08/07/2018 14:50 GMT+7

Mình tin người, người mới tin mình

NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG
NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG

TTO - Câu chuyện nghề của người đàn ông bán đặc sản Nam Bộ trên những chuyến xe du lịch về miền Tây làm ấm lòng du khách.

Mình tin người, người mới tin mình - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Ba: “Buôn bán thật thà thì trời đất phù hộ. Làm ăn gian dối thì chỉ lừa được lần đầu thôi” - Ảnh: MỘC THIÊNG

Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc kể về người bán dạo chân chất ấy.

Tuần rồi, tôi có dịp du lịch về miền U Minh Thượng (Kiên Giang) và Cà Mau. Vì di chuyển nhiều, thời gian ít nên đoàn không thể ghé mấy cửa hàng đặc sản. Bác tài xế nói: "Nếu mọi người cần mua, tôi gọi người lên xe bán, đảm bảo chất lượng và giá rẻ hơn".

Trưởng đoàn đồng ý.

Gần một giờ sau, xe dừng trên đường đón người bán bánh dạo. Một người đàn ông hơi lớn tuổi, dáng lam lũ, khệ nệ bưng giỏ hàng lên xe.

Thú thật, ban đầu tôi hơi khó chịu vì mấy lần bị lừa khi mua hàng kiểu này. Nhiều khi người bán dạo lên xe là khách mất đồ, hàng thì trời ơi, may rủi.

Người bán hàng quệt mồ hôi trán, xởi lởi cười mời mọi người dùng thử bánh. Miệng nói tay làm, ông mời mọi người ăn thử bánh tráng sữa, nem, bánh cốm, bánh pía...

Vài người ái ngại, ông vồn vã: "Cứ ăn thử thoải mái, ưng thì mua, không thì thôi". Ông để mấy túi đồ cho khách lựa chọn, ăn trước và tự trả tiền sau như kiểu cửa hàng tiện lợi di động.

Du khách thấy người bán niềm nở, thật thà, bánh ngon, giá rẻ hơn nên mua nhiều. Ai mua tự chọn, tự giác trả tiền. Ông mời, khách tự tay chọn hàng, tự tính tiền, đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu. Và ông đã phải điện thoại lấy thêm hàng.

Lân la hỏi chuyện, tôi vỡ ra nhiều thứ. Ông tên Ba - Phạm Văn Ba, 56 tuổi, làm nghề bán dạo đã hơn 40 năm. Ban đầu bán ở phà Mỹ Thuận. Cầu xây, phà ngưng, ông dạt dọc đường bán dạo.

Tôi hỏi: "Ông bán vậy có khi nào bị ăn gian không trả tiền chưa?". "Chắc cũng có, nhưng ai gian người đó chịu tội. Mình tin người ta thì người ta mới tin mình".

Ông kể: "Bán dạo cũng là nghề, dù cơ cực. Buôn bán thật thà thì trời đất phù hộ, khách mua nhớ mặt nên lần sau mua nữa. Người này giới thiệu người kia. Có người quên trả tiền hoặc tính thiếu nên gửi bác tài trả cho tui chuyến sau.

Mình làm ăn đàng hoàng thì bác tài mới giới thiệu, cho lên xe. Làm ăn gian dối thì chỉ lừa được lần đầu thôi".

Ông chỉ mới học lớp 2, nói lời chân chất mà hiệu quả bán hàng đâu có thua "dân sale chuyên nghiệp"! "Có đoàn nào chỉ ăn thử mà không mua chưa?". "Chưa có, chắc họ sợ mình lỗ. Với lại hàng ngon và rẻ nên xe nào cũng mua".

Ông lấy hàng từ gốc, lấy tới đâu bán tới đó chứ không để lâu ngày. Không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá bán rẻ hơn.

Bác tài xế cho hay: "Tôi biết ông hơn chục năm trước, buôn bán rất thật thà nên ai cũng thương. Hai đứa con ông giờ nối nghiệp, phụ cha bán hàng. Ông lên xe thì chúng chạy xe máy theo, đón ông xuống hoặc lấy thêm hàng.

Ông dặn các con: Làm nghề này cực, không thể làm giàu nhưng sống được, cốt lõi là giữ chữ tín và tin khách". Bác tài còn kể: "Lâu lâu, ổng gửi mấy thùng mì tôm cho các đoàn từ thiện, của ít lòng nhiều".

Trước khi xuống xe, ông dúi vào tay bác tài và hướng dẫn viên mỗi người một bịch ổi đào để "ăn chơi lấy thảo" và cười hề hề. Cả xe ai cũng vui vẻ.

Cảm ơn người bán dạo dọc đường miền Tây Nam Bộ, ông đã cho tôi những bài học thực tế về kinh doanh. Đó là "Sự trung thực, hết lòng với khách", là "Mình tin người ta thì người ta mới tin minh", là "Muốn nhận phải biết cho".

Không phải ai cũng biết điều đó. Làm được lại càng ít.

Khi lòng tin bị giết chết. Nghĩ gì đây? Khi lòng tin bị giết chết. Nghĩ gì đây?

TTO - Những chiếc khăn lụa mềm mại mang thương hiệu Khaisilk đã là niềm tự hào của người Việt suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, đùng một cái, người tiêu dùng phát hiện mình bị lừa dối. Nghĩ gì đây?

NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên