23/08/2006 17:19 GMT+7

Miền Trung: thiếu nhân lực cho ngành đóng tàu

Theo VTV
Theo VTV

Nhân lực cho ngành công nghiệp đóng tàu ở khu vực miền Trung hiện đang còn khan hiếm, đặc biệt là kỹ sư và thợ tay nghề cao. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều doanh nghiệp đang khắc phục bằng cách tự đào tạo, song cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu. Theo tính toán, phải mất từ 3 đến 5 năm nữa mới khắc phục được tình trạng này.

Theo quy hoạch, hiện có khoảng 8 nhà máy lớn và nhiều cơ sở đóng tàu phân bố rải rác các tỉnh thành ven biển miền Trung. Trong đó, một số nhà máy có quy mô lớn và tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất vào những năm tới.

Công nghiệp đóng tàu sẽ là một trong những ngành chủ lực đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế các địa phương miền Trung. Nhu cầu lao động đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo nghề lại chỉ cung ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Lê Đình Thi - Phó Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công nghiệp Tàu thuỷ 3, nhân lực không cung cấp đủ cho các nhà máy, như Nhà máy Dung Quất chẳng hạn, phải cần 2.000 lao động mỗi năm.

Cả khu vực miền Trung chỉ có duy nhất Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công nghiệp Tàu thuỷ 3 là nơi có đào tạo ngành đóng tàu ở trình độ thợ tay nghề bậc 3/7. Còn nhân lực có trình độ cao hơn được đào tạo ở các trường Đại học phía nam hay phía bắc hoặc ở nước ngoài. Con số này không nhiều và rất ít người về làm việc tại các nhà máy đóng tàu ở miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng cho biết: "Sinh viên ra trường phải về các nhà máy để tiếp cận công nghệ hiện đại, chứ nhà trường chưa đáp ứng được điều này".

Hầu hết các nhà máy đóng tàu có quy mô lớn ở khu vực miền Trung hiện nay đều đang trong quá trình xây dựng ban đầu, một số nhà máy mới đi vào hoạt động và đã ký được một số hợp đồng đóng tàu đầu tiên. Dự báo sự thiếu hụt về nhân lực sẽ tiếp diễn trong một vài năm tới.

Nhiều nhà máy mới được xây dựng với trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi một đội ngũ nhân công có trình độ tương xứng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công nghiệp đóng tàu ở khu vực miền Trung vốn đang trong quá trình phát triển. Đương nhiên, điều này kéo theo những tác động đến mục tiêu và lộ trình phấn đấu trở thành cường quốc thứ tư về đóng tàu sau năm 2010 của ngành công nghiệp tàu thủy VN.

* Phê duyệt đề án thuê Tổng giám đốc của Vinamotor: Lương tối đa 60 triệu đồng/tháng

Bộ GT-VT vừa phê duyệt Đề án thuê Tổng giám đốc của Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Theo đề án này, mức lương dành cho Tổng giám đốc người Việt Nam khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, trong khi nếu là người nước ngoài thì khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.

Tổng giám đốc được thuê phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, ô tô với quy mô doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Người nước ngoài phải biết tiếng Việt, người Việt phải đọc thông, viết thạo một ngoại ngữ thông dụng.

Ứng viên tham gia xét tuyển chức vụ Tổng giám đốc phải có cương lĩnh tranh cử và bảo vệ trước hội đồng thẩm định, người nước ngoài có thế chấp bằng tiền mặt 5 tỷ đồng, người Việt Nam 1 tỷ đồng.

Theo VTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên