![]() |
Mèo vàng được nhuộm lông trở thành mèo đen để đem nấu cao cho khách - Ảnh: M.M. |
Chiều 15-2, ông Mười - chuyên buôn bán các loại cao ở khu vực cư xá Phú Lâm (Q.Bình Tân, TP.HCM) - lấy ra một bịch bột mịn màu trắng, quảng cáo: “Đây là cao mãng xà, loại hàng độc này mới đủ đô để chữa dứt điểm các chứng bệnh phong thấp, tê bại, viêm xoang và khống chế được các bệnh cực kỳ khó chữa như ung thư, u nang... Hàng này đang được rất nhiều người tìm mua”.
Cao... “tả pí lù”
Thạc sĩ - dược sĩ Trần Văn Trễ (trưởng khoa dược, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM): Chưa có công trình nghiên cứu cụ thể Xương động vật có chứa một số khoáng chất, chất đạm... Nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh xương động vật có công dụng chữa trị bệnh... mà chủ yếu dựa theo một số tài liệu ghi chép, kinh nghiệm truyền miệng là chính như cao hổ (xương hổ) có lợi cho sức khỏe con người. Đó chỉ là những phỏng đoán, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Người mang bệnh nên lưu ý xương của các loài động vật sau khi nấu thành cao thì không thể phân biệt được là cao nấu từ xương của loài động vật nào, phải hết sức cẩn thận khi sử dụng, nếu không có thể bị tác dụng ngược. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Mười thường xuyên di chuyển chỗ ở cũng như nơi bán hàng. Ông cùng năm cộng sự thường bán dạo “thần dược” này cho những người lao động nghèo, cả tin. Giá một lạng cao... mãng xà này là 300.000 đồng.
Loại cao này được nấu từ xương của một loại rắn cực độc, cực hiếm, sinh sống ở tận vùng núi các tỉnh phía Bắc. Cũng theo lời quảng cáo, “xương rắn cực độc nên trấn áp được tất cả các tà khí, bệnh tật trong người”. Thực tế, theo một người từng bán loại cao này nay đã giải nghệ, tiết lộ cao mãng xà chỉ là các loại xương rắn “tả pí lù”, được dân nấu cao gom hàng từ các quán ăn, quán nhậu đem về “chế biến” rồi phết màu, mùi lên cho có vẻ như là thuốc trị bệnh. Còn công dụng thế nào thì chỉ có... trời mới biết.
Tương tự, loại cao mèo đen, tức xương của mèo đen, đang được nhiều người tìm mua vì tin rằng có thể chữa bá bệnh. Dân trong nghề nấu cao lý giải vì cao nấu từ xương của các con mèo đen tuyền rất hiếm, có công dụng chữa tất cả các loại bệnh, đặc biệt là các bệnh hen suyễn, đau nhức nên có giá cao gấp 3-4 lần mèo thường (khoảng 1,2 triệu đồng/lạng).
“Lò” của ông Dũng (ngụ P.5, TP Đông Hà, Quảng Trị) là một trong các đầu mối cung cấp cao mèo đen khá nổi tiếng trong giới buôn bán cao, chuyên cung cấp cao cho các tỉnh miền Trung và TP.HCM. Sáng 9-2, chúng tôi cùng chị L. (ngụ P.1, TP Đông Hà, đang mắc chứng đau nửa đầu) đến nhà ông Dũng để hỏi mua cao mèo đen. Ông Dũng phán bệnh của chị L. phải dùng đến 8 lạng cao mèo đen (dùng ba con mèo đen, mỗi con nặng khoảng 3kg để nấu), uống trong vòng bốn tháng mới hết bệnh. Ông Dũng ra giá: “Nếu chị có mèo đen thì đem đến tui nấu, tiền công nấu ba con là 3 triệu đồng. Còn không tìm được mèo thì tôi bán mèo đen luôn cho chị. Mỗi con lấy 1,2 triệu, tất cả là 6,6 triệu đồng”.
Tuy nhiên, sau đó theo một “cộng sự” của ông Dũng vào tận lò nấu cao, chúng tôi mới phát hiện trò lừa đảo: khắp các lồng nhốt mèo chỉ toàn mèo vàng, mèo trắng, mèo tam thể. Một thanh niên tại đây nhanh chóng dùng bàn chải đánh răng nhúng thuốc nhuộm rồi phết đều lên con mèo trước khi giao hàng cho khách xem.
Chưa đến 15 phút sau, số mèo lẫn lộn này đã nhanh chóng thành mèo có bộ lông đen tuyền (!). Còn công dụng của cao mèo đen thực tế như thế nào, đã có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh chữa được các loại bệnh hay không thì chính ông Dũng cũng thừa nhận: “Cũng chỉ nghe nói vậy thôi, nhiều người hỏi mua thì tôi bán. Công dụng ra sao còn tùy thuộc... người uống nữa chứ”.
![]() |
Cao hổ cốt được rao bán với giá 7 triệu đồng/lạng - Ảnh: N.K. |
Thật giả khó lường
Một “đại lý” cung cấp các loại cao khá nổi tiếng ở TP.HCM là ông Duy Hùng hiện đang rao bán rầm rộ loại cao ngựa bạch Mông Cổ rất quý hiếm. Ông Hùng hẹn chúng tôi ra quán cà phê trên đường Đỗ Ngọc Thạch, Q.5, giới thiệu: “Tôi chuyên cung cấp cao ngựa bạch mang từ Mông Cổ về, tốt hơn cao ngựa thường rất nhiều”. Nói rồi ông ta đưa ra vài thanh bột dẻo màu nâu, bóng chất dầu, được giới thiệu là cao ngựa bạch Mông Cổ và ra giá 2 triệu đồng/lạng.
“Công dụng thì rất đáng đồng tiền bát gạo, nó có thể trị những bệnh như đau nhức xương khớp, tăng cường sự dẻo dai cho gân, cơ bắp, phòng bệnh loãng xương, bồi bổ cơ thể cho trẻ em suy dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, sinh máu cho phụ nữ sau khi sinh...” - ông Hùng huyên thuyên. Ông cho biết số cao ngựa từ Mông Cổ trên do các đầu mối bên Mông Cổ săn được ngựa bạch trên thảo nguyên, sau đó lấy bộ xương đem nấu với những loại thuốc bổ quý hiếm nhất hái từ trong rừng sâu bên Mông Cổ, trộn và điều chế ra số cao ngựa này (?). Nhưng khi hỏi ông ta có giấy tờ gì chứng nhận cao này có nguồn gốc sản xuất từ Mông Cổ hay không, ông này ú ớ: “Hàng xách tay thì làm gì có giấy chứng nhận. Tin hay không thì tùy, không mua thì thôi, để tui bán cho người khác. Khối người đang đặt hàng hổm rày”.
Chiều 17-2, ông Linh (ngụ P.7, Q.Bình Thạnh), một đầu mối chuyên cung cấp các loại cao hổ cốt được quảng cáo là do chính lò nhà tự nấu nên bảo đảm là hàng nguyên chất 100%, nói: “Đây là cốt của con hổ tầm trên 40kg của người dân tộc ở biên giới Việt - Lào. Mấy anh nên uống tầm 3-4 lạng mới phát huy công dụng. Sử dụng loại này chữa tiệt các bệnh đau lưng, phong thấp, tăng cường sức khỏe khiến cho tâm thần phấn chấn, sức khỏe dẻo dai hơn”.
Lấy ra gần chục gói cao có màu đen bóng, ông Linh nói: “Nếu mua kinh doanh thì tôi bán với giá 9 triệu đồng/lạng. Còn nếu mua sử dụng thì tôi để với giá hữu nghị 7 triệu đồng/lạng. Muốn cung cấp bao nhiêu cũng có. Ngoài thị trường giá có khi lên đến gần 30 triệu đồng/lạng. Tụi tôi có hàng xương hổ nhiều và thường xuyên đem về từ Lào, Campuchia... nên không sợ hết hàng. Hàng này nguyên chất nấu chung với mười mấy loại thuốc bắc”. Chúng tôi hỏi đó là loại thuốc bắc gì thì ông Linh dè dặt: “Làm sao biết được, nhưng đều là thuốc tốt”.
Để chứng minh là người bán hàng uy tín, ông Linh dẫn chúng tôi về nhà riêng nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh. Ông lấy trong tủ ra một thùng cactông được niêm phong cẩn thận đựng gần chục bịch cao màu đen. Ông ta nói: “Tôi bán anh hai lạng trước để làm quen, nhưng chỉ lấy tiền... một lạng. Nếu anh uống có công dụng thì hãy trả tiền lạng còn lại”. Trong lúc loay hoay tìm bình rượu cao “ông ba mươi” để giới thiệu cho khách uống thử, ông Linh điện thoại hỏi người nhà: “Bình rượu... cao mèo để ở đâu rồi?”. Biết mình lỡ lời, ông này chữa thẹn, nét mặt gượng gạo: “Lộn. Bình cao hùm đó (!?)”.
Tại khu phố đông y (Q.5), chủ cửa hàng T giới thiệu: “Hiện tại chúng tôi đang bán cao ngựa bạch và cao hổ. Công dụng hai loại cao này chắc... cũng như nhau thôi. Cao nào cũng là cao mà. Mấy loại này pha vào rượu trắng uống sẽ trị các bệnh mệt mỏi, đau nhức”. Theo bà này, loại cao hổ được nhập từ Trung Quốc về, cửa hàng bán với giá 500.000 đồng/lạng, muốn mua bao nhiêu cũng có. Bà này còn khẳng định nhiều tay buôn đã mua cao hổ ở đây về xé lẻ hét giá tới 5 triệu đồng/lạng. Bà thừa nhận người bán lẫn người mua cứ đồn thổi với nhau tác dụng đủ loại cao này, cao kia nhưng thật ra việc mua bán chủ yếu chỉ dựa vào lòng tin. “Ngay cả cao thật, cao dỏm, người bán người mua cũng không thể biết được, chỉ có người nấu mới biết nên lắm khi tụi tôi cũng nhập nhầm cả lô cả lốc cao dỏm” - bà ta nói.
Tiền mất tật mang * Bà T.T.B.L. (ngụ TP Đông Hà, Quảng Trị) đau cột sống nhiều năm nay không đi khám ở bệnh viện mà vay mượn hàng chục triệu đồng để mua cao mèo đen uống được gần một năm, nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Đến khi đau nhức đến độ không thể làm việc được, bà mới vào bệnh viện khám và chữa trị. Tính ra tổng số tiền vay mượn khắp nơi để mua cao mèo uống lên đến gần 40 triệu đồng. * Tương tự, ông Nguyễn Văn Tùng (ngụ đường Trần Văn Mười, H.Hóc Môn, TP.HCM) phải một phen... nhớ đời với cao hổ dỏm. Nghe lời một người hàng xóm, ông vét hết số tiền dành dụm được mua 3 lạng cao hổ với giá 24 triệu đồng để mong chữa dứt điểm bệnh đau thần kinh tọa. Ông kể: “Sau khi uống được ba ngày rượu thì thấy tâm thần phấn chấn, nhưng đến ngày thứ tư thì toàn thân nổi mề đay mẩn ngứa, hai chân phù hẳn lên, đi lại khó khăn. Sau khi tham khảo ý kiến của một vị lương y, tui mới biết mình đã bị ngộ độc do dùng cao dỏm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận