NSƯT Bảo Quốc là anh kép hài duyên dáng, kỳ cựu của sân khấu cải lương, sau đó hoạt động rất đa dạng ở lĩnh vực kịch nói, hài, phim ảnh nhưng vẫn chưa được phong NSND - Ảnh: LINH ĐOAN
1. Trong tâm trạng vui mừng, nghệ sĩ Minh Vương bày tỏ: "Không nhờ báo chí, công chúng ủng hộ chắc vấn đề này còn trôi nổi lắm… Tôi lớn tuổi rồi, nay vầy mai khác, có bạn đồng niên nay còn khỏe mai đã đột quỵ.
Mình còn sức ngày nào thì ráng hát phục vụ công chúng. Chỉ mong các cấp quan tâm sâu sát hơn để không bỏ sót, lãng quên những nghệ sĩ lớn tuổi mà cả đời họ đã yêu thương, cống hiến cho nghệ thuật nước nhà!".
Còn nhớ cách đây hơn một năm, trường hợp ba nghệ sĩ từng gây ồn ào và làm dư luận… nổi sóng khi bị đánh trượt, không đủ 90% số phiếu bình chọn của 5 hội đồng bình chọn chuyên ngành.
Thời điểm đó, người làm nghề và giới báo chí đã tỏ vẻ bất bình, nhiều bài báo đã lên tiếng đòi lại công bằng cho những nghệ sĩ có bề dày hoạt động và đóng góp nhiều cho nghệ thuật cải lương.
TP.HCM đã có kiến nghị, trên tinh thần cầu thị, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đã xem xét lại và kết quả cuối cùng phần nào làm công chúng hài lòng, dù thật tiếc nuối khi nghệ sĩ Giang Châu đã ra đi mà chưa kịp đón nhận danh hiệu này.
Nỗi niềm của nghệ sĩ Minh Vương cũng là tâm tư chung của nhiều nghệ sĩ hiện nay. Quy chế xét duyệt, phong tặng NSND - NSƯT đã bộc lộ những vấn đề bất cập, gây trăn trở, thậm chí bất mãn đối với người làm nghề.
Cứ mỗi đợt phong tặng, công chúng lại thấy lấn cấn khi có những nghệ sĩ có bề dày hoạt động nghề nghiệp, giỏi nghề nhưng không hề thấy tên, trong khi có gương mặt chưa tạo được ấn tượng đặc biệt lại có tên. Cứ thế, mỗi mùa trôi qua lại có những khoảng trống ngày càng mênh mông.
Có rất nhiều nghệ sĩ không muốn bị tổn thương nên người ta không làm hồ sơ, bởi họ đã có bề dày hoạt động như thế, được khán giả cả nước yêu mến, ở tuổi này mà sự công nhận bị đem ra xét tới xét lui rồi bị trượt, tổn thương chứ.
Đạo diễn Hoa Hạ
2. NSƯT Bảo Quốc là người được đánh giá quá xứng đáng bước vào hàng NSND. Thoảng nghe ông từng làm hồ sơ rồi bẵng đi không có chút động tĩnh gì.
Ông chia sẻ: "Tôi giờ như người đứng ngoài cuộc nên không có ý kiến gì về bản thân nhưng cũng có chút băn khoăn. Nếu xét dựa vào huy chương thì hơi kẹt. Hồi đó tôi có đủ huy chương nhưng là huy chương từ sân khấu kịch do tôi hoạt động khá đa dạng từ cải lương, kịch nói tới hài kịch, phim ảnh, chứ rất nhiều anh chị kỳ cựu bên sân khấu cải lương lấy huy chương ở đâu, chị Út Bạch Lan, Ngọc Hương… thi ở đâu lấy huy chương? Nhưng họ thực sự rất xứng đáng, khán giả yêu mến cải lương ai mà không biết đến họ?".
Còn rất nhiều nghệ sĩ cải lương tạo dấu ấn rất riêng, có thể kể ra như cố NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Thanh Điền, đạo diễn Hoa Hạ…; rồi Hồng Nga quá xuất sắc từ đào độc, đào bi đến đào lẳng cũng chẳng có được danh hiệu nào.
Nghệ sĩ Bạch Long là người thầy có công đào tạo ra lớp nghệ sĩ trẻ cải lương tuồng cổ nổi tiếng hiện nay vẫn chỉ là nghệ sĩ "trơn". Hay một thế hệ các cô đào tuồng cổ trước đây như Bạch Mai, Thanh Loan, Xuân Yến…
Không chỉ là những "khoảng trống" ở lĩnh vực cải lương mà khoảng trống ngày càng lớn ở lĩnh vực kịch nói, đặc biệt là đội ngũ các đơn vị kịch nói xã hội hóa ở TP.HCM. Nếu xếp "đẳng cấp" thì những Thành Lộc, Hữu Châu, Ái Như, Thành Hội… quá xứng đáng đứng vào hàng ngũ NSND.
Là một đạo diễn gắn bó lâu năm với các thế hệ nghệ sĩ vàng, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ cho rằng lòng tin của người trong nghề vào danh hiệu này ngày càng ít đi.
Phía sau sự công nhận đã có những xì xào về chuyện chạy thành tích, huy chương, hậu quả là ở mỗi mùa hội diễn cứ lặp lại tình trạng "mưa" huy chương. Thật - giả cứ thế lẫn lộn. Vì vậy, không ít nghệ sĩ lặng lẽ rút khỏi những cuộc "vinh danh" còn lắm những tâm tư này. Và vì vậy, cứ mỗi mùa phong tặng, sau chút niềm vui lại cứ nối tiếp một nỗi buồn…
Ông Phùng Huy Cẩn (vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch):
Đề xuất phương án sửa đổi nghị định 89
Trong việc tổ chức xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bộ luôn cố gắng nghiêm túc, công tâm, thực hiện theo đúng quy định của Luật thi đua khen thưởng và nghị định 89. Sau nghị quyết đặc biệt của Chính phủ vừa rồi, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch công việc thời gian tới của mình là tổng kết những cái được và chưa được, cái nào cần rút kinh nghiệm và sửa đổi của nghị định 89 sau hai kỳ xét tặng danh hiệu năm 2015 và 2018. Trên cơ sở đó mới đề xuất phương án sửa đổi nghị định lên Chính phủ cho phù hợp.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng ngay cả khi nghị định sửa đổi ra đời, chúng tôi cũng chỉ mong muốn nó tiệm cận được tốt nhất đến hiện thực đời sống chứ không mong nghị định nào có thể giải quyết thấu đáo, triệt để được tất cả nguyện vọng của mọi người, đặc biệt đối tượng lại là giới nghệ sĩ vốn nhạy cảm.
THIÊN ĐIỂU ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận