa phương có ít nhất 5 người theo học lớp đào tạo trọng tài sơ cấp quốc gia thay vì chỉ thông báo thời gian mở lớp như thời gian qua mà tỉnh nào có người thì dự, không có thì thôi.
Ông Dũng chia sẻ: "Chỉ cần 30/63 tỉnh thành cử 5 trọng tài tham dự khóa học hằng năm, ban trọng tài VFF đã có 150 trọng tài để đào tạo, một cái nền lớn để tuyển chọn ra được 10 hay 15 trọng tài giỏi. Còn hiện tại, các tỉnh cử đi 3-4 trọng tài học lớp sơ cấp quốc gia nhưng lên học lớp nâng cao chỉ còn 1-2 người nên quá ít để lựa chọn.
Bên cạnh đó, VFF nên cho những trọng tài trên 25 tuổi được học dự thính và nếu thấy giỏi có thể đặc cách thay vì đóng khung trong độ tuổi 18 đến 25 như hiện tại. Có như thế mới không bỏ sót những trọng tài có tố chất nhưng lại quá tuổi".
Ông Hoàng Ngọc Tuấn đề xuất cần rút ngắn quá trình trở thành trọng tài chuyên nghiệp. Ông nói: "Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với VFF để mở lớp trọng tài sơ cấp quốc gia tại địa phương. Học xong lớp này, các trọng tài đủ điều kiện sẽ được học ngay lớp trọng tài nâng cao của VFF tổ chức thay vì phải học lớp sơ cấp quốc gia trước rồi mới đến nâng cao. Điều này nhằm giúp các trọng tài giảm còn một nửa thời gian để có thể bắt đầu trở thành trọng tài chuyên nghiệp".
Quy hoạch trọng tài FIFA
Ông Tuấn cho rằng ban trọng tài VFF cần phải quy hoạch lực lượng trọng tài FIFA cũng như động viên các trọng tài trẻ để họ có mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
Ông Tuấn nói: "Mỗi năm chúng ta đều cử trọng tài và trợ lý trọng tài thi đẳng cấp FIFA. Vì thế, với các trọng tài có tiềm năng phát triển, VFF cần quy hoạch sớm cũng như động viên để họ phấn đấu nâng cao thể lực cũng như ngoại ngữ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận