Để bắt sìa, bọn trẻ chúng tôi chỉ cần mò tay xuống lỗ ấy là bắt được. Ngoài ra, khi mùa hè đến, ao hồ cạn, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi mò sìa.
Sìa nhiều nhất là vùng Bàu Nghè (rộng khoảng 50ha) thuộc thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn (Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ở đây trữ lượng ốc bươu và sìa nhiều nhất khu vực TP Đà Nẵng.
Con sìa (có nơi gọi là con vọp, con dộp dộp) thuộc họ nghêu, sò; sinh sống chủ yếu dưới bùn, có nhiều ở các đầm, ao, bàu, hồ, kênh, rạch. Khi còn nhỏ có màu xanh đen, khi lớn có màu xám đen; di chuyển bằng cách thè lưỡi ra bơi trong nước.
Khi có tiếng động thì chúng ngậm chui xuống bùn trốn. Sìa bắt về chế biến thành các món ngon như luộc, hấp, nướng, nấu cháo, làm mọc...
Để cho các món ăn từ sìa khi chế biến không có mùi bùn, cần phải ngâm qua nước vo gạo một đêm để sạch các chất nhờn và được chùi rêu mốc bám trên mình, rửa sạch lần cuối cùng trước khi chế biến các món ăn. Sau đây là vài món ăn hấp dẫn từ sìa.
- Sìa hấp lá chanh (có khi là lá gừng) rất độc đáo. Sìa hong sơ vừa há miệng vỏ. Lấy từng lá chanh hay lá gừng nhét vào trong vỏ sìa, sau đó đem hấp.
Khi ăn, dùng tay gỡ sìa ra chấm với muối tiêu chanh hay nước mắm Nam Ô có ớt, gừng. Thịt sìa hòa quyện với hương vị lá chanh, lá gừng làm cho món ăn có hương vị rất riêng.
- Sìa om (um): Trộn đều sìa đã luộc với các loại gia vị như ớt, sả, tiêu, dầu... rồi om cho gia vị thấm vào thịt sìa. Có nơi người ta còn thêm ít đọt rau sưng cho sìa có hương vị hấp dẫn hơn.
- Cháo sìa: Lấy nước luộc sìa nấu nếp hoặc gạo cho nhừ. Luộc sìa vừa chín lấy thịt xào, om với các loại gia vị và nêm vừa ăn.
Khi cháo nhừ, bỏ sìa đã chế biến vào xoong, nêm bột nêm, gia vị, nhắc xuống múc ra tô và bỏ thêm các loại rau thơm như rau răm, rau húng, ớt xắt lát lên trên tô cháo, ăn nóng. Cháo sìa ăn rất mát.
- Mọc sìa: Luộc sìa đến khi vừa há vỏ thì nhắc xoong xuống, gỡ lấy phần thịt bên trong để ráo nước rồi băm nhuyễn (có thể thêm một ít thịt heo nạc, nấm mèo vào băm cùng). Sau đó, cho vào ít tiêu bột, bột nêm, đường, đậu phộng rang giã giập, bún tàu…, rồi bỏ vào 2-3 quả trứng gà (vịt), đánh đều.
Lấy những chiếc lá chuối vừa tầm đã hơ lửa xong cho vào chén ăn cơm rồi múc hỗn hợp sìa băm nhuyễn đổ vào đến khoảng ba phần tư chén là vừa.
Thêm một ít rau thơm như ngò gai, húng, rau răm, hành… Túm các góc của lá chuối và buộc lại bằng dây ni lông xong cho vào nồi nước đang sôi hấp cách thủy.
Đợi khoảng 15 phút là có thể thưởng thức được. Trước khi ăn, dùng dao thật bén cắt ra thành từng miếng vuông vức vừa miệng. Món này ăn kèm với rau sống, khế, chuối chát… rất ngon và lạ.
Ở quê tôi, các bà mẹ quê còn nấu canh sìa với rau muống, rau lang, bồ ngót, mồng tơi, chuối chát… hoặc xào sìa với sả, ớt, nghệ. Lúc sinh thời, ông tôi cho hay sìa có tính hàn, nên phải ăn kèm với lá chanh, gừng, sả, ớt... là những thực vật tính nhiệt để vừa trung hòa cho hợp với tỳ vị, vừa tạo món ăn được thơm ngon.
Du khách đến vùng đất An Ngãi sẽ được thưởng thức món cháo sìa thơm ngon mà không phải dễ tìm.
Khi thưởng thức món cháo sìa, họ cũng có thể nghe "chuyện xưa" kể về một cô gái xinh đẹp ở làng An Ngãi, người có nghề bắt sìa và thường mời người bạn trai quê ở miền biển Thanh Khê đến thưởng thức món cháo sìa cùng cô.
Không ai biết liệu người con trai đó đã mê cô gái hay mê món cháo sìa của cô gái nấu hơn mà sau này họ đã trở thành vợ chồng. Về sau còn lưu truyền câu ca: "Mời anh ăn bát cháo sìa / Bởi công em bắt ở đìa ruộng sâu / Cháo sìa nghĩa nặng tình sâu / Thơm ngon, bùi béo, đậm màu quê hương / Mai này anh có vấn vương / Em xin theo khắp nẻo đường cùng anh...".
Mục Ẩm thực của Tuổi Trẻ Online mong muốn nhận được bài viết từ bạn đọc muôn phương.
Các bạn có thể gửi bài kèm ảnh hoặc video về email tto@tuoitre.com.vn, đề gửi bài mục Ẩm thực.
Bài được chọn đăng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định chung của báo Tuổi Trẻ.
Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận