Cô giáo Trần Thị Trúc Hạ bên học trò của mình - Ảnh: H.T. |
“Dù tôi chỉ dạy Trung một năm nhưng sau này khi có bằng khen hay chiếc huy chương nào từ các cuộc thi học sinh giỏi tôi cũng được nhìn thấy đầu tiên. Hạnh phúc của người đứng trên bục giảng là được nhìn thấy học trò mình biết vượt qua nghịch cảnh mà học |
Cô Trần Thị Trúc Hạ |
Quá xót xa, cô mua liền một cái bàn học nhưng không tài nào đặt vào được bởi căn phòng trọ ba mẹ con học trò sống quá chật chội... Từ đó, cô giáo ấy trở thành người mẹ thứ hai, đồng hành cùng những thăng trầm trong cuộc đời của trò.
Và cậu học trò ấy bây giờ đã là tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM. Đó như là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà “cô tiên” có thật, là cô giáo Trần Thị Trúc Hạ, cựu giáo viên dạy văn Trường THCS Nguyễn Khuyến (TP Đà Nẵng).
Cô giáo 6 năm cưu mang trò
“Nếu cô Hạ không dang tay ra cứu giúp thì không biết cuộc đời thằng Trung bây chừ như răng nữa” - bà Ngô Lệ Hường, mẹ của Trung, chia sẻ. Cứ mỗi lần kiệt quệ đến bế tắc, Trung và mẹ của mình lại nhận được sự bao bọc của cô Hạ. Lần đầu là mùa thu sáu năm trước, khi không thể đóng học phí cho Trung đi học, người mẹ nghèo khổ này đã đến gặp cô Hạ cho xin “khất” tiền học.
Thương trò, cô Hạ đã bỏ tiền túi đóng học phí luôn cho Trung để học trò không tự ti khi đến trường. Lần thứ hai khi Trung vừa học xong lớp 9 thì mẹ mắc bạo bệnh phải nhập viện. Không biết cầu cứu ai, cậu học trò đó nước mắt giàn giụa hốt hoảng chạy đến cô Hạ xin cứu giúp. Cô tức tốc đến bệnh viện lo thủ tục, đóng viện phí để mẹ Trung được chạy chữa qua cơn nguy kịch.
Lần thứ ba, khi Trung thi đậu vào lớp chuyên sinh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng), Trung không có tiền, không có xe đạp, cô Hạ lại tiếp tục lo toan cho Trung đến trường.
Suốt từ năm lớp 7 đến năm lớp 12, mùa khai giảng nào cô giáo dạy văn này cũng trích một khoản tiền để đóng học phí và vận động bạn bè, học trò cũ của mình cưu mang Trung. Thậm chí khi Trung được tuyển chọn đi thi Olympic 30-4 học sinh giỏi môn sinh học tại TP.HCM nhưng không có tiền đi, hay tin cô Hạ cầm ngay 5 triệu đồng đến dúi vào tay trò, bảo: “Con đi đi”. Lần đó, Trung đoạt huy chương đồng.
Cô Hạ kể thương cậu học trò nghèo nhất là lúc mẹ nằm viện, Trung vừa chăm mẹ vừa phải ôn thi nên hôm nào đến lớp mặt cũng phờ phạc, xanh xao. Sợ trò tự ái với bạn bè nên sáng nào cô Hạ cũng gọi ra một góc, lúc đưa gói xôi, lúc đưa ổ bánh mì, khi đưa ít tiền nhắc Trung bồi dưỡng để có sức chăm mẹ. “Trước khi mẹ Trung lên bàn mổ, chị ấy sợ có chuyện chẳng lành nên nhờ tôi nhận nuôi thằng Trung, nghe câu đó tôi thấy thương hai mẹ con trò gì đâu” - cô Hạ bộc bạch.
3 mẹ con ăn 1 gói mì
Đậu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trung và mẹ liền khăn gói vào TP.HCM, được người quen cho ở tạm trong phòng trọ để làm thuê, làm mướn kiếm tiền nhập học. Trung đi lượm banh ở sân tennis. Mẹ Trung đi lau dọn nhà cho người ta. “Tui ở đâu cũng ở trọ, làm thuê thôi, nên vô đây ở với con thì bớt đi một khoản tiền trọ ngoài Đà Nẵng” - bà Hường chia sẻ.
Làm ăn đổ nợ, chồng bỏ đi không để lại tung tích, bà Hường rơi vào cảnh cùng cực. Để nuôi hai đứa con ham học, bà Hường đem hai đứa ra ở trọ, bà đi rửa chén thuê hết chỗ này đến chỗ khác. Năm Trung học lớp 6, bà Hường đổ bệnh nằm liệt một chỗ hai tháng trời, đồ đạc trong nhà phải bán sạch, đến áo quần cũng phải bán để lo cái ăn cho hai con.
Có những bữa ăn ba mẹ con nấu một gói mì rồi ăn chung. Tới bước đường cùng, bà Hường quyết định nói với hai con: “Cực quá con ơi, ba mẹ con uống ba viên thuốc rồi đi cho có nhau”. Trung đầm đìa nước mắt đến bên mẹ nói: “Mẹ ơi, con còn tương lai”. Câu nói đó của đứa con mới 10 tuổi đã khiến người mẹ kiệt quệ này gắng gượng dậy, ngày ngày hai đứa con dìu mẹ đến quán bún gần nhà ngồi một chỗ rửa chén kiếm tiền.
Năm Trung lên lớp 7, chị gái của Trung tốt nghiệp trường chuyên, giành được suất học bổng ở Úc nhưng chỉ được tài trợ 50% học phí. Tiền học đại học trong nước không có huống hồ gì đóng hàng chục triệu đi học nước ngoài, người chị gái đành bỏ học đi làm thêm phụ mẹ nuôi em. Suốt 12 năm đi học, Trung đều nằm úp trên giường học bài, đi xin sách vở cũ của người ta, ngay cái quần đi học cũng là quần cũ được cho.
Ấy thế mà cậu học trò này vẫn luôn là học sinh giỏi suốt 12 năm học. Mới năm học vừa rồi, Trung còn đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn sinh học TP Đà Nẵng và rất nhiều giải học sinh giỏi của trường...
Cô Hồ Vi Phương, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10, 11 của Hồ Lê Trung, nói: “Tôi biết với hoàn cảnh như Trung thì nhiều em sẽ bỏ học. Nhưng với Trung, không những hoàn thành vai trò con ngoan trò giỏi trên mức xuất sắc mà còn tham gia sôi nổi các hoạt động Đoàn, hoạt động xã hội. Trung không vì mặc cảm hoàn cảnh mà sống khép nép, co mình. Ngược lại, em đã biết vươn lên nghịch cảnh từ gian khó, biết sống cho cộng đồng, cho tập thể, đó là điều tôi rất quý ở Trung”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận