10/09/2011 02:25 GMT+7

Mẹ của những đứa con nhiễm HIV

NGUYÊN NGHI
NGUYÊN NGHI

TT - Đi qua những con hẻm chằng chịt như bàn cờ, đến cuối một xóm lao động nghèo thuộc P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nơi ánh sáng mặt trời không thể lọt vào, bạn sẽ thấy một căn nhà rộng không quá 15m2.

7uwsS7Xa.jpgPhóng to
Ngày qua ngày là một chuỗi bận bịu nhưng với cô Thu không có gì là gánh nặng. Trong ảnh: cô Thu chăm sóc con gái - Ảnh: N.Nghi

Không thể phân biệt đâu là phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp hay nhà vệ sinh, chỉ có thể hình dung nhà được chia làm hai phần. Phía trước lót gạch hoa luôn bày sẵn hai chiếc ghế xếp, nằm trên ghế là hai người một già một trẻ với đôi chân liệt và ý thức đang dần mất đi. Phía sau là cái sàn gỗ lấn ra bờ kênh Nhiêu Lộc quanh năm muỗi mòng và thoảng mùi hôi khó chịu, đó là nơi người phụ nữ khỏe mạnh duy nhất trong nhà dành ngủ nghỉ và nấu nướng, giặt giũ cho người bệnh.

Hơn 50 tuổi, cô Nguyễn Ngọc Thu chỉ có một mong ước là có đủ sức khỏe để không phải “đi trước” chồng con.

Hai chiếc ghế xếp và bốn người bệnh

Tám năm nay, cô Nguyễn Ngọc Thu dọn về ở trong căn nhà tuềnh toàng này bởi những tai họa cứ dồn dập ập vào gia đình cô như nước lũ. Năm 1995, chồng cô bị tai nạn giao thông liệt nửa người, cô mua chiếc ghế xếp cho chồng nằm. Năm 2002, cô bán nhà để trả nợ và thuốc thang cho chồng. Cũng năm này, cô phát hiện hai đứa con chích ma túy trong nhà tắm. Năm năm tiếp theo là khoảng thời gian cô nhọc nhằn kiếm sống và xuôi ngược Bình Phước, Bến Tre thăm nuôi các con đang cai nghiện, lắm khi phải gửi người chồng bệnh tật cho hàng xóm trông nom giùm.

Năm 2007, niềm vui đón hai con về nhà chưa được bao lâu thì cô đã phải đưa lần lượt từng đứa nhập viện. Lúc đó cô mới hay cả hai đều đã nhiễm HIV đến giai đoạn phát các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Thằng lớn nổi hạch bụng phải phẫu thuật, con em thì liệt hai chân. Chiếc ghế xếp thứ hai được đem về để con gái được nằm gần cha và cô tiện bề chăm sóc.

Đầu năm nay, cô biết thêm đứa con dâu của cô cũng dương tính với HIV. Cách đây ba tháng, một lần nữa cô tiễn con trai đi cai nghiện ma túy vì nó không vượt qua nổi những cơn đau. Chưa đầy một tháng trước, cô đưa con dâu lên Bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước) để điều trị bệnh AIDS giai đoạn cuối miễn phí.

Gần 15 năm qua từ khi chồng cô nằm một chỗ, cô chưa từng có một phút giây thanh thản, không biết đến một giấc ngủ ngon. Nhà năm miệng ăn nhưng chỉ có cô còn khả năng lao động. Mở mắt ra là lo bữa sáng cho người bệnh, khi cháo, khi bún, khi sữa, còn cô “một trái chuối cũng xong bữa, có hôm làm quên cả đói, đến khi nhớ ra thì đã trưa rồi”.

Xong bữa sáng, cô tất tả mượn xe chở con gái đến phòng khám Mai Khôi ở Q.3 rửa vết thương, về đến nhà thì lau mình tắm rửa cho chồng, đi chợ nấu bữa trưa, bữa tối. Từ xế trưa đến chiều tối, cô đi giúp việc cho người ta, lau nhà, giặt đồ, quét dọn, rửa chén... miễn sao có thêm thu nhập để trang trải các khoản chi phí trong gia đình. Cứ thế, đời cô quanh quẩn bên hai chiếc ghế xếp và cổng bệnh viện, cổng trường trại.

Vòng tròn yêu thương

Cô gánh gồng cái gia đình nhỏ bé của mình qua những cơn lũ dữ. Khi chồng cô bị tai nạn giao thông, cô bãi nại vì biết người gây ra tai nạn còn nghèo khó hơn mình. Khi chứng kiến con chích ma túy, đem hết đồ trong nhà đi bán, từ bình lọc nước đến bếp gas mini, từ cây búa đến cái kềm, cô đánh mắng con thì ít mà tự trách mình thì nhiều, “tại tôi lo làm ăn kiếm sống bỏ bê con cái, không cho tụi nó học hành tới nơi tới chốn nên tụi nó mới hư như vậy”.

Khi nhận được tin các con đều nhiễm HIV, cô lo nhiều hơn giận, “mũi dại thì lái chịu đòn, lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao có tiền chữa bệnh cho các con chứ không quan tâm người ta sẽ nhìn gia đình mình như thế nào”. Con trai lớn bệnh, một thân cô chở đi hết bệnh viện này đến phòng khám khác xin giúp đỡ. Con gái út bị liệt, một tay cô ẵm bồng mặc cho chất thải, vết thương làm mủ có thể lây bệnh cho cô bất cứ lúc nào. Con dâu ốm, cô cũng chăm sóc, liên hệ bệnh viện nhờ chữa trị.

Hàng xóm láng giềng thấy cô vất vả nên thường đến thăm hỏi, người cho vài chục một trăm, người cho gạo mắm. Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội biết hoàn cảnh của cô cũng cho các khoản trợ cấp, giới thiệu chỗ làm để cô tự lực nuôi sống gia đình. “Hằng tháng cô Thu được nhận trợ cấp gia đình khó khăn 240.000 đồng, chồng cô là cựu thanh niên xung phong nên được Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Q.Bình Thạnh hỗ trợ thêm 150.000 đồng/tháng, chúng tôi cũng tìm cách giới thiệu cô đến giúp việc cho hai gia đình để cô có thêm thu nhập” - cô Trương Thị Nhu, cán bộ UBND P.21, Q.Bình Thạnh, đồng thời là chủ nhiệm nhóm giúp đỡ người nhiễm HIV Phát Tâm, cho biết.

Điều đặc biệt là với số tiền được biếu tặng, cô Thu chia sẻ với những người khó khăn hơn cô. Đó là cô bé hàng xóm nhiễm HIV bị gia đình ruồng bỏ không chốn nương thân. Đó là cháu nhỏ có cha mẹ chết vì bệnh AIDS không còn người thân thích. Căn nhà nhỏ chật chội hơn nhưng bắt đầu có tiếng cười. Được người giúp rồi lại giúp người, cái vòng tròn ấy đã tạo nên sự sống trong ngôi nhà quá nhiều đau thương này. Ở những nơi tối tăm, nghèo khổ như thế này, người ta vẫn có thể nhìn thấy và chạm vào được hai chữ “yêu thương”...

NGUYÊN NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên