PGS Lê Ngọc Thành khám lại cho bệnh nhi vừa được phẫu thuật tim bằng phương pháp mới - Ảnh: Thúy Anh |
Cụ thể đường mổ chỉ khoảng 4-6cm với người lớn, 3-4cm ở trẻ em với hai mũi chỉ thép, thay vì đường mổ dài 15-20cm phải khâu tới tám mũi chỉ thép như thông thường.
Những bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng phương pháp này trong tuần qua tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện E gồm Hờ A Rua (18 tuổi, ở Yên Bái), Đỗ Kiên Cường (7 tuổi, ở Thái Nguyên), Nguyễn Thị Duyên (3 tuổi, ở Vĩnh Phúc), Đỗ Ngân Thương (3 tuổi, ở Thái Nguyên), Đỗ Văn Tập (10 tuổi, ở Bắc Ninh). Các bệnh nhân này đều bị thông liên thất.
Theo PGS-TS Lê Ngọc Thành - giám đốc Trung tâm tim mạch, nhờ đường mổ nhỏ ít xâm lấn và sự hỗ trợ của thiết bị nội soi nên bệnh nhân ít bị sang chấn và đã bình phục ngay trong tuần, không phải nằm viện 15-20 ngày như trước.
Để thực hiện kỹ thuật này, thay vì cưa toàn bộ xương ức để bộc lộ phần cần phẫu thuật như kinh điển, các bác sĩ chỉ cưa một phần thấp dưới xương ức, và đặc biệt là truyền dịch làm liệt tim theo đường ngược từ dưới lên thay vì thông thường là truyền từ trên xuống, giúp các phẫu thuật viên không động chạm đến động mạch chủ tránh gây chảy máu trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo chuyên gia về phẫu thuật tim mạch Đặng Hanh Đệ, vết mổ tim thông thường kéo dài đến tận chân cổ, để lại vết sẹo dài ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, nhất là ở nữ giới; đường mổ nhỏ giúp chị em từng được phẫu thuật tim bẩm sinh tự tin hơn.
Đây cũng là kết quả của đề tài khoa học cấp bộ mà ông Đệ cho rằng có hiệu quả trong điều trị các bệnh lý như thông liên thất, sửa van hai lá và tiến tới là các bệnh lý khác.
Theo PGS Thành, năm 2013 Trung tâm tim mạch đã triển khai và hiện thường xuyên phẫu thuật tim thông qua nội soi để điều trị các bệnh lý như thông liên nhĩ, thay van hai lá, sửa van hai lá...
Nội soi phẫu thuật tim có nhiều ưu điểm như thời gian bình phục nhanh, giảm sang chấn và đảm bảo về thẩm mỹ. Nhưng riêng bệnh lý thông liên thất thì không phẫu thuật qua đường bên phải của bệnh nhân như phương pháp nội soi hiện đang áp dụng, nên các bác sĩ đã triển khai nghiên cứu và từ tháng 8 vừa qua đã bắt đầu chuẩn bị để tiến hành mổ ít xâm lấn cho bệnh nhân bị thông liên thất.
Theo PGS Thành, bệnh nhân mắc các bệnh lý như thông liên thất, sửa van tim... từ 3 tuổi trở lên có thể được chỉ định áp dụng kỹ thuật này.
Theo ông Đặng Hanh Đệ, những năm gần đây nhờ kỹ thuật chẩn đoán hiện đại hơn nên tỉ lệ trẻ em được phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh đã tăng lên, khoảng 5-7 bé/1.000 trẻ em.
“Trước đây khi chuyên gia nước ngoài đến VN chúng tôi rất xấu hổ khi dẫn họ vào khu vực phẫu thuật. Nhưng giờ chúng tôi rất tự hào, nhiều chuyên gia nói bên nước họ thiết bị và phương pháp phẫu thuật cũng như VN thôi, VN đã có bước tiến dài trong phẫu thuật và can thiệp tim mạch”- ông Đệ đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận