Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh - Ảnh: Đ.B.
Đại biểu Trần Minh Lâm đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết thực trạng cán bộ, công chức nghỉ việc, bỏ việc trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đồng thời ngành có giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Trong khi đó, đại biểu Hồ Ánh Tuyết đặt vấn đề về các chính sách đào tạo sau đại học, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua thực hiện ra sao.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách này. “Liệu nghị quyết lần này có đảm bảo tính hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác, làm việc tại tỉnh chúng ta hay không và vì sao”, bà Tuyết nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Trí cho biết thực trạng công chức thôi việc, nghỉ việc thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn biến chung theo xu hướng của xã hội.
Không riêng gì Hậu Giang mà các tỉnh, thành khác đều có tình trạng này, tập trung lĩnh vực y tế và giáo dục.
Cụ thể, tỉnh Hậu Giang từ đầu năm đến nay có 201 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, trong đó lực lượng viên chức ngành y tế, giáo dục chiếm 80%, ngoài ra cấp xã có 20 cán bộ, công chức thôi việc.
Theo ông Trí, có nhiều nguyên nhân như thu nhập, môi trường làm việc, áp lực công việc… và cũng có tình trạng cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu trong thực thi công vụ nên cũng xin nghỉ việc.
Tiếp tục chất vấn ngành nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Giang cho rằng biên chế của Hậu Giang ít hơn các tỉnh thành trong cả nước. Trong khi đó, tỉnh tiếp tục đề án tinh giản biên chế, vậy “lộ trình cũng như làm thế nào để công chức đảm đương được công việc trong tình hình mới”.
Đại biểu Nguyễn Thị Giang chất vấn lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Đ.B.
Ông Trí cho biết biên chế của tỉnh Hậu Giang đứng thứ 61/63 tỉnh thành, rất ít so với mặt bằng chung của khu vực. Tỉnh đang thực hiện theo quyết định 82 của Ban Tổ chức Trung ương giai đoạn 2022-2026, tiếp tục giảm thêm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Ngoài ra, tỉnh còn phấn đấu tinh giản thêm 5% biên chế công chức và 5% viên chức ngoài lộ trình của trung ương. Tính chung là giảm 10% biên chế công chức và 15% biên chế viên chức là điều hết sức khó khăn.
Đến năm 2026, tỉnh Hậu Giang còn 1.397 biên chế công chức và 12.666 biên chế viên chức, giảm số lượng rất lớn so với số hiện tại. Phương châm và chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, ủy ban tỉnh trong thời gian tới là lấy chất lượng bù vào số lượng.
“Làm sao chất lượng cán bộ nâng lên nữa để 1 người làm bằng 2-3 người, 1 người làm 2-3 công việc để bù vào số lượng hiện nay chúng ta đang thiếu. Phương châm của chúng tôi là làm sao tuyển chọn được cán bộ mới để có nguồn kế thừa”, ông Trí nói.
Ông cũng cho biết bằng nhiều giải pháp đồng bộ, lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2026 của tỉnh sẽ đạt được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận