Đại diện Bộ Tài chính cho biết mệnh giá trái phiếu tăng 1.000 lần từ 100.000 đồng như trước đây lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng - Ảnh: BTC
Chiều 19-9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông tin về nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 16-9.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) - cho biết thời gian qua có những rủi ro trên thị trường khi có nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính yếu nhưng vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất để hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành chưa tuân thủ quy định…
Nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường, Chính phủ đã ban hành nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành.
Theo đó, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, mệnh giá trái phiếu cũng nâng lên gấp 1.000 lần so với trước đây, từ 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng.
"Mệnh giá trái phiếu được nâng lên đảm bảo dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế những rủi ro cho nhà đầu tư" - ông Dương trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online.
Ngoài ra, cũng theo ông Dương, nghị định 65 quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải nắm giữ danh mục đầu tư tối thiểu là 2 tỉ đồng trong vòng 6 tháng bằng chính tiền của mình, chứ không phải đi vay.
"Đối với nhà đầu tư cá nhân, trước khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tự đánh giá bản thân có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Việc lách các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu có thể mất toàn bộ tiền đầu tư" - ông Dương khuyến cáo.
Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỉ đồng/năm. Từ năm 2021, thị trường phát triển khá nhanh với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận