07/03/2018 22:36 GMT+7

Miền Tây từ ăn no đến ăn ngon

SÁU PHONG
SÁU PHONG

TTO - Từ chỗ vựa cho hầu bao lương thực cả nước, giờ hạt gạo Miền Tây còn xuất hiện nhiều hơn trên những bữa ăn ngon của thế giới.

Một thời "ngóng trời sa mưa"

Căn nhà tường khang trang cặp kênh xáng Xà No (Hậu Giang) của lão nông Lâm Ngọc Quang (Bảy Quý) đã bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hy" trở nên ấm cúng khi các "chiến hữu" tham gia sản xuất lúa giống như Út Riềng, Năm Hạnh, Tám Tán... đến tham khảo ý kiến ông.

Những kinh nghiệm của hơn 50 năm ra đồng và hơn 20 năm trong nghề sản xuất giống, là một điển hình sinh động của con đường lúa gạo miền châu thổ. Dấu ấn của Bảy Quý là sản xuất, cung ứng cho nông dân hơn 3.500 tấn lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu phèn...

Miền Tây từ ăn no đến ăn ngon - Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL cung cấp hạt gạo ngon của Việt Nam ra thế giới Ảnh: ĐỨC VỊNH

Ông Bảy Quý biết rằng giờ là thời máy cắt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp; và phải giã từ làm lúa khi "trông trời sa mưa" để thay thế bằng giống lúa cao sản, phẩm cấp cao...

Ngược dòng thời gian mấy chục năm về trước, làm lúa một vụ (lúa mùa), khi sa mưa (khoảng tháng ba âm lịch) nông dân bắt đầu cày đất, gieo mạ, rồi cấy lúa... chờ đến Tết Nguyên đán mới thu hoạch! Trớ trêu thay, không ít nông dân rơi vào cảnh thiếu đói lương thực. Áp lực gia tăng sản lượng lúa ngày càng bức bách. Các cuộc cách mạng thủy lợi ngọt hóa vùng phèn mặn để tăng diện tích trồng lúa được gia tăng. Cùng với việc "giải thể các tập đoàn", giao khoán đất lại cho nông hộ sản xuất đã tạo ra bước ngoặt quan trọng của sản lượng lương thực.

Năm 1989, rất nhiều người đặt câu hỏi: làm sao Việt Nam đã xuất khẩu được trên 1,76 triệu tấn gạo trong khi chỉ hai năm trước đó Chính phủ Việt Nam còn kêu gọi quốc tế cứu trợ lương thực cho đồng bào một số tỉnh miền Bắc và miền Trung? Ngoài các lý do như nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật và một số biện pháp liên hoàn như: giống mới ngắn ngày năng suất cao, đẩy mạnh làm thủy lợi để mở rộng diện tích cao sản, tăng thêm phân bón cùng các vật tư nông nghiệp khác, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng,... Song lý do bao trùm nhất là sự đổi mới chính sách kinh tế của Chính phủ đối với nông nghiệp. Đó là chính sách giao quyền sử dụng ổn định và lâu dài đất canh tác cho từng hộ gia đình nông dân, chính sách về giá nông sản và các vật tư nông nghiệp...

Chiến lược xuất khẩu từ hạt lúa

Hơn 25 năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt "đặt hàng" các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL sản xuất giống lúa ngắn ngày để giúp nông dân thu hoạch sớm, né lũ. Các nhà khoa học Viện lúa đã chạy đua lai tạo để cho ra đời hàng loạt giống lúa ngắn ngày OMCS (Ô Môn cực sớm) để giải quyết "tình thế" né lũ.

Cùng lúc này, nhiều tỉnh đầu nguồn lũ xây dựng đê bao, giúp nông dân bảo vệ lúa. Các địa phương sau khi làm đê bao khép kín đã gia tăng diện tích lúa vụ 3 để chạy theo sản lượng. Từ 100.000ha lúa, sau đó diện tích lúa vụ 3 có năm đạt 900.000ha (tính ra sản xuất 3 vụ/năm trên 4 triệu ha).

Sản lượng lúa của Việt Nam giữ mức ổn định khoảng 44 triệu tấn/năm, trong đó ĐBSCL đóp góp khoảng 25 triệu tấn.

Vựa lúa ĐBSCL đã đảm trách tốt vai trò bảo đảm an ninh lương thực nhưng áp lực tìm đầu ra cho hạt gạo cũng "nặng trĩu" khi lượng lúa hàng hóa quá lớn!

Trồng lúa sao cho giàu?

"Sản lượng lúa rất lớn, chúng ta phải dành khoảng 1/4 sản lượng hàng năm xuất khẩu mới điều hòa được giá cả có lợi cho nông dân. Theo tôi, cả doanh nghiệp và nông dân đã có những thay đổi tích cực trong 5 năm qua. Nghĩa là cả hai chủ thể quan trọng này đã ý thức thay đổi tư duy sản xuất, tạo nên diện mạo mới cho chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý - "không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa. Cụ thể là thay các giống lúa phẩm cấp thấp bằng các giống lúa chất lượng cao, gạo thơm" - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gần 5,8 triệu tấn gạo (trên 10 triệu tấn lúa, bằng một phần tư sản lượng lúa cả nước), tăng gần 900.000 tấn so với năm 2016. Số lượng gạo cao cấp và gạo thơm các loại xuất khẩu chiếm trên 60% (khoảng 3 triệu tấn). Phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12% (khoảng 700.000 tấn).

Đầu tháng 3-2018, người trồng lúa gạo phẩm cấp trung bình bán với giá khoảng 6.000 đồng/kg,

trong khi nông dân trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm bán với giá 7.400 đồng/kg (cao hơn lúa thường khoảng 1.400 đồng/kg). Nông dân trồng lúa chất lượng cao rõ là sẽ có nhiều lợi nhuận hơn (lợi nhuận tăng khoảng 20% so với trồng lúa thường), câu chuyện "nông dân triệu phú" không phải là viễn vông.

Giờ thì lão nông Bảy Quý nhận ra những giá trị của các tiến bộ kỹ thuật phục vụ trong nông nghiệp, nên ông luôn là người tiên phong thực hiện xuống giống bằng máy sạ hàng, áp dụng IPM, "3 giảm, 3 tăng"... và phải chọn giống lúa phẩm cấp cao hoặc lúa thơm để trồng.

Nếu có nhiều nông dân làm như Bảy Quý, cơ hội có "của ăn, của để" của người trồng lúa sẽ lớn hơn.


SÁU PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên