
Techcombank hợp tác với các tập đoàn tên tuổi như Masan, VinGroup... mỏ rộng hệ sinh thái - Ảnh: TCB
Nhiều ngân hàng tham vọng vươn tầm quốc tế
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 11-2024 đã đạt hơn 21,9 triệu tỉ đồng. Trong vòng 10 năm qua, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng hơn 3 lần, đặc biệt có những ngân hàng tư nhân tăng trưởng 5-6 lần như Techcombank, VPBank…
Theo The AsianBanker, năm 2024, có 7 ngân hàng Việt lọt Top 500 ngân hàng lớn nhất thế giới. Ngoài nhóm ngân hàng có vốn chi phối bởi Nhà nước, 2 ngân hàng tư nhân lọt top cũng là Techcombank (thứ hạng 468) và VPBank (thứ hạng 481).
Nhiều ngân hàng Việt cũng đã có tham vọng lọt top khu vực và thế giới. Chẳng hạn Vietcombank đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
Techcombank đặt mục tiêu vốn hóa 20 tỉ USD, nằm trong Top 10 ngân hàng tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, VPBank xác định chiến lược phát triển 5 năm (2022-2026) trở thành ngân hàng có vị trí vững chắc trong top 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đạt quy mô thuộc Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Tuy nhiên, xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, chưa có ngân hàng Việt nào lọt Top 10 trong bảng xếp hạng tổng tài sản, lợi nhuận và còn cách vị trí khá xa so với các ngân hàng Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Dù điểm đáng mừng là tỉ lệ sinh lời như ROA, ROE của nhiều ngân hàng Việt thuộc nhóm cao vượt trội.
Mô hình hệ sinh thái giúp tăng doanh thu và thị phần
Theo các chuyên gia tài chính, các ngân hàng Việt đã tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua nhờ tập trung mảng "ngân hàng thương mại", đặc biệt là hoạt động cho vay. Các sản phẩm tín dụng, từ vay tiêu dùng, vay mua nhà, đến vay sản xuất kinh doanh, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các ngân hàng.
Mô hình này giúp các ngân hàng mở rộng nền tảng khách hàng và duy trì nguồn thu ổn định từ lãi suất.
Tuy nhiên trong tương lai, khi hướng đến quy mô lớn hơn, đặc biệt là xứng tầm khu vực và thế giới thì mô hình kinh doanh của các ngân hàng Việt cần thay đổi. Đó có thể là đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy mảng "ngân hàng đầu tư", phát triển mô hình hệ sinh thái có sự hợp tác hiệu quả với những tập đoàn lớn khác.
Mảng "ngân hàng đầu tư" có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cũng là cơ hội cho các ngân hàng Việt trong kỷ nguyên mới với các dịch vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A), quản lý gia sản, tư vấn trái phiếu, bảo hiểm…
Đơn cử công ty quản lí quỹ Techcom (TCC) của ngân hàng Techcombank được biết đến là một trong những công ty quản lí gia sản đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển của các ngân hàng "mẹ".
Techcom Capital hiện đang quản lý 10 quỹ đầu tư đa dạng. Tính đến ngày 31-10-2024, tổng giá trị tài sản quản lý của Techcom Capital đạt hơn 14.000 tỉ đồng.
Ngay cả với hoạt động cho vay, các ngân hàng cũng có thể chuyển đổi mô hình, khai phá những ý tưởng kinh doanh mới để tăng trưởng nhanh và bền vững hơn. Chẳng hạn với cho vay bất động sản, việc hợp tác với các công ty bất động sản uy tín để cung cấp giải pháp vay mua nhà tích hợp, đồng thời hỗ trợ khách hàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp.
Có thể thấy ở mô hình hợp tác giữa Techcombank với Masterise và One Mount, khách hàng mua nhà tại các dự án của Masterise sẽ được sử dụng dịch vụ tài chính trọn gói kèm nhiều ưu đãi từ Techcombank. Đó là khách hàng được vay lãi suất thấp, đóng phí bảo hiểm tài sản và nhiều dịch vụ tài chính khác từ khi mua nhà cho đến lúc ở, sinh hoạt hàng ngày.
Cùng với One Mount, việc kết hợp công nghệ số và dữ liệu để tích hợp các sản phẩm tài chính như vay mua nhà, gói tài chính cá nhân vào một nền tảng duy nhất OneHousing đã giúp trải nghiệm giao dịch bất động sản trở nên nhanh chóng, thuận tiện.
Trên thực tế, các ngân hàng top đầu khu vực, hoặc trên toàn cầu hiện nay đều có dáng dấp tập đoàn tài chính với mô hình hệ sinh thái. Tại Việt Nam, mô hình hệ sinh thái cũng đã hiện diện với những tên tuổi dẫn dắt như Vingroup, Techcombank, Sovico, Viettel, Doji, Thế giới di động… Những hệ sinh thái này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bức tranh tài chính ngân hàng ở Việt Nam.
Mô hình hệ sinh thái mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu và thị trường cho các ngân hàng nhanh hơn nhiều so với tự mình phát triển tất cả các dịch vụ, tiện ích cho khách hàng. Và hơn hết, sự tích hợp dữ liệu khách hàng trong hệ sinh thái cũng giúp ngân hàng hiểu sâu hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm, nâng cao lòng trung thành và cá nhân hóa sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận