Hiện nay Đài Loan đã tìm thấy hộp đen thứ nhất.
Tai nạn máy bay ở Đài Loan, 47 người nghi thiệt mạng
Phóng to |
Các nhân viên cứu hộ giữa đống đổ nát của chiếc máy bay và những ngôi nhà - Ảnh: huffpost.com |
Một đội điều tra của Đài Loan với sự hỗ trợ của 200 binh sĩ đã tới đảo Bành Hồ (Penghu) và tìm thấy chiếc hộp đen này.
Theo trang mạng caijing.com.cn, chiếc hộp đen hiện được cất giữ ở văn phòng cảnh sát Bành Hồ khi đội tìm kiếm cứu nạn đang tiếp tục các nỗ lực dọn dẹp hiện trường, giúp đỡ người bị thương và tìm chiếc hộp đen thứ hai.
Chuyến bay mang số hiệu GE222 của hãng hàng không TransAsia Airways đã rơi thẳng từ độ cao gần 30 mét vào lúc nó sắp hạ cánh xuống Bành Hồ trong trời mưa nặng hạt do bão. Caijing dẫn lời các nhân chứng nói họ nhìn thấy 7 người sống sót tự bò ra khỏi đống đổ nát từ xác chiếc máy bay - chỉ còn lại phần đuôi sau khi đâm vào một tòa nhà gần sân bay Bành Hồ.
Trên máy bay có 58 hành khách, bao gồm 4 trẻ em và 4 thành viên phi hành đoàn. Trong số các hành khách có 2 người mang quốc tịch Pháp. Chuyến bay 222 có lịch bay vào 16g ngày 23-7, nhưng bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Máy bay cất cánh vào lúc 17g42 và dự kiến mất 35 phút để bay tới Mã Công (Magong), thủ phủ của đảo Bành Hồ.
Một người phát ngôn của Cơ quan an toàn hàng không Đài Loan đã nói với các phóng viên rằng lúc này còn quá sớm để kết luận vụ tai nạn máy bay là do bão.
Jean Shen (tổng giám đốc Cục hàng không Đài Loan) nói viên phi công đã yêu cầu được hạ cánh lại sau lần đầu bất thành, nhưng đài kiểm soát không lưu ở Mã Công mất liên lạc với chiếc máy bay ngay sau đó. Hai chiếc máy bay khác đã đáp an toàn xuốn sân bay Mã Công không lâu trước vụ tai nạn của GE222.
Theo Cục hàng không Đài Loan, phi công Li Yi Liang (60 tuổi) đã có gần 23.000 giờ bay và người trợ lái (Chiang Kuan Hsing, 39 tuổi) cũng có 2.391 giờ bay. Các hình ảnh phát đi qua truyền hình từ Mã Công cho thấy đống đổ nát của chiếc máy bay nằm trên một bức tường giữa những căn nhà.
“Lửa bốc lên dữ dội”, nhân chức Hsueh De Chong viết trên Facebook, theo báo Apple Daily của Đài Loan. “Dù trời mưa lớn lửa vẫn cháy dữ dội”. Tổng giám đốc TransAsia, Chooi Yee Choong, đã xuất hiện trước truyền thông và nói lời xin lỗi ở Đài Loan sau vụ tai nạn.
Truyền hình địa phương chiếu cảnh một phụ nữ, Hsu Yu Jie, một nhân viên nhà nước 34 tuổi làm việc cho sở kế toán và thống kê huyện Bành Hồ, đổ gục trong nước mắt khi được các nhân viên của hãng hàng không tới an ủi. “Con gái tôi”, bà Hsu chỉ nói được thế rồi lại nấc lên.
TransAsia là hãng hàng không tư nhân có 63 năm hoạt động ở Đài Loan, chủ yếu bay các tuyến nội địa, nhưng cũng có các đường bay sang Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Phi đội của họ bao gồm hơn một chục máy bay Airbus và 10 máy bay ATR do Pháp - Ý sản xuất.
Trong 13 năm qua, TransAsia đã gặp 8 vụ tai nạn, trong đó có 6 vụ liên quan tới máy bay ATR. Năm 2002, một máy bay chở hàng ATR 72-200 với 2 phi công của họ đâm xuống biển gần quần đảo Bành Hồ khi đang trên đường từ Đài Loan đi Macau.
Thảm kịch hàng không gần nhất của Đài Loan cũng xảy ra gần Bành Hồ. Một chiếc Boeing 747 của hãng China Airlines đã nổ trên không năm 2002 và đâm xuống eo biển Đài Loan khiến tất cả 225 người trên máy bay thiệt mạng.
Tai nạn lớn gần nhất liên quan tới ATR-72 là vào tháng 10-2013, khi một máy bay của hãng Lao Airlines gặp nạn trong bão khi sắp đáp xuống sân bay Pakse ở nam Lào, khiến 49 người trên máy bay thiệt mạng.
Phóng to |
Chiếc ATR-72 chỉ còn là đống sắt vụn - Ảnh: abc13.com |
Phóng to |
Chỉ phần đuôi máy bay là còn nguyên vẹn - Ảnh: wordpress.com |
Phóng to |
Bên trong một tòa nhà ở khu vực máy bay rơi - Ảnh: therakyatpost.com |
Phóng to |
Sân bay Mã Công - Ảnh: panoramio.com |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận