02/03/2024 08:17 GMT+7

Miền Tây: Sống khỏe nhờ thích ứng hạn, mặn

Hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự đoán trước nên chính quyền và người dân các địa phương ở miền Tây đã chủ động các giải pháp "sống chung" với hạn mặn, giảm tối đa thiệt hại.

Ông Huỳnh Tấn Quới ở xã Tây Yên A đo nồng độ mặn đạt 10‰ và thả nuôi tôm sú trên nền đất lúa  - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Huỳnh Tấn Quới ở xã Tây Yên A đo nồng độ mặn đạt 10‰ và thả nuôi tôm sú trên nền đất lúa - Ảnh: CHÍ CÔNG

Thậm chí có nơi người dân còn trông chờ hạn, mặn để sản xuất, mang lại nguồn thu nhập tốt.

Gieo sạ sớm "né" mặn

Điển hình trong việc "né" hạn, mặn là cách làm của tỉnh Sóc Trăng. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết dự báo tình hình hạn mặn năm 2023 - 2024 đến sớm và tiến sâu vào nội đồng nên Sóc Trăng đã chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp, né hạn mặn rất hiệu quả.

Theo đó, ngành nông nghiệp xác định các vùng có nguy cơ cao bị xâm nhập mặn sớm là hai huyện ven biển Trần Đề và Long Phú với diện tích gần 40.000ha đất trồng lúa.

Ngoài ra, vùng hở tại huyện Kế Sách với diện tích cây ăn trái hơn 16.000ha và 9.000ha lúa do khả năng trữ nước của vùng này thấp nên cũng dễ bị ảnh hưởng.

Do vậy, ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo nông dân những vùng này không xuống giống vụ đông xuân muộn hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn.

Theo ông Nhã, hiện vùng này đã thu hoạch trước Tết, đạt năng suất cao và bán được giá.

Gia đình ông Nguyễn Anh Phong (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) làm 1ha ruộng. Nhiều năm qua, ông Phong luôn làm 3 vụ lúa/năm. Nhưng năm nay, sau khi thu hoạch lúa hè thu, theo khuyến cáo của địa phương, ông Phong khẩn trương gieo sạ vụ lúa đông xuân sớm hơn cùng kỳ những năm trước khoảng 30 ngày.

Nhờ vậy, ông Phong thu hoạch lúa đông xuân trước Tết, bán được giá rất cao, có tiền mua sắm ăn Tết rôm rả.

"Tui làm giống Lài thơm, năng suất khoảng 1 tấn/công, thương lái mua tại chân ruộng 11.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tui còn lời gần 60 triệu đồng, quá sướng.

Năm nay tui quyết định không làm lúa vụ 3, cho đất nghỉ ngơi, hạn mặn nhiều rủi ro lắm", ông Phong nêu lý do.

Tương tự, tỉnh Bạc Liêu cũng là địa phương chủ động ứng phó hạn, mặn nên ngay trong mùa mưa năm 2023 tỉnh đã xây dựng ba kịch bản ứng phó với mức độ tương đương, bằng và gay gắt hơn mùa khô 2015 - 2016.

Sau đó, tỉnh đã chọn kịch bản 2 (dự đoán tương đương mùa khô 2015 - 2016) để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó đáng chú ý là quyết định giảm gieo sạ 2.900ha trong số 47.575ha lúa đông xuân ở nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Riêng thị xã Giá Rai do là địa bàn cuối nguồn nước ngọt nên sản xuất vụ lúa đông xuân có nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác. Dự báo trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ gay gắt, vụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 Phòng Kinh tế thị xã cập nhật tình hình dự báo thời tiết, qua đó điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất một số xã sớm hơn so với các năm trước.

Thay vì trong cảnh loay hoay thiếu nước cho vụ lúa đông xuân muộn thì anh Trần Văn Bắc (ấp 5 xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã tranh thủ sản xuất vụ lúa đông xuân sớm để kịp xuống giống trồng vụ màu trên đất lúa. Với diện tích hơn 4ha trồng bí rợ, anh Bắc mang về thu nhập hơn 400 triệu đồng (bằng hai vụ lúa gộp lại).

"Kết quả vụ lúa mình kết thúc sớm hơn mọi người 10 ngày. Gia đình cũng đã ươm sẵn hạt giống, chỉ cần lên giồng là có thể xuống giống ngay. Thu hoạch sớm vừa được giá, vừa đủ nước tưới không bị ảnh hưởng năng suất", anh Bắc khoe.

Ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng ngành đã dự đoán được kịch bản hạn mặn năm nay nên đã có những bước chuẩn bị từ năm trước để giảm thiệt hại cho người dân.

"Tháng 7-2023 tỉnh Cà Mau đã phê duyệt đề án bổ sung các công trình trữ nước, khai thác sử dụng nguồn nước trong điều kiện hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu tỉnh Cà Mau. Đề án này định hướng, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để sử dụng các kênh mương hiện có trữ nước cho người dân sử dụng.

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người dân tự đào các ao đìa đủ lớn để đảm bảo đủ chứa lượng nước mưa đáp ứng cho nhu cầu sản xuất", ông Vũ thông tin thêm.

Đào mương, ao trữ nước để tưới dần là giải pháp được nhiều người dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau giữ màu xanh trên đồng ruộng của mình - Ảnh: THANH HUYỀN

Đào mương, ao trữ nước để tưới dần là giải pháp được nhiều người dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau giữ màu xanh trên đồng ruộng của mình - Ảnh: THANH HUYỀN

Sống thuận với tự nhiên

Nắng hạn và xâm nhập mặn không hẳn mang lại thiệt hại cho sản xuất, mà ngược lại, người dân đã "biến nguy thành cơ". Khi đó nước mặn trở thành nguồn tài nguyên, mang lại thu nhập tốt, chẳng hạn như mô hình tôm - lúa, tôm - lúa - cua.

Ông Huỳnh Tấn Quới (xã Tây Yên A, huyện An Biên, Kiên Giang) kể do đất gần với biển nên trước đây ông và người dân ở địa phương chỉ đơn thuần làm duy nhất 1 vụ lúa mùa, năng suất ước đạt khoảng 400kg lúa/công.

Do đó, cuộc sống gia đình ông Quới cũng gặp nhiều khó khăn. Sau đó, ông Quới mới làm lên 2 vụ lúa/năm nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng thoải mái hơn. Để thích ứng điều kiện tự nhiên, ông Quới đã dần chuyển sang mô hình tôm - lúa vào năm 2010.

Lúa thì gia đình ông Quới sử dụng giống ST24 hoặc ST25 vì chịu được nồng độ mặn 1-2‰, năng suất cao và bán được giá. Tôm thì ông chọn thả tôm sú.

Ông Quới cho biết thêm dù trước Tết giá lúa có lúc người dân bán đạt 10.000 đồng/kg nhưng bà con không phá bỏ thế sống thuận thiên vì mô hình tôm - lúa ít rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó tháng 7, tháng 8 hằng năm ông Quới sẽ gieo sạ lúa.

Sau đó, khi thu hoạch lúa xong (đến tháng 11, tháng 12 hằng năm), ông lại cải tạo đất, chuẩn bị tôm sú cùng cua giống để thả nuôi.

"Giá tôm thời gian qua có giảm nhưng tôi thu hoạch bán với giá 200.000 - 230.000 đồng/kg tôm sú (loại 8 - 10 con/kg). Từ khi làm mô hình tôm - lúa - cua này tôi thấy sống khỏe vì thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với độc canh trồng lúa", ông Quới vui vẻ nói.

Riêng tại tỉnh Hậu Giang, người dân ngoài đê bao Long Mỹ - Vị Thanh thuộc xã Lương Nghĩa, Xà Phiên (huyện Long Mỹ) lại trông có nước mặn để thả nuôi tôm. Trước đây người dân ở hai xã này trồng 2 vụ lúa, nhưng đất ở đây bị nhiễm phèn nên năng suất thấp.

Do đó chờ thu hoạch 4ha lúa đông xuân xong là ông Nguyễn Văn Rạng (ngụ ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) liền thả tôm sú ngay khi nước có độ mặn thích hợp. Sau khi thả, chừng 3 tháng sau thu hoạch, đến tháng 10 âm lịch lại sạ vụ lúa đông xuân.

"Nuôi tôm xong làm lúa tốt. Nó nhẹ phân lắm vì mình xử lý nước, rải vôi khi nuôi tôm, thành ra có những năm sạ lúa xuống phải cắt bỏ bớt vì nó tốt quá", ông Rạng nói và cho biết ở đâu không biết chứ dân ở đây trông nước có độ mặn cao để nuôi tôm.

Tương tự, các thành viên của Hợp tác xã tôm lúa Tân Tiến (ấp 6, xã Lương Nghĩa) cũng đã có kế hoạch thả tôm sú nuôi kết hợp với tôm càng xanh sau khi thu hoạch lúa đông xuân.

Ông Đoàn Văn Quân, phó giám đốc Hợp tác xã tôm lúa Tân Tiến, cho biết hợp tác xã có 30ha sẽ thả tôm trong vụ tới. "Độ mặn hơn 4.0 đến 5.0 là tốt nhất. Làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm rất hiệu quả đối với vùng đất nhiễm mặn và phèn như xã Lương Nghĩa", ông Quân nhận định.

Đánh giá về tính hiệu quả, ông Võ Xuân Tân, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm ở huyện Long Mỹ không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay nên được khuyến khích nhân rộng.

Quan trọng là nông dân không phải ngay ngáy lo lắng mỗi khi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Như Cường (cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):

Đã né được hạn mặn

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, El Nino đã xuất hiện. Theo như dự báo của cơ quan chuyên môn, hạn mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không khốc liệt như năm 2015 - 2016 cũng như 2019 - 2020 và hiện đã có những tác động tương đối rõ ràng.

Trên cơ sở dự báo, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ NN&PTNT phối hợp các tỉnh ĐBSCL ngay từ tháng 9-2023 triển khai sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 và cả năm 2024.

Trong đó xác định rõ nguy cơ rủi ro do tác động El Nino, nhất là vụ đông xuân, nên đã điều chỉnh cơ cấu thời vụ phù hợp nhằm né tránh và hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn, mặn với sản xuất lúa đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Cụ thể, với các tỉnh ven biển có nguy cơ tác động hạn mặn đã thực hiện gieo trồng sớm từ tháng 10 với diện tích 400.000ha, đến thời điểm này các diện tích ven biển có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn đã gần như thu hoạch xong và về cơ bản đã né được tác động hạn mặn.

CHÍ TUỆ

18 cống hạn mặn không hoạt động được vì chưa có điện18 cống hạn mặn không hoạt động được vì chưa có điện

Có 18 cống ngăn hạn mặn đã xây dựng xong nhưng chưa có điện nên không hoạt động được. Mỗi lần vận hành theo yêu cầu của huyện, Ban quản lý dự án nông nghiệp tỉnh phải thuê máy móc bên ngoài và tự bỏ tiền thuê…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên