Ctoong ty Microsoft - Ảnh: AFP
Theo đài NBC, vấn đề tranh cãi của phiên tòa rất rõ ràng: Các hãng công nghệ có thể bị chính quyền bắt phải giao nộp dữ liệu email người dùng lưu tại các máy chủ đặt ở nước ngoài hay không?
Tranh cãi từ năm 2013
Theo đó, ngày 27-2 giờ Mỹ, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ nghe phiên tranh tụng giữa Bộ Tư Pháp và đại diện của công ty Microsoft về vấn đề này.
Kết quả của phiên tòa, dù phía nào chiến thắng, cũng sẽ có tác động đáng kể tới cách thức xử lý trên thực tế với dữ liệu cá nhân người dùng đặt tại máy chủ ở nước ngoài trong thời công nghệ số.
Nếu Bộ Tư pháp Mỹ thắng kiện, theo các nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do cá nhân, kết quả phiên tòa sẽ làm khởi động những tranh cãi toàn cầu. Lúc đó, nhà chức trách tại mọi quốc gia đều có thể truy lùng dữ liệu người dùng được lưu trữ tại bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp Mỹ, nếu Microsoft thắng kiện, điều đó cũng có nghĩa sẽ tạo ra những "thiên đường ẩn náu" của dữ liệu, đẩy chính phủ nhiều nước vào tình thế bế tắc, không cách nào thu thập đủ chứng cứ cần thiết liên quan tới những vụ phạm tội nghiêm trọng.
Tranh cãi giữa Bộ Tư pháp Mỹ và công ty Microsoft nảy sinh từ năm 2013, khi các đặc vụ liên bang phát trát đòi tới trụ sở của Microsoft ở Redmond, Washington, yêu cầu công ty này giao nộp các nội dung trong một tài khoản email của trang MSN.com mà theo họ đã được sử dụng để tiến hành buôn bán ma túy.
Microsoft trả lời rằng họ không thể tuân thủ trát đòi, vì các email nhà chức trách đòi hỏi đang được lưu trữ trong các máy chủ của công ty đặt tại Dublin, một trong số hơn 100 trung tâm dữ liệu của Microsoft đặt tại 40 quốc gia.
Hãng công nghệ Mỹ lập luật vì các trát đòi khám xét thông tin được phát ra tại Mỹ nên không thể có hiệu lực ở bên ngoài biên giới lãnh thổ Mỹ. Theo đó, Microsoft cho rằng nhà chức trách liên bang phải gửi trát đòi này tới chính quyền Ireland chứ không phải họ.
Có thể trở thành án lệ?
Vấn đề mấu chốt trong vụ kiện này là việc lục soát dữ liệu diễn ra ở đâu.
Bộ Tư pháp cho rằng Microsoft có thể dễ dàng lôi ra các dữ liệu họ cần với vài thao thác máy tính ngay tại trụ sở công ty này ở Mỹ. Theo đó, việc lục soát thông tin diễn ra tại nơi mà Microsoft chuyển dữ liệu đi, chứ không phải nơi mà họ chuyển các email trong mạng nội bộ từ một trung tâm dữ liệu này tới một trung tâm dữ liệu khác.
Ông Noel Francisco, trưởng công tố quốc gia đại diện cho Bộ Tư Pháp nêu quan điểm: "Sự vi phạm quyền riêng tư chỉ xảy ra khi Microsoft tiết lộ các thông tin liên lạc của người dùng cho chính phủ và chính phủ tìm kiếm chứng cứ phạm tội trong những liên lạc đó".
Còn ở đây, theo ông Noel Francisco, lệnh khám xét sẽ cho phép nhà chức trách được xem nội dung các email này. Nếu trong trường hợp luật này không có ý nghĩa gì, theo ông Francisco, rõ ràng các công ty Internet "có thể chuyển tất cả thông tin liên quan các thuê bao Mỹ ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan hành pháp Mỹ bằng cách đơn giản là xây dựng các máy chủ dữ liệu của họ ở bên ngoài nước Mỹ".
Tuy nhiên Microsoft lập luận rằng việc khám xét dữ liệu chỉ diễn ra nơi dữ liệu được lưu trữ, không phải nơi đặt hệ thống máy tính điều hành.
Các nhóm hoạt động bảo vệ quyền riêng tư ủng hộ quan điểm của Microsoft. Ông Marc Rotenberg, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm trung tâm cá nhân điện tử tại Washington cho rằng, nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết ủng hộ chính phủ, "bất cứ nước nào cũng có thể yêu cầu khám xét dữ liệu được lưu tại mọi nơi trên thế giới, kể cả Mỹ, chỉ cần dựa trên thẩm quyền pháp lý của chính nước đó".
Luật pháp liên bang liên quan tới các liên lạc được lưu trữ ở Mỹ từng được phê chuẩn năm 1986, trước rất lâu so với thời đại có thư điện tử và mạng world wide web.
Nhiều hãng công nghệ Mỹ cho rằng, chính Quốc hội chứ không phải tòa án, cần phải có một câu trả lời thỏa đáng về vấn đề lưu trữ thông tin cá nhân này.
Theo kế hoạch, phán quyết cuối cùng cho vụ tranh tụng giữa Microsoft và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ được công bố vào cuối tháng 6 năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận