Cả ba nhà mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone đều đang cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ mạng di động 5G - Ảnh: THÁI SƠN
Các thông tin trên được chia sẻ tại cuộc tọa đàm 5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?, do CLB các nhà báo công nghệ thông tin tổ chức ngày 17-12 tại Hà Nội.
Cấp phép kinh doanh chính thức 5G trong năm 2021
Hiện ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm thương mại. Ông Nguyễn Phong Nhã, phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, đánh giá: "Đưa công nghệ 5G vào sử dụng là một bước đi mạnh dạn hơn trên thị trường, người dùng có thể trải nghiệm các tính năng mà 4G không cung cấp được, cơ hội để doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, cơ hội để doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G".
Tuy nhiên theo nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng, khi nói đến cơ hội của 5G cũng phải nói đến thách thức đi kèm. "Cơ hội cho Việt Nam cũng có nhiều đối tượng: nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất thiết bị, nhà nước, người dùng. Phải hài hòa lợi ích các bên" - ông Thắng lưu ý.
Ông Thắng cũng cho rằng: "Không hy vọng 5G triển khai rộng rãi ở nông thôn như 3G, 4G, mỗi người dùng 1 smartphone 5G. Vì cự ly truyền sóng thấp, nhà mạng sẽ rất tốn kém".
Ông Lê Nam Thắng đặt vấn đề "Nên triển khai 5G thời điểm nào?". Theo ông, đây là một bài toán quan trọng đối với các nhà quản lý, vì "triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp".
"Mục tiêu, kỳ vọng của bộ là triển khai sớm ngay trong 2021", ông Nhã cho biết.
Theo các nhà mạng, tốc độ 5G thử nghiệm cao gấp hơn 10 lần 4G - Ảnh: T.HÀ
Giá cước 5G sẽ như thế nào?
Đại diện các nhà mạng đều có chung câu trả lời là "hiện nay phải tuân thủ quy định chung. Nhưng các gói cước và cách tính cước cơ bản dựa trên nền tảng của dữ liệu 4G".
Giải đáp về việc chuyển sang dùng mạng 5G, người dùng có phải đổi SIM, đại diện các nhà mạng cho hay: Về công nghệ, hiện việc phát triển 5G như đợt thử nghiệm thì hầu hết các nhà mạng phát triển trên cơ sở gần như không phải đổi SIM, vì phát triển trên nền tảng tương đối thuận tiện cho khách hàng. Nhưng thiết bị đầu cuối phải chuyên dụng cho 5G. Mới có ít hãng bắt đầu cung cấp tại Việt Nam, với số lượng còn rất hạn chế.
Theo ông Lê Bá Tân, phó tổng giám đốc Công ty mạng lưới Viettel, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 8.000 thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G. Hiện Viettel cho phép thuê bao có nhu cầu thử nghiệm miễn phí 5G giai đoạn đầu đăng ký tự động, sau đó nhắn tin. Nhưng do phạm vi phục vụ mạng hẹp, chỉ xung quanh ba quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, tại TP.HCM chỉ ở quận 1 và quận 10, nên mới có vài trăm thuê bao đăng ký thử nghiệm dịch vụ 5G trong hai tuần qua.
"Số liệu quy hoạch trên mạng lưới Viettel năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu thuê bao 5G", ông Tân cho biết.
Trong khi đó, ông Mai Hồng Anh, giám đốc trung tâm R&D của MobiFone, cho biết: "Bắt đầu thử nghiệm, nên số lượng khách hàng tham gia chưa đáng kể. Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể".
Còn ông Nguyễn Văn Yên, trưởng ban công nghệ VNPT, cũng chia sẻ thông tin: "Theo ước tính của chúng tôi, thiết bị đầu cuối 5G hiện cả nước có trên 10.000. Số lượng máy tham gia thử nghiệm chưa nhiều".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận