Từ 15-12, các hãng hàng không Việt được khai thác bay thương mại quốc tế thường lệ trở lại - Ảnh: TỰ TRUNG
"Biết tin Việt Nam cân nhắc cho phép người nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần tương tự như người dân ở trong nước, tim tôi rộn ràng như thể ngày mai chuẩn bị lên chuyến bay về quê" - chị Trịnh Tuyết Linh, một người Việt Nam đang sống tại Hà Lan, nói với Tuổi Trẻ ngày 9-12.
Không chỉ tôi, rất nhiều người đều muốn trở về quê hương sau gần 2 năm dịch bệnh COVID-19 chia cắt chúng tôi với cha mẹ, anh chị em ở quê nhà. Lần gần nhất tôi về Việt Nam là tháng 2-2020, khi đó con tôi mới 1 tuổi. Nay bé đã 3 tuổi rồi.
Chị Trịnh Tuyết Linh
Sớm cập nhật thông tin để bà con thu xếp
Lúc này chị Linh chỉ mong cơ quan chức năng trong nước sớm có hướng dẫn cụ thể để có thể chủ động thu xếp công việc về thăm nhà Tết này. Trước thông tin người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính thì có thể được tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong một thời gian nhất định, chị Linh muốn biết thêm quy định với trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin đi cùng bố mẹ.
Chị Linh có hộ chiếu Việt Nam nhưng con trai 3 tuổi thì chưa, chỉ có visa ra vào Việt Nam trong 5 năm. Bé trai này cũng chưa đủ tuổi tiêm vắc xin COVID-19. Chồng chị Linh, người Hà Lan, cũng muốn về cùng vợ nhưng còn lấn cấn tình hình dịch bệnh có thể thay đổi, về rồi lỡ kẹt lại, công việc sẽ bị đảo lộn.
Cũng mong muốn sớm có được các thông tin hướng dẫn cụ thể, anh Laurent Trần Nguyễn, ở Helsinki, Phần Lan, đề nghị Chính phủ nên có cổng thông tin cập nhật tất cả các điều kiện yêu cầu với du khách nước ngoài như thủ tục miễn visa hoặc xin visa cập nhật. Trước dịch, hộ chiếu Phần Lan được miễn visa vào Việt Nam trong 15 ngày, nay do dịch bệnh, anh rất muốn biết quy định này còn áp dụng không.
Anh cũng băn khoăn nếu cần xét nghiệm âm tính thì xét nghiệm đó phải được thực hiện trong bao lâu trước khi lên máy bay. Nếu chuyến bay quá cảnh nhiều nơi thì kết quả xét nghiệm áp dụng với chuyến bay nào. Thực tế, một số nước yêu cầu xét nghiệm cần thực hiện trong vòng 72 giờ hoặc 48 giờ trước chuyến bay, không tính chuyến bay trước đó và thời gian quá cảnh ở các quốc gia khác.
Trước dịch COVID-19, hầu như năm nào gia đình anh Laurent cũng về Việt Nam 2 lần, mùa đông ở hơn 10 ngày, mùa hè ở cả tháng để con trai anh hiểu hơn về quê hương. Do phụ thuộc vào lịch học của con, anh dự định nếu về Việt Nam, cả nhà sẽ khởi hành vào hè năm sau.
Bên cạnh những băn khoăn về thủ tục, tiền vé cao cũng là chuyện nhiều người suy nghĩ. Trong ngày 9-12, chị Linh kiểm tra ngay thông tin các chuyến bay và lo ngại khi giá vé còn cao. Do có con nhỏ, chị tìm chuyến bay ít chặng dừng và muốn chọn chuyến bay thẳng từ Praha (CH Czech) về Nha Trang (quê chị) hiện có giá vé 2.440 euro một chiều.
Nếu đi cả nhà sẽ tốn một khoản lớn, gần 7.500 euro. Theo chị Linh, trước dịch, giá vé máy bay một chiều về Việt Nam chỉ khoảng 500 USD. Chị hy vọng thời gian tới khi có nhiều chuyến hơn, giá vé có thể giảm, còn khoảng 1.000 USD/vé thì hợp lý hơn và cũng trong khả năng của nhiều người.
Dù giá vé không phải vấn đề lớn với anh Laurent nhưng anh mong muốn các thủ tục phải rành mạch, được công bố rộng rãi, đảm bảo ổn định, chắc chắn vì từ châu Âu sang Việt Nam là một hành trình dài, không ai muốn những điều không chắc chắn.
Người Việt ở nước ngoài chờ có nhiều chuyến bay quốc tế thường lệ thay vì chỉ trông vào các chuyến bay giải cứu như trước - Ảnh: VNA
Sợ nhất về rồi khó trở lại!
Chia sẻ với Tuổi Trẻ sáng 9-12, anh Nguyễn Phi Thoàn - CEO Công ty du lịch và xúc tiến thương mại JV Solutions tại đặc khu kinh tế Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản - cho biết anh đã chờ đợi và theo sát mọi thông tin chính sách nhập cảnh trong nước suốt thời gian qua để chờ dịp thuận lợi về nước.
Vì thế, anh rất vui khi điều lấn cấn lớn nhất lâu nay là phải cách ly tới 7 ngày sau khi nhập cảnh dù đã chích ngừa đủ giờ đã được Chính phủ lưu tâm điều chỉnh, tạo điều kiện cho bà con người Việt về nước trong dịch bệnh.
Nhưng anh cũng nói ngay lúc này vẫn chưa thể đặt vé vì lại phải cân nhắc chính sách mới chỉ vừa được áp dụng tại Nhật Bản hôm 1-12. Để phòng ngừa nguy cơ từ biến thể mới Omicron, Nhật Bản đã tái áp đặt việc tạm dừng nhập cảnh với mọi du khách nước ngoài sau một thời gian nới lỏng. Hiện tại chỉ những trường hợp xuất cảnh một chiều (rời Nhật và không quay lại) được giải quyết thủ tục bay.
Chưa kể, nếu ở giai đoạn trước, ngay cả khi Nhật áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, những người có visa kinh doanh như anh Thoàn vẫn được tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn các visa khác, với chính sách mới từ 1-12, visa kinh doanh cũng không được ưu tiên hơn. Những điều này càng khiến anh "đau đầu" hơn và chưa dám đặt vé về nước dù biết tin chính sách ở quê nhà sẽ thay đổi.
"Tôi sẽ phải chờ đợi thêm xem có những điều chỉnh chính sách mới nào của Nhật rồi mới dám lên kế hoạch về quê Tết này" - anh Thoàn nói.
Sẽ được cách ly tại nhà
Hành khách bay từ sân bay Phú Quốc (ảnh) có thể làm thủ tục trực tuyến từ đầu tháng 12 này - Ảnh: mt.gov.vn
Từ tháng 7 trở lại đây, ông L.H.T., Việt kiều Mỹ có đầu tư tại Việt Nam, đã có 2 chuyến về nước làm việc, chuyến tháng 5 ông cách ly tập trung tại khu cách ly do quân đội quản lý trong 21 ngày, và chuyến gần đây ông cách ly tại một khách sạn ở Quảng Nam trong 7 ngày.
Chuyến tháng 7 vừa qua khi gần hết ngày cách ly, một người cùng tầng với ông có xét nghiệm dương tính, ông phải cách ly thêm 7 ngày, dù ông đã tiêm đủ 2 mũi và có 3 kết quả xét nghiệm âm tính trước khi về nước.
Cùng với đó là thức ăn không hợp khẩu vị, thời tiết mùa hè nên ông đã sụt khoảng 3kg.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, chi phí mua vé máy bay và cách ly tự nguyện tại khách sạn trong 7 ngày, bao gồm 3 bữa ăn, xe đón từ sân bay và phí xét nghiệm lên tới 70 - 95 triệu đồng/người nếu ở phòng đơn. Mức phí này cao gấp 5-7 lần tiền vé di chuyển từ Việt Nam đi nhiều nước châu Âu hiện nay.
Trong cuộc họp với các bộ liên quan ngày 8-12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Việt Nam đã tiếp nhận trên 200.000 chuyên gia, kỹ sư, lao động trình độ cao người nước ngoài, đồng thời tổ chức hàng trăm chuyến bay đón công dân có nhu cầu.
Tuy nhiên do Việt Nam đã ngưng chuyến bay quốc tế thường lệ từ tháng 3-2020, nhu cầu mở lại các chuyến bay thường lệ là cấp thiết, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mở lại đường bay quốc tế từ 15-12.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng cho biết đây là nhu cầu chính đáng và phải giải quyết khẩn trương, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Ông Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cách ly và theo dõi sức khỏe người từ nước ngoài nhập cảnh trước ngày 15-12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.
Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính, quy định hiện hành với người từ vùng dịch đến các địa phương khác trong nước chỉ cần cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong thời gian đảm bảo an toàn. Người chưa tiêm vắc xin cần bố trí khu cách ly với thời gian, điều kiện phù hợp, triển khai tiêm vắc xin cho bà con.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện trước khi mở lại bay quốc tế thường lệ, tức là trước 15-12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-12, một quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế cho biết bộ đang giao Cục Quản lý môi trường y tế xây dựng hướng dẫn. Theo Bộ Y tế, trước tháng 8-2021, thời gian cách ly tập trung với người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là 14 - 21 ngày, từ tháng 8 đến nay là 7 ngày và tới đây sẽ không phải cách ly tập trung, thay vào đó là cách ly tại nhà.
LAN ANH
Thúc đẩy công nhận hộ chiếu vắc xin
Ngày 9-12, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đang rất tích cực trao đổi với khoảng 80 đối tác về việc công nhận hộ chiếu vắc xin.
Tính đến đầu tháng 12-2021, đã có một số đối tác, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về loại vắc xin. Ấn Độ, Canada cũng đã nhất trí về mặt nguyên tắc. Một số đối tác khác trong đó có các nước ASEAN, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xem xét tích cực và chờ phía Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vắc xin thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.
Về phía Việt Nam, tính đến ngày 8-12 Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc xin của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
Đây là cơ sở để người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
ĐỖ DƯƠNG
Mong ngày rất gần, sân bay sẽ đông khách trở lại - Ảnh: N.THỊNH
Bay hai chiều, giá vé sẽ rẻ hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: "Chúng ta khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chúng ta mạnh dạn công bố với thế giới rằng Việt Nam đã từng bước trở lại bình thường".
Ông Đinh Việt Phương, giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet, nhận định: "Quyết định mở lại bay quốc tế được người dân chờ đợi, còn với doanh nghiệp hàng không, đây là thời khắc lịch sử".
Theo ông Lê Hồng Hà - tổng giám đốc Vietnam Arlines, với tần suất khai thác như Bộ Giao thông vận tải đề xuất sẽ đáp ứng được nhu cầu của hành khách người Việt về nước dịp cuối năm. Nếu nhu cầu của kiều bào về nước đông hơn, Vietnam Airlines sẵn sàng tăng chuyến, tăng tần suất để đáp ứng khi được phép.
Theo các hãng hàng không, do các chuyến bay hồi hương, combo tổ chức theo hình thức thuê chuyến, chỉ chở khách một chiều nên chi phí cao hơn so với bay thương mại thường lệ (chở khách 2 chiều). Nếu khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ chở khách 2 chiều thì chi phí của hành khách sẽ thấp hơn.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận