Logistics bùng nổ nhờ thương mại điện tử
Thuật ngữ logistics đã xuất hiện từ lâu và là một phần của chuỗi cung ứng liên quan đến việc lưu trữ và vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ. Hiểu khái quát, logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, quản lý chuỗi cung ứng là một bức tranh lớn liên kết các quy trình kinh doanh của các công ty, bao gồm sự hợp tác giữa nhà cung cấp, đối tác, nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam. Dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Và đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỉ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 ASEAN chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Điều đó cũng đặt ra yêu cầu ngành Logistics - một mắt xích quan trọng trong thương mại điện tử - phải phát triển tương xứng để kịp thời đáp ứng sự thay đổi của thị trường.
Theo Khảo sát doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Vietnam Report công bố tháng 2-2022, Logistics thuộc top 2 những ngành tăng trưởng mạnh nhất, chỉ sau Công nghệ thông tin. Với nhu cầu không ngừng gia tăng, cơ hội việc làm của ngành này cũng không ngừng được mở rộng, đi kèm với mức thu nhập đầy hứa hẹn.
Nhu cầu nhân lực lớn, mức thu nhập ấn tượng
Biểu đồ nhu cầu nhân lực ngành logistics của Việt Nam đến năm 2030 - Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
Là ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỉ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao trong khu vực, song nguồn nhân lực của ngành hiện nay chỉ có thể đáp ứng 10% nhu cầu thị trường.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm, theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam vào năm 2022.
Được đánh giá có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung, nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, với vị trí khởi đầu thường là nhân viên với mức lương khoảng 8 triệu đồng, và vị trí cấp cao có thể có mức lương lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Học viện Ngân hàng
Với triết lý giáo dục "toàn diện - sáng tạo - hội nhập", Học viện Ngân hàng áp dụng những phương pháp giảng dạy thực tiễn theo hướng ứng dụng thực hành dành cho sinh viên theo học ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng - Khoa Kinh doanh Quốc tế.
Với đội ngũ giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học uy tín trên thế giới, chuyên môn cao, giàu nhiệt huyết, sinh viên được tiếp cận chương trình học tiên tiến, được đào tạo kiến thức theo tiêu chuẩn quốc tế từ cơ bản đến chuyên sâu.
Bên cạnh đó, hàng loạt cuộc thi, tọa đàm trao đổi trực tiếp với chuyên gia, các chuyến đi thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp, workshop kỹ năng… được tổ chức thường xuyên giúp sinh viên được thực hành và tiếp cận thực tế sinh động bên ngoài giảng đường.
Đặc biệt, chương trình đào tạo cung cấp hệ thống giáo trình song ngữ, chú trọng đến việc phát triển năng lực tiếng anh chuyên ngành và các kỹ năng mềm cần thiết như thuyết trình, tư duy phản biện, tranh biện, làm việc nhóm hỗ trợ người học tự tin phát triển.
Chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - Khoa Kinh doanh Quốc tế Học viện Ngân hàng (Mã trường: NHH; mã ngành: IB02) là một điểm đến hứa hẹn dành cho sĩ tử trong mùa tuyển sinh 2023 sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận