08/12/2022 13:46 GMT+7

Đại biểu chất vấn giám đốc Sở Công Thương TP.HCM vụ 'rau không sạch núp bóng rau sạch'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề hiện nay thói quen đi siêu thị của người dân dần phổ biến. Nhưng qua vụ việc rau không sạch vào siêu thị, giải pháp nào để lấy lại niềm tin của người dân vào hệ thống bán lẻ?

Đại biểu chất vấn giám đốc Sở Công Thương TP.HCM vụ rau không sạch núp bóng rau sạch - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 8-12, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X, đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ về tình hình cung ứng xăng dầu, hàng hóa Tết, phát triển hệ thống siêu thị, phát triển ngành logistics, an toàn thực phẩm...

Rau dỏm vào siêu thị lại được nêu ra

Trong đó, đại biểu Phạm Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề: hiện nay thói quen đi siêu thị của người dân dần phổ biến. Tuy nhiên thời gian qua có hiện tượng rau không sạch núp bóng rau sạch vào siêu thị. Đại biểu này cho rằng cần có giải pháp để tăng niềm tin của người dân vào các điểm bán lẻ hàng hóa.

Trả lời chất vấn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết vấn đề này xuất phát từ sai phạm của nhà cung cấp cho các chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, cũng là do cơ quan quản lý chưa kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.

Thông qua báo chí và người dân, công tác quản lý đã được chấn chỉnh. Chính các kênh phân phối cũng đã vào cuộc rà soát kỹ lưỡng hơn, giám sát quá trình sản xuất và phân phối. Thời gian qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cũng tăng cường kiểm tra hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và các kênh phân phối.

Về phía Sở Công Thương, đơn vị này thường xuyên làm việc với hệ thống phân phối và các đơn vị sản xuất, cung ứng để nhắc nhở. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có các quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ, cụ thể hơn từ khâu sản xuất đến khi hàng hóa ra thị trường.

Đại biểu chất vấn giám đốc Sở Công Thương TP.HCM vụ rau không sạch núp bóng rau sạch - Ảnh 2.

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Sở Công Thương - Ảnh: HỮU HẠNH

Tiến tới tự chủ năng lượng điện

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Hồng Thanh cho biết TP.HCM có nhu cầu năng lượng rất lớn, chiếm khoảng 10% nguồn điện của cả nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này của TP đang đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt.

Đại biểu này đề nghị giám đốc Sở Công Thương thông tin về chiến lược phát triển điện, giải pháp tiến tới tự chủ nguồn năng lượng này cũng như công tác phát triển điện áp mái.

Về vấn đề này, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết mỗi năm, TP tiêu thụ khoảng 25 tỉ kWh điện. Tuy nhiên, hiện nay TP không chủ động được nguồn cung mà tiếp nhận từ Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các khu vực xung quanh.

Ông Vũ cho rằng TP.HCM phải chủ động được năng lượng điện để đảm bảo an ninh. Do đó, thời gian qua TP đã kiến nghị Bộ Công Thương và được Thủ tướng đưa vào quy hoạch Nhà máy điện Hiệp Phước tại quận 7 với công suất 1.200 MW giai đoạn 1 và và 1.500 MW giai đoạn 2.

Công suất tối đa mà ngành điện TP.HCM cần trong giai đoạn hiện nay là 4.300 MW. Nếu nhà máy tại quận 7 đi vào vận hành cả hai giai đoạn thì TP sẽ tự chủ được nguồn năng lượng này.

Còn về điện mặt trời, TP.HCM là một trong những địa phương phát triển điện áp mái theo quyết định của Thủ tướng. Hiện TP có khoảng 14.100 hộ gia đình, xí nghiệp, cơ quan đơn vị lắp điện mặt trời với công suất 386 MW.

Tuy nhiên quyết định này đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương đang tính toán lại giá mua điện mặt trời nên TP đang gặp khó. Chủ tịch UBND TP vừa qua đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với ngành điện TP và Viện Năng lượng thực hiện đề án điện áp mái. Theo tính toán công suất cực đại của TP là 6.300 MW. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng cho TP cơ chế đặc thù phát triển điện áp mái.

Hiện nay, 45% điện phục vụ tiêu dùng, 35% cho sản xuất. Do đó, ông Vũ cho rằng nếu các hộ gia đình có điều kiện phát triển điện áp mái thì đây sẽ là một trong các nguồn góp phần tự chủ điện cho TP.

Phân bổ biên chế theo nhu cầu thực tế của các đơn vị

56488e4b9fbb46e51faa

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu - Ảnh: HỮU HẠNH

Cũng trong sáng nay, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã thông tin về vấn đề biên chế, việc chuyển huyện lên quận của TP...

Theo đó, ông Nhân cho biết hiện nay các đơn vị đang tích cực hoàn thành các đề án nhánh trong đề án sắp xếp các huyện thành quận hoặc TP trong tháng 12-2022 và sẽ hoàn thành trong quý 1-2023.

Liên quan đến vấn đề biên chế, ông Nhân cho biết UBND TP có tờ trình trình HĐND xem xét. Sở Nội vụ cũng đã làm việc với tất cả đơn vị sở ngành, các địa phương để có con số chính thức. UBND TP đã có văn bản tạm dừng tuyển dụng cho đến khi có nghị quyết của HĐND TP.

UBND TP sẽ ban hành quyết định về chỉ tiêu biên chế cho sở ngành, quận huyện sau khi có nghị quyết, sẽ tham mưu phân bổ biên chế theo vị trí việc làm, nhu cầu thực tế của các đơn vị.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho hay đã có xem xét đến biên chế của ngành y tế và giáo dục. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu rõ trong trường hợp tăng thêm giường bệnh, phòng học thì được phép tuyển dụng mới. Trên cơ sở đó, sở sẽ căn cứ vào đề án vị trí việc làm mà các đơn vị, địa phương xây dựng để phân bổ nhân sự hợp lý.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản yêu cầu điều tra rau VietGAP dỏm Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản yêu cầu điều tra rau VietGAP dỏm 'biến hình' vào siêu thị

TTO - Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, loạt bài "rau VietGAP dỏm biến hình vào siêu thị" của báo Tuổi Trẻ cho thấy việc vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của nhân dân.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên