01/11/2024 16:14 GMT+7

Mổ xẻ vụ bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên

Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) động cơ rắn có tầm bay xa kỷ lục, đánh dấu một chương mới trong chương trình phát triển ICBM của Bình Nhưỡng.

Chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên có gì - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng 31-10 - Ảnh: YONHAP

Sáng 31-10, quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản đồng loạt thông báo về một vụ phóng tên lửa từ phía Triều Tiên về phía vùng biển Nhật Bản, hay còn được gọi là biển đông của bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên công bố video phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-19 - Nguồn video: AFP - KCNA

Ngay sau đó, các nhà phân tích quân sự nhanh chóng phát hiện tầm bay của tên lửa mới này dài nhất từ trước đến nay và thậm chí có thể bay đến mọi nơi tại Mỹ. Họ cũng kết luận đây chính là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Bình Nhưỡng mới phát triển.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa đạt độ cao tối đa hơn 7.000km và bay được hơn 1.000km trong vòng 86 phút trước khi rơi xuống ngoài khơi bờ biển Hokkaido, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Truyền thông Triều Tiên cũng xác nhận vụ phóng tên lửa mới có tên Hwasong-19 này là một thông điệp của Bình Nhưỡng gửi đến “các đối thủ” về năng lực vũ khí mạnh mẽ của nước này. Phía Bình Nhưỡng cũng cho biết Kim Ju Ae -  con gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un - cũng tham gia thị sát buổi phóng thử này.

Những vụ thử ICBM

Theo Đài Al Jazeera, lần gần đây nhất mà Triều Tiên thử ICBM là vào tháng 12-2023, với vụ phóng tên lửa Hwasong-18. Đó cũng là lần thứ ba Bình Nhưỡng thử loại vũ khí này.

Tổ chức 38 North ở Mỹ chuyên giám sát tình hình Triều Tiên cho biết Hwasong-18 bay được hơn 1.000km trong thời gian bay 73 phút và đạt độ cao tối đa hơn 6.000km.

Hwasong-18 cũng có nhiều sự thay đổi so với mẫu tên lửa Hwasong-17 trước đây. Cụ thể, Hwasong-18 là tên lửa nhiên liệu rắn, an toàn hơn và dễ điều khiển hơn so với các tên lửa được phóng bằng nhiên liệu lỏng.

Hơn nữa, các tên lửa được phóng bằng nhiên liệu rắn cũng không cần phải nạp thêm nhiên liệu ngay trước khi phóng. Vì vậy, các tên lửa nhiên liệu rắn cần ít hỗ trợ ở khâu hậu cần hơn, giúp chúng khó bị phát hiện hơn so với các vũ khí nhiên liệu lỏng.

Ngoài ra, nhiên liệu rắn cũng cháy nhanh hơn giúp tạo ra lực đẩy để phóng tên lửa nhanh hơn. Nhiên liệu rắn có thể lưu trữ trong thời gian dài mà không bị hỏng hóc. Đây cũng chính là nhược điểm của nhiên liệu lỏng.

Tuy nhiên, để vận hành các tên lửa nhiên liệu rắn đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn. Theo 38 North, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn phát triển nhiều loại ICBM với nhiều lợi thế chiến thuật khác nhau như khả năng cơ động, tầm bắn và khả năng mang theo các vũ khí khác.

Các ICBM được thiết kế để có thể bay xa và mang theo các vũ khí khác như các đầu đạn hạt nhân. Trong đó, tên lửa Hwasong-17 được thử nghiệm lần đầu năm 2022 có động cơ kém nhưng lại có tải trọng “khủng” khi có thể mang theo tên lửa đa đầu đạn và bom khinh khí (bom H) siêu lớn.

Tên lửa Hwasong-15 được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017 có kích thước nhỏ hơn nhưng lại có tính cơ động cao hơn.

Triều Tiên còn có vũ khí nào?

Theo dự án phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, kể từ năm 1984 Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa và thử vũ khí hạt nhân, bao gồm các tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tên lửa hành trình tầm thấp và tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng còn sở hữu kho vũ khí với ít nhất hàng chục đầu đạn hạt nhân, và có khả năng quốc gia này tích trữ đủ vật liệu để chế tạo thêm nhiều đầu đạn hạt nhân hơn nữa.

Vụ thử vũ khí hạt nhân gần nhất là vào năm 2017 và vũ khí này được cho là có sức công phá mạnh hơn gấp 10 lần so với những quả bom từng thả xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.

Cũng theo CSIS, một số tên lửa nổi tiếng của Triều Tiên có thể kể đến tên lửa Scud được phát triển dựa trên công nghệ của Liên xô, tên lửa đạn đạo tầm trung No-Dong. Gần đây, Bình Nhưỡng cũng thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 và KN-25.

Lý do thử ICBM vào lúc này?

Giới quan sát nhận định Triều Tiên quyết định phóng thử Hwasong-19 mới trong thời điểm này như một cách để Bình Nhưỡng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, khi hàng loạt sự kiện quốc tế quan trọng đang và sắp xảy ra.

Trả lời Hãng tin Reuters, ông Shin Seung Ki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về quân đội Triều Tiên tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, cho biết vụ phóng thử ICBM hôm 31-10 là lời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không khuất phục trước những áp lực từ quốc tế, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin về việc nước này gửi binh sĩ đến hỗ trợ Nga ở chiến trường Ukraine.

Chuyên gia này cũng nói thêm vụ thử tên lửa có thể là thông điệp của Triều Tiên nhằm chứng tỏ việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ có khả năng đáp trả bằng sức mạnh quân sự khi bị gây hấn không phải là lời nói suông.

Chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên có gì - Ảnh 3.Tên lửa Hwasong-19 của Triều Tiên 'có thể bay tới mọi nơi ở Mỹ'

Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới mang tên Hwasong-19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên