Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đầu bếp lâu năm tại cửa hàng bánh cuốn Kỳ Đồng, chế biến món phở xào - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đây là con phố đặc biệt, phố ăn đêm, hoạt động từ chiều đến rạng sáng.
Không chỉ những "cú đêm" - chỉ những bạn trẻ thích đi chơi khuya - mới tìm đến đây mỗi tối, con phố này nhiều năm nay đã được đưa vào danh sách các điểm cần phải đến của du khách khi tới Hà Nội bởi các món ăn đường phố đa dạng.
Con phố... no nê!
Phố Tống Duy Tân dài khoảng 200m, kết hợp với ngõ Cấm Chỉ dài khoảng 70m hình thành một khu vực hình chữ T. Trong khu vực nhỏ hẹp này, nhiều hàng quán mọc san sát nhau.
Theo lời một chủ quán ăn lâu năm ở đây, khu phố này hiện tập trung 25 quán ăn, ba quán cà phê, một quán karaoke, một quán bar nhỏ và ba khách sạn.
Trên các bàn ăn đặt san sát nhau, khói từ thức ăn bốc lên nghi ngút. Tiếng cười nói rôm rả, tiếng cụng ly cộp cộp vang liên hồi hòa tiếng nói đùa rôm rả và những tràng cười sảng khoái. Chủ quán và nhân viên liên tục mời chào khách ghé quán, đon đả và thân thiện.
Bà Trần Thị Hiếu (63 tuổi) - chủ quán ăn số 32 và đã kinh doanh quán ăn ở phố Tống Duy Tân hơn 30 năm qua, một trong những người đầu tiên "khai phá" dịch vụ ăn uống ở con phố này - cho biết: "Đây không phải là nghề truyền thống của gia đình.
Ngày xưa, tôi làm trong ngành lương thực. Khi xóa bỏ bao cấp thì kinh tế không đủ chi tiêu nữa. Gia đình buộc nghĩ ra một kế sinh nhai khác...".
Hồi đó, ai cũng khó khăn như nhau. Gia đình bà mở một quang gánh bán mì gà tần và chọn một vỉa hè trên phố Tống Duy Tân. Quán gà tần của bà Hiếu là một trong những quán ăn đầu tiên ở phố Tống Duy Tân và được biết đến với cái tên Hùng "béo", tên người chồng quá cố của bà.
Thấy quán của bà Hiếu mua may bán đắt, nhiều người trong khu phố bắt đầu mở quán ăn. Ban đầu cũng chỉ gà tần, dần dần mở bán thêm các món hải sản, cơm rang (chiên), xôi, lẩu...
"Lúc đầu khách chỉ lèo tèo. Khu này chỉ là những người làm nhà nước ra bán hàng. Người ta thấy mở ra bán được nên ngày càng nhiều quán mọc ra thêm, dần dần đông đúc thêm" - bà Hiếu cho biết.
Anh Nguyễn Tiến Thành (32 tuổi), con trai bà Hiếu, cho biết khách đến phố ẩm thực rất đa dạng. Người Hà Nội chỉ ăn từ 4h chiều đến 9h tối.
Những khách hàng thường xuyên đến đây là khách du lịch trong và ngoài nước, khách ngoại tỉnh, giới trẻ, quân nhân, người lao động chân tay như thợ xây và có cả "dân xã hội"...
Giờ đây sau nhiều chục năm, con phố nhỏ xíu trở nên sầm uất. "Tôi thích nhất không khí đông vui ở khu phố này vì rất nhiều du khách ở mọi nơi đổ dồn về đây" - người chủ quán hơn nửa đời gắn bó với con phố này nói.
Khách Việt, khách nước ngoài đều có thể tìm thấy món ăn yêu thích ở phố Tống Duy Tân - Ảnh: N.KHÁNH
Miếng thương miếng nhớ
Phố Tống Duy Tân được lát bằng gạch hình lục lăng, dày, màu xanh rêu chứ không trải nhựa như hầu hết con phố của Hà Nội.
Các cửa hàng ăn nằm san sát nhau, có những quán ăn được biết đến từ thời "bao cấp" như quán phở Đường Tàu vẫn còn giữ được nét xưa cũ, nét truyền thống xưa kia của ẩm thực Hà thành. Bên cạnh đó, còn những hàng ăn gia truyền như quán cháo số 37, mì gà tần Cây Si...
Hầu hết quán ăn là quán nhỏ với chừng dăm bảy cái bàn và ghế nhựa đặt trước quán. Khu vực này cấm xe hơi, nhưng xe máy được phép ra vào. Có những thời điểm xe máy dựng ngổn ngang, chắn lối đi.
Trong khu phố này, một số quán ăn đã trở nên nổi tiếng với du khách là quán ốc bà Câm, do đôi vợ chồng khiếm thính làm chủ. Dù quán chỉ là một gánh hàng rong, không biển hiệu, không cầu kỳ, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp đông đúc.
Ở đây có đủ loại ốc, ngao (nghêu) từ nhỏ đến to... với loại nước chấm làm nên thương hiệu của quán. Hoặc món bánh cuốn Kỳ Đồng thơm nếp quyện vị thịt, mộc nhĩ, nấm hương với hương cà cuống.
Một số nhà hàng và quán cà phê ở đây còn có các món ăn Tây như cà phê Puku, cà phê Xofa...
Là dân miền Nam làm việc tại Hà Nội hay lân la ở con phố ăn đêm này, chúng tôi có thể hiểu vì sao nhà văn Vũ Bằng lại viết bút ký Miếng ngon Hà Nội, "miếng thương miếng nhớ" với những món ngon cũng có nơi đây.
Ăn một miếng ngon Hà Nội giống như mua một tách cà phê để lấy một chỗ ngồi thưởng thức không gian xung quanh.
Và đối với những khách vãng lai như chúng tôi, mỗi lần đến phố ẩm thực Tống Duy Tân, chúng tôi thực sự được nếm một "miếng ngon Hà Nội". Để chắc rằng khi xa Hà Nội sẽ thấy đó là "miếng thương miếng nhớ"...
Lịch sử phố Tống Duy Tân, ngõ Cấm Chỉ
Từ sẩm tối đến rạng sáng, con đường ăn uống ngắn ngủn này trở nên rộn ràng - Ảnh: N.KHÁNH
Phố Tống Duy Tân mang tên nhà chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ 19 - tiến sĩ Tống Duy Tân (1837 - 1892), người làng Động Biện, tỉnh Thanh Hóa.
Thời Pháp thuộc, phố này có tên Rue Brusseaux. Sau Cách mạng Tháng Tám đổi là phố Bùi Bá Ký. Thời tạm chiếm gọi là phố Kỳ Đồng, gắn liền với bánh cuốn Kỳ Đồng nổi tiếng. Từ năm 1964 đổi thành phố Tống Duy Tân.
Trong khi đó, ngõ Cấm Chỉ (phố Hàng Bông) xưa gắn liền với vườn hoa Cửa Nam, có những hàng cơm phục vụ sĩ tử đến kinh thành dự trường thi. Phố ngắn khoảng 70m, chủ yếu có các hàng xôi, phở, bún, miến ngan, vịt.
Ngoài ra, ít người biết ở ngõ Cấm Chỉ ngày xưa từng đặt cái trống kêu oan. Ai là dân oan đến đây gõ trống, quan trong thành nội sẽ ra và tiếp nhận xét xử. Ngày nay, cái trống kêu oan không còn.
Theo dòng thời gian và sự phát triển của thủ đô, phố Tống Duy Tân và Cấm Chỉ đã trở thành một địa điểm thu hút du khách của Hà Nội.
Năm 2002, phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ được hình thành trên cơ sở dãy hàng gà tần luôn chật kín khách ở phố Tống Duy Tân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận