07/09/2013 06:00 GMT+7

Minh bạch sẽ giúp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về xu hướng đầu tư Nhật Bản vào VN thời gian tới, ông Toyoaki Funakoshi, giám đốc điều hành Sumitomo Corporation VN, cho biết các nhà đầu tư hiện hữu lẫn nhà đầu tư mới đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng danh mục đầu tư tại VN.

8Wbo5hmH.jpgPhóng to
Công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) sản xuất máy may tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Đình Dân

Ông Toyoaki Funakoshi nói:

WwrZjJyZ.jpg
Ông Toyoaki Funakoshi - Ảnh: Như Bình
- Tính đến nay, Sumitomo đã đầu tư vào VN 19 dự án với số vốn đầu tư khoảng 17 tỉ yen (tương đương 170 triệu USD), danh mục dự án cũng khá đa dạng như tuyến tàu điện ngầm số 1, số 2 của TP.HCM, Khu công nghiệp Thăng Long, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2, cho đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu thô như sắt, thép, hóa chất... Trong năm nay, khoản đầu tư thứ hai của chúng tôi là mảng thương mại điện tử, đây cũng là mảng đầu tư mới ở thị trường VN. Chúng tôi muốn mở rộng lĩnh vực đầu tư nhằm tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, có thể tham gia hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo ra một chuỗi giá trị mới cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

* Là nhà đầu tư Nhật lâu năm tại thị trường VN, ông nhận xét gì về môi trường đầu tư VN sau nhiều năm?

- Chúng tôi đã quan tâm và có mặt ở thị trường VN từ rất lâu, cũng hơn 20 năm rồi và luôn muốn mở rộng đầu tư tại VN. Sự quan tâm mà nhà đầu tư Nhật dành cho thị trường VN đang ngày càng tăng lên rõ rệt. Nhưng nếu môi trường đầu tư VN minh bạch hơn thì tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đến VN. Thực tế số lượng nhà đầu tư Nhật đang tăng nhanh ở VN nhưng các bạn cũng đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như các nước châu Phi về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu vấn đề minh bạch không được cải thiện thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ VN để tìm miền đất khác.

* Vậy theo ông, so với các nước trong khu vực, VN đang có những ưu thế và bất lợi gì?

- Nếu so với Myanmar, tôi nghĩ VN có cơ sở hạ tầng tốt hơn, nền chính trị ổn định hơn. Nhưng so với Thái Lan hay Indonesia thì VN vẫn còn bị bỏ xa. Không chỉ có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, môi trường khá minh bạch, những nước này có nền công nghiệp phụ trợ cũng tốt hơn hẳn VN.

Tại Thái Lan chúng tôi có khoảng 1.500 nhà đầu tư Nhật Bản, ở VN khoảng 1.200. Hai con số này không chênh lệch nhau lắm nhưng ở VN, 80% doanh nghiệp Nhật tham gia Hội Doanh nghiệp Nhật Bản hoặc liên hệ chặt chẽ với các tổ chức của Nhật Bản ở nước ngoài tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan chỉ có 30%.

Điều này có nghĩa các doanh nghiệp Nhật ở Thái Lan tự tin về môi trường đầu tư, sự minh bạch trong thủ tục hành chính cũng như các chính sách Chính phủ Thái ban hành. Họ cảm thấy không quá cần sự giúp đỡ từ các hiệp hội, tổ chức. Ngược lại, nhà đầu tư Nhật Bản tại VN đều có nguyện vọng trở thành thành viên của hiệp hội vì họ gặp nhiều khó khăn khi đầu tư, kinh doanh và muốn thông qua hiệp hội để đề xuất những khó khăn đó lên cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo tôi, về lâu dài VN vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nếu sự minh bạch được cải thiện.

* Đâu là vấn đề khó khăn nhất mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Nhật gặp phải, thưa ông?

- Tôi nghĩ khó khăn nhất của không chỉ doanh nghiệp Nhật ở VN mà của hầu hết nhà đầu tư nước ngoài là luật pháp cũng như các quy định của VN nhiều lúc còn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư khó nắm bắt. Nhiều quy định gây mơ hồ, khó hiểu, một vài luật thì chồng chéo nhau, luật mới ban hành mâu thuẫn, khác biệt so với luật cũ, trong khi nhà đầu tư lại không được giải thích rõ ràng khiến họ cảm thấy bối rối. Sự không rõ ràng này làm cho thủ tục hành chính luôn ám ảnh các nhà đầu tư.

* Ông Masaki Yamashita (tổng giám đốc Ngân hàng Mitsibishi UFJ Vietnam):

Sau những doanh nghiệp lớn luôn cần có doanh nghiệp vừa và nhỏ

Năm 2011, Nhật Bản có 210 dự án đầu tư ở VN, đến năm 2012 con số này tăng lên 270 dự án và tám tháng đầu năm 2013 đã có 280 dự án. Kết thúc năm 2013 sẽ có khoảng 300 dự án đầu tư. Đã có một vài lo lắng rằng dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào VN giảm đi dù số lượng dự án tăng lên, theo tôi điều đó không cần thiết vì đã đến thời điểm của công ty vừa và nhỏ Nhật Bản vào VN.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện đã có ba ngân hàng Nhật lớn vào VN. Tôi thường được hỏi các ngân hàng Nhật có tiếp tục đầu tư vào VN nữa hay không? Câu trả lời là “khó có thêm ngân hàng Nhật nào nữa” vì hiện nay ba ngân hàng Nhật đã đầu tư vào ba ngân hàng lớn nhất ở VN. Hay những khoản đầu tư lớn từ Tập đoàn Tokyu đầu tư vào Bình Dương, Tập đoàn Idemitsu Kosan đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)... cũng đã hiện diện.

Phía sau sự xuất hiện của những công ty lớn rất cần những công ty nhỏ đi theo vì họ cần những công ty vệ tinh gia công thiết bị, cung ứng linh kiện để hoàn thành sản phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ VN phát triển chưa tốt, hầu hết công ty Nhật phải nhập khẩu nguyên phụ liệu gia công từ các nước khác để phục vụ sản xuất. VN cần có những chính sách hấp dẫn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này.

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên