28/09/2020 07:12 GMT+7

Miền Tây lo trữ nước ngọt ngay giữa mùa mưa

M.TRƯỜNG - S.LÂM - C.QUỐC
M.TRƯỜNG - S.LÂM - C.QUỐC

TTO - Chưa bao giờ người dân miền Tây phải lo xa như hiện nay. Ngay giữa mùa mưa 2020 nhưng người dân lẫn chính quyền địa phương đã phải tìm cách lo trữ nước ngọt, ngăn mặn cho mùa khô 2021 vì những diễn biến khó lường trong những năm gần đây.

Miền Tây lo trữ nước ngọt ngay giữa mùa mưa - Ảnh 1.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri, tỉnh Bến Tre là hồ chứa nước đầu tiên được đầu tư bài bản, có quy mô lớn nhất miền Tây đến thời điểm hiện nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn là xây dựng hồ chứa nước ngọt tận dụng từ kênh rạch.

Biến kênh rạch thành hồ chứa nước ngọt

Tỉnh Bến Tre là địa phương "thấm đòn" nặng nhất của tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán nên đã nhanh chóng triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt đầu tiên có quy mô lớn ở miền Tây - hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri), được cải tạo từ một con kênh có từ lâu đời - kênh Lấp.

Theo ông Cao Quang Liêm - phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tổng mức đầu tư dự án hồ chứa nước ngọt Ba Tri được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt là 85,9 tỉ đồng. Hồ có tổng dung tích thiết kế 811.000m3 và được đưa vào vận hành từ tháng 11-2019.

Tuy nhiên, hồ chứa nước này mới sử dụng một thời gian đã khô trơ đáy. Ông Cao Quang Liêm giải thích nồng độ mặn trong hồ kênh Lấp chỉ 1,4-1,6 phần ngàn, trong khi nồng độ mặn bên ngoài lên đến 7-8 phần ngàn, không thể bổ cấp nguồn nước cho hồ. Vì thế, theo ông, sau 6 tháng sử dụng liên tục (từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020) hồ bị cạn nước là "bình thường"!

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt đầu tư xây dựng dự án hồ trữ nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) với tổng vốn đầu tư trên 352 tỉ đồng. Mục tiêu chính của việc đầu tư dự án nêu trên được xác định là nhằm tạo nguồn trữ ngọt hỗ trợ cho các đối tượng trong vùng, dự án khai thác bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất trong suốt mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm) trước nguy cơ hạn mặn ngày càng cao.

Ngoài Bến Tre, các tỉnh khác như Tiền Giang, Long An... cũng là những địa phương đang thực hiện biến kênh, rạch thành những hồ chứa nước ngọt. Ở Tiền Giang, mùa khô năm 2020 tỉnh đã cho ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành để trữ ngọt. Tuy nhiên thời điểm ngăn mặn trễ so với tình hình xâm nhập mặn nên nước mặn đã lọt vào trong hồ, khiến hiệu quả không được như mong đợi.

Ngoài ra, trong năm qua Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỉ đồng thi công nạo vét, mở rộng 92 tuyến kênh mương nội đồng có tổng chiều dài trên 135km nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn, phục vụ gần 30.000ha đất canh tác thuộc các huyện duyên hải Gò Công.

Miền Tây lo trữ nước ngọt ngay giữa mùa mưa - Ảnh 2.

Người dân tại xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang bơm nước từ giếng khoan lên để tưới cho cây sầu riêng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

300.000m3 mỗi ngày qua 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre

Từ năm 2017, UBND tỉnh Long An đã có điều chỉnh cục bộ quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất, nhằm dự kiến xây dựng bốn hồ chứa nước ngọt ở các huyện Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Các hồ chứa này khi hoàn thành sẽ là nguồn cung cấp nước thô sinh hoạt cho rất nhiều vùng dân cư rộng lớn, cũng như sẽ trữ lũ, điều tiết lũ, tạo nguồn cấp nước ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn cho các khu vực sản xuất nông nghiệp.

Trong điều chỉnh ban đầu, UBND tỉnh Long An dự kiến đến năm 2020 lẽ ra đã có một hồ nước ngọt được đầu tư xây dựng ở xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồ nước nào được xây dựng.

Theo ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên do chính vẫn là chưa có kinh phí để xây dựng các hồ trữ nước này. Do đó, để ngăn ngừa hạn mặn và trữ nước trong những năm tới, tỉnh này vẫn phải tiếp tục dựa vào hệ thống kênh rạch đang có. Cụ thể, sẽ tiếp tục đào vét các kênh mương, xây dựng các công trình cống, đập ngăn mặn, đầu tư hệ thống bơm nước để có thể giữ lại lượng nước ngọt trong mùa bị xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục đầu tư các hệ thống đưa nước sạch sinh hoạt về nông thôn, đặc biệt là những vùng hạn mặn khốc liệt đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh sống.

Ông Võ Kim Thuần, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết để ngăn ngừa cấp bách hạn, xâm nhập mặn trong mùa cuối năm 2020, tỉnh này đã thiết kế hệ thống công trình vùng dự án Nhựt Tảo - Tân Trụ với một hệ thống thủy lợi cấp nước từ kênh Rạch Chanh qua kênh Cây Gáo thông qua hệ thống kênh Rạch Sâu, kênh Bà Tho, kênh Bà Thi, cống Rạch Sâu, Bà Phổ..., qua sông Vàm Cỏ Tây và trạm bơm. Tỉnh hiện đang kiến nghị trung ương hỗ trợ 148,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Thuần cho biết thêm hiện ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre cũng đã cùng nghiên cứu giải pháp, thống nhất kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai thực hiện những dự án dẫn nước, tích nước quan trọng như dự án "trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải" với tổng mức đầu tư dự kiến 2.300 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa bằng hình thức mời gọi nhà đầu tư.

Theo ông Thuần, khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào đầu năm 2022, với 300.000m3 được chuyển tải mỗi ngày, sẽ đáp ứng được nguồn nước ngọt sinh hoạt và một phần nước ngọt sản xuất cho cả ba tỉnh đến năm 2025.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ):

Chỉ nên làm hồ chứa quy mô nhỏ

le anh tuan 28-9 1(read-only)

Trước tình trạng năm nào mùa khô cũng thiếu nước ngọt, đặc biệt là những vùng ven biển, chúng tôi khuyến cáo dự trữ nước mưa, trữ nước ở vùng trũng. Việc xây hồ khuyến cáo nên xây nhiều hồ nhỏ, rải rác, hơn là làm hồ tập trung với quy mô quá lớn. Bởi nếu đào sâu có thể đụng tới lớp nhiễm mặn và thậm chí hồ đó sẽ rút khô các hồ nhỏ của người dân xung quanh, làm vùng xung quanh bị khô hạn thêm.

Làm hồ quy mô nhỏ sẽ trong tầm kiểm soát, còn làm quá lớn có thể vượt tầm kiểm soát như hồ kênh Lấp ở Bến Tre. Việc làm phân tán, quy mô nhỏ có thể giúp người dân lấy nước dễ dàng hơn, còn làm hồ lớn phải bơm và việc bơm càng xa càng gây thất thoát nước, tốn thêm chi phí.

Ngoài ra, việc làm hồ chứa rải rác, phân tán cũng phải thực hiện song song với việc chuyển đổi cây trồng phù hợp để thích ứng. Và việc làm hồ cũng chỉ hướng tới phục vụ sinh hoạt cho người dân chứ không phải tập trung cho sản xuất.

Ông Lưu Hoàng Ly (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu):

Làm hồ chứa nước theo đặc thù của địa phương

luu hoang ly 28-9 1(read-only)

Đặc thù của tỉnh Bạc Liêu khác với một số tỉnh là quỹ đất không nhiều, cách xa nguồn nước ngọt sông Hậu nên chúng tôi tận dụng kênh dẫn để làm hồ chứa, khơi thông nguồn sẽ đảm bảo được sản xuất như năm trước. Chúng tôi cũng xây dựng các kịch bản ứng phó, tùy tình hình sẽ có những cách chủ động thực hiện phù hợp. Dự kiến vào giữa tháng 10 tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai các kịch bản này tới các địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương nạo vét, khơi nguồn để chủ động dự trữ nước ngọt cho mùa khô.

Bến Tre muốn làm hồ chứa nước ngọt mới, phá vỡ kỷ lục hồ cũ Bến Tre muốn làm hồ chứa nước ngọt mới, phá vỡ kỷ lục hồ cũ

TTO - Hồ chứa nước Ba Tri, tỉnh Bến Tre là hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, tỉnh này đang muốn đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt lớn hơn, cách hồ hiện hữu 7km dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả.

M.TRƯỜNG - S.LÂM - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên