Giáo sư Ngô Bảo Châu và chiến dịch Đọc sách thật phong cách - Ảnh: BTC |
Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” do dự án Cùng đọc sách (thuộc Trung tâm Hợp tác trí tuệ VN - VICC) phát động từ hôm 7-1 với thông điệp của nhiều nhân vật nổi tiếng. Cuối năm, Tuổi Trẻ ngồi lại đối thoại với những người khởi xướng chiến dịch này, cũng là những người trẻ.
Phổ biến hình ảnh thân thiện
* Có thể nói lần đầu tiên ở VN có một chiến dịch hình ảnh về những người nổi tiếng đọc sách cùng thông điệp ý nghĩa của sách đối với cuộc đời mỗi nhân vật. Ý tưởng chiến dịch bắt đầu từ đâu?
- Mi Ly - 27 tuổi, điều phối viên dự án Cùng đọc sách (Let’s Read): Ý tưởng xây dựng chiến dịch này được lấy cảm hứng từ bộ ảnh READ nổi tiếng của Hiệp hội Thư viện Mỹ với sự tham gia của hơn 200 ngôi sao trên mọi lĩnh vực của Âu - Mỹ. Đây là ý tưởng hấp dẫn. Xuất phát từ ý tưởng đó, khi xây dựng chiến dịch “Đọc sách thật phong cách”, chúng tôi đã Việt hóa đi rất nhiều. Chúng tôi để những người nổi tiếng xuất hiện trong những không gian mà họ thích để thể hiện phong cách đọc sách của riêng họ.
Ở bất cứ ngành nghề nào, mọi người thường hay nói nước ngoài làm được như vậy nhưng VN thì không đâu. Chẳng hạn như người nổi tiếng ở Mỹ thì mới đọc sách, còn các diễn viên, ngôi sao, người mẫu... nổi tiếng VN thì chỉ thấy chụp ảnh khoe nhà lầu, xe sang, hàng hiệu... chứ có mấy khi thấy khoe sách đâu. Nhưng khi chúng tôi liên hệ với các nhân vật ấy, được nghe họ chia sẻ nhiều về việc đọc sách. Qua chiến dịch này, chúng tôi muốn thể hiện hình ảnh của họ cũng như bất kỳ người bình thường nào.
Đôi tay của tôi hạnh phúc nhất khi làm ba điều này: khi cầm tay người mình yêu thương, khi nhảy múa trên những phím đàn piano và khi được lật từng trang của một quyển sách hay. |
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh. |
Mi Ly - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Bạn từng chia sẻ trên Tuổi Trẻ, mục tiêu của chiến dịch là để xóa nhòa những cách nghĩ là những người yêu sách thường được “đóng gói” vào một nhóm riêng và coi là cũ kỹ, không thời thượng... Phải chăng vì vậy mà chiến dịch được mang tên có vẻ thời thượng là Đọc sách thật phong cách?
- Mục tiêu của chiến dịch là phổ biến hình ảnh đẹp của sách một cách thân thiện, thời thượng. Lúc đầu chúng tôi không để ý lắm về việc xóa nhòa cách nghĩ đó, sau này mới nhận ra. Càng làm chúng tôi càng nhận thấy trong mình có sự thay đổi ấy nên muốn truyền tinh thần thay đổi ấy cho cộng đồng.
Khi chiến dịch mới ra mắt công chúng, chúng tôi đã gặp nhiều ý kiến ấy trên mạng xã hội. Có người phản đối vì tại sao đọc sách lại phong cách bởi lâu nay họ vẫn quan niệm đọc sách là hành động nội tâm, riêng tư. Người khác phản đối tên chiến dịch vì từ “phong cách” quá màu mè, nên không thể đặt cạnh “đọc sách”. Cũng như lúc đầu chúng tôi cũng hoài nghi liệu thế giới của những người nổi tiếng, nhất là giới giải trí, có thực sự coi trọng sách không? Nhưng sự ủng hộ nhiệt tình của những người đồng ý tham gia đã xóa đi định kiến trong suy nghĩ ban đầu của chúng tôi.
Sách ở bên tôi trong những biến cố cuộc đời. |
GS Ngô Bảo Châu |
Đọc giả giao luu với đạo diễn Trần Anh Hùng trong buổi giới thiệu sách tại đường sách Nguyễn Bình, TP.HCM Ảnh: T.T.D. |
Sách rất đáng khoe
* Bên cạnh những người khởi xướng và đi theo chiến dịch như GS Ngô Bảo Châu, anh Nguyễn Quang Thạch, nhà văn Di Li, nhà thơ Phong Việt..., chiến dịch có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong giới giải trí. Công chúng vẫn hay hoài nghi rằng những người đẹp liệu có thực sự đọc sách, hay chỉ là hình thức?
- Dường như mọi người có sự phân biệt đối xử. Với anh Ngô Bảo Châu, với các nhà văn, nhà thơ, những người hoạt động liên quan đến sách thì mọi người sẽ tin tưởng chắc chắn họ có đọc sách. Còn những người đẹp, nhiều người lại hoài nghi chắc gì họ đã đọc sách thực sự.
Họ cũng là một trong số chúng ta. Kể cả họ có đọc ít thì họ vẫn có thể nói họ thích sách được, miễn là họ đọc và thích cuốn sách đó. Qua chiến dịch chúng tôi mong mọi người có cái nhìn sâu hơn về một con người và nên tìm hiểu một chút trước khi nghĩ về họ. Mỗi người thường rất rộng lượng với bản thân mình thì cũng nên rộng lượng với người khác.
Đọc sách, tức là tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tâm hồn. |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh |
Nguyễn Quang Thạch - Ảnh: BTC |
* Cũng có ý kiến cho rằng chiến dịch này thực chất chỉ là khoe sách?
- Ý “khoe sách” đó rất thú vị. Chúng tôi thường so sánh ai đi xem phim, xem ca nhạc thường chụp ảnh để đăng Facebook, để nói rằng “tôi đang thưởng thức nghệ thuật”. Những hình ảnh đó được khoe rất thoải mái và được nhiều người đón nhận.
Nhưng chụp ảnh khoe sách thì ít. Lại có tâm lý là đọc một cuốn sách khó hơn xem một bộ phim rất nhiều. Vào rạp xem phim dù không cảm nhận được nhưng cũng được coi là xem phim, còn đọc sách thì phải dành thời gian, nếu mở một trang đã chán thì sẽ không thể đọc hết quyển sách được. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Nhưng đọc hết cả một cuốn sách là việc khó mà mình còn làm được cơ mà. Vậy sao lại không đáng khoe? Sách rất đáng khoe. Không có gì phải xấu hổ khi khoe sách cả.
Quan trọng là mọi người hãy làm gì đó với sách, đừng thờ ơ, bỏ quên nó. Khi sách trở thành đối tượng để người ta hãnh diện khi khoe thì đó chẳng phải là điều tốt hay sao? Mọi người hãnh diện với việc xem phim, nghe nhạc nên nền công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc VN mới sống được. Khi mọi người khoe sách một cách hãnh diện thì cũng góp phần làm cho ngành xuất bản VN phát triển.
Những phút giây đọc sách cùng con luôn là khoảnh khắc ấm áp nhất trong gia đình tôi. |
Người mẫu Thúy Hạnh |
Bạn trẻ càng nên đọc nhiều sách - Ảnh: TT |
Mỗi người nên đóng góp một phần công sức
* Trên trang fanpage Cùng đọc sách đang kêu gọi cộng đồng hãy phủ kín Facebook bằng hình ảnh đọc sách thay vì hình ảnh “cướp, giết, hiếp”. Nhưng thông tin “cướp, giết, hiếp” gần như ngày nào lên mạng cũng có. Còn chiến dịch Đọc sách thật phong cách chỉ diễn ra trong 3 tháng, liệu tính lan tỏa tinh thần đọc sách có được dài lâu?
- Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” chỉ là một phần của dự án “Cùng đọc sách”. Dự án này đã hoạt động được gần một năm và có nhiều hoạt động ở ba mảng chính là vận động xã hội qua truyền thông, quyên góp - tặng sách và tổ chức các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc. Để hình thành thói quen đọc, văn hóa đọc cho cộng đồng cần phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa và chiến dịch của chúng tôi chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Để làm được điều ấy, công sức phải bỏ ra nhiều hơn nữa. Chúng tôi vẫn đồng hành cùng anh Nguyễn Quang Thạch trong dự án “Sách hóa nông thôn”, cùng anh Ngô Bảo Châu trong việc khuyến khích mọi người đọc sách khoa học. Mỗi người nên đóng góp một phần công sức chứ không thể qua một chương trình để thay đổi diện mạo văn hóa đọc VN được.
Có người phải mất cả một đời để viết nên một quyển sách, mình chỉ mất một ngày để tận hưởng, hãy đọc. |
Chuyên gia giáo dục Trần Đình Dũng |
* Qua chiến dịch, công chúng được biết đến nhiều câu chuyện về ý nghĩa của sách với người nổi tiếng, từ đó kích thích, gợi mở mọi người đọc sách, cũng là hướng tới một xã hội đọc sách. Bước tiếp theo của chiến dịch này là gì?
- Sau khi chiến dịch này kết thúc, chúng tôi dự định tổ chức một sự kiện tổng kết chiến dịch với sự tham gia của những người nổi tiếng. Sau khi nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng và người nổi tiếng, chúng tôi dự tính sẽ mở rộng chiến dịch sâu rộng hơn trong cộng đồng với sự tham gia của các giáo viên tất cả các trường học ở VN để thói quen đọc lan tỏa đến các học sinh phổ thông và sinh viên - đối tượng mục tiêu của việc đọc.
Cho đến khi thấy nhiều người Việt đọc sách Theo tôi, việc đưa hình ảnh các cá nhân đọc sách vào tâm trí xã hội là cần thiết và sẽ có những tác động nhất định trong ngắn và dài hạn. Hiển nhiên rằng chúng ta muốn đầu ra trong xã hội là nhiều người đọc sách thì cần đưa đầu vào là những người đọc sách để kích hoạt sự đọc của những người ít đọc và có tiềm năng đọc. Nếu truyền thông tốt, chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” sẽ tạo sự lan tỏa. Chẳng hạn, khi thấy giáo sư Ngô Bảo Châu và những người có ảnh hưởng trong xã hội đọc sách, nhiều người sẽ tự nói với họ rằng “giỏi và nổi tiếng như anh Châu... còn đọc sách hằng ngày thì mình càng phải đọc sách”. Chiến dịch này sẽ có tác động đa chiều trong xã hội nếu các cá thể liên tục chia sẻ các hình ảnh, điểm sách, viết các bài về giá trị của sách trong thời gian dài. 3 tháng thì quá ngắn để hình thành thói quen đọc. Tôi kỳ vọng rằng chiến dịch không chỉ là hoạt động của một nhóm mà là sự chung tay hành động của toàn xã hội trong nhiều năm liên tục cho đến khi chúng ta thấy nhiều người Việt đọc sách trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay... Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch (người VN đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016) |
Mang lại sách tốt cho trẻ em Chúng tôi đã họp bàn về câu hỏi sau chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” sẽ làm gì tiếp để cổ vũ văn hóa đọc. Có thể sẽ theo hướng tìm, triển khai những việc cụ thể, thực chất hơn như vận động, quyên góp, tặng sách, nhất là vận động những cựu học sinh, doanh nghiệp địa phương tặng sách cho trường học, trẻ em ở địa phương mình. Chiến dịch hình ảnh “Đọc sách thật phong cách” dự kiến sẽ kêu gọi 100 người nổi tiếng tham gia. Nhưng đó chỉ là bước đầu, chúng tôi còn phải đi tiếp. Mục đích của chúng tôi không phải là hình ảnh, không phải hô hào mà là mang lại sách tốt và tri thức cho trẻ em, học sinh. Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình (giám đốc VICC): |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận