28/12/2016 09:14 GMT+7

Mê mải nghiên cứu cao siêu để DN Việt phải tốn tiền cho nước ngoài

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Thủ tướng cho rằng không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Không gắn thực tế, không đáp ứng yêu cầu thực tế thì tự mình thua trên sân nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay, trò chuyện với các nhà khoa học tại hội nghị - Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ cung cấp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay, trò chuyện với các nhà khoa học tại hội nghị - Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ cung cấp

Không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ mong muốn này đối với các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ (VAST) và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của hai viện sáng 27-12.

Mải mê nghiên cứu cao siêu

Biểu dương các kết quả mà hai viện hàn lâm đã đạt được, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng trước các ý kiến nhận định nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu đòi hỏi chúng ta nhìn thẳng vào các thành quả và các tác động thực tiễn của khoa học công nghệ Việt Nam trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

“Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là có yếu tố con người, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách” - Thủ tướng thẳng thắn phân tích.

Thủ tướng cho rằng không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà.

Việc nhiều nhà sản xuất khi đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, chủ yếu tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế đáng buồn, là thách thức và yêu cầu mà các viện nghiên cứu cũng như mỗi nhà khoa học cần suy nghĩ, khắc phục.

Vì vậy, theo Thủ tướng, đội ngũ làm nghiên cứu khoa học cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế cũng như thích ứng với cơ chế thị trường.

“Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài với những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được” - Thủ tướng nhìn nhận.

Phải nâng cao giá trị hàng Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ đã nêu bốn yêu cầu đối với VAST trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu song song với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn khoa học công nghệ ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ tùng.

Thủ tướng cũng đề nghị viện tập trung nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất hàng hóa, chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thủ tướng gợi ý những nhiệm vụ nghiên cứu nhằm áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản lương thực, thực phẩm, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất các dược liệu thế hệ mới, công nghệ nano...

Sáng cùng ngày, đến dự hội nghị tổng kết năm 2016 của VASS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt hàng các nhà khoa học của VASS nghiên cứu đề xuất hướng xử lý các thể chế kinh tế - xã hội ràng buộc khiến Việt Nam không phát triển được. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực.

“Hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vậy thể chế nào để giải quyết vấn đề này, thể chế nào để người dân tin, ủng hộ Đảng, Nhà nước chúng ta” - Thủ tướng nêu vấn đề cụ thể.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh VASS còn có những nhiệm vụ quan trọng là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, tập hợp luận cứ luận chứng khoa học mang tính thuyết phục cao để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền quốc gia...

Nhấn mạnh nhiệm vụ khởi nghiệp là quan trọng, Thủ tướng mong muốn từ những nghiên cứu, ý tưởng khoa học, sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công ở trong nước và quốc tế. Ngay trong VAST và VASS cũng có các nhà khởi nghiệp xuất sắc.

10 sự kiện KH&CN 2016

Câu lạc bộ các nhà báo KH&CN cùng Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật của năm 2016.

1 - Ban hành hai nghị quyết liên quan đến hoạt động KH&CN.

2 - Phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

3 - Lần đầu tiên trao tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

4 - Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.

5 - Phát hiện di tích thời đại đá cũ ở An Khê (Gia Lai).

6 - Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 đang góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

7 - Việt Nam sản xuất thành công văcxin sởi - rubella.

8 - Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.

9 - Sản xuất thành công máy Plassma lạnh tại Viện Vật lý (VAST).

10 - Năm người Việt Nam thuộc nhóm các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới (theo công bố của Thomson Reuters).

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên