18/10/2017 20:33 GMT+7

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Mẹ chồng, dự án thứ hai của đạo diễn Lý Minh Thắng dự kiến khởi chiếu tháng 12 năm nay đang gây chú ý bởi sự đầu tư 'bạo' cho phục trang.

Những hình ảnh hậu trường của công tác phục trang phim Mẹ chồng

Bối cảnh của Mẹ chồng được đặt vào một khoảng thời gian không xác định trong lịch sử để nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn - người chịu trách nhiệm chính trong phần thiết kế trang phục cho phim xử lí.

Thuỷ Nguyễn chia sẻ thiết kế phục trang cho Mẹ chồng khó thì không khó, nhưng "éo le" nhất là khi đặt các bộ trang phục cạnh nhau, chúng phải tạo ra sự hài hoà, cân đối về màu sắc, tổng thể, và bộc lộ được phần nào tính cách của nhân vật. 

"Giống như nhân vật mẹ chồng của Thanh Hằng, cô thường mặt những tông đỏ sậm, thể hiện sự quyền lực của người "tay hòm chìa khoá" trong nhà.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể mặc màu đỏ, nhất là khi Mẹ chồng xuất hiện trong những khung hình cùng người khác, sự đối chọi về màu sắc giữa những bộ trang phục sẽ làm cho người xem khó chịu".

Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn

Bài toán của Thuỷ Nguyễn là với hai loại trang phục chính là áo bà ba và quần lụa đen, cô phải tạo ra tính cách của tất cả những nhân vật trong một gia đình miền Tây Nam Bộ của phim.

Bà Hai Lịnh (vai diễn của diễn viên Diễm My 6X) được lấy tông màu vàng, trải dài từ đậm đến nhạt khiến khán giả liên tưởng ngay đến các ông vua, bà hoàng trong cung đình.

Những chiếc áo bà ba của mẹ chồng Ba Trân (siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai) luôn có chất liệu nhung, tạo kiểu xếp phồng, sẫm màu và rất sang trọng. 

Bên cạnh đó còn là những chi tiết hình rắn, đại diện cho sự mưu mô, quyền lực. 

Với chiều cao và sắc vóc của một siêu mẫu, Thanh Hằng chính là lựa chọn hoàn hảo cho nhân vật Ba Trân: một người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng từng được vô số chàng trai ao ước cho đến khi trở thành bà mẹ chồng cay nghiệt, độc đoán không khác mẹ chồng của mình trước đó.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 3.

Diễn viên Diễm My với trang phục và tạo hình bà Hai Lịnh, mẹ chồng của Thanh Hằng trong phim

Đối lập hoàn toàn với sự độc đoán của hai người phụ nữ lớn tuổi và quyền lực trong nhà là nhân vật Tuyết Mai (do Midu thủ vai).

Vốn là một cô gái tân thời, được học ở trường Tây nên trang phục của cô dù là áo bà ba nhưng lại rất gợi cảm, cho thấy sự phóng khoáng, quyết liệt.

Nhiều khán giả dự đoán, mối quan hệ không đội trời chung của Ba Trân và Tuyết Mai đã được thể hiện rõ thông qua dụng ý từ trang phục, chứ không cần chờ khi mâu thuẫn nổ ra.

Riêng Tư Thì (do Lan Khuê thủ vai) là một nhân vật khó đoán trong Mẹ chồng. 

Nhân vật này dịu dàng khiêm nhường nhưng lại có những ánh mắt rất sắc sảo. 

Như một sự sắp đặt, màu tím là màu chủ đạo trong trang phục của Lan Khuê. 

Màu tím vừa có ý nghĩa là sự nồng ấm, chung thủy lại mang theo sự bí ẩn.

Sau Sài Gòn anh yêu em, Mẹ chồng là dự án điện ảnh thứ hai Lý Minh Thắng ngồi ở ghế đạo diễn. 

Anh cho biết, tuy chọn bối cảnh phong kiến nhưng Mẹ chồng vẫn là bộ phim hiện đại do những người trẻ với những góc nhìn mới mẻ thực hiện. 

Bộ phim sẽ mang đến một tông màu khác biệt, khơi gợi tò mò về những đề tài quen thuộc, gần gũi, đồng thời không làm mất đi những giá trị văn hóa xưa.

Xem một số hình ảnh về phục trang các nhân vật khác trong Mẹ chồng:

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 5.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 6.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 7.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 8.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 9.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 10.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 11.

Mẹ chồng và câu chuyện phục trang bắt mắt - Ảnh 12.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên